Aa

Công ty địa ốc “tiến thoái lưỡng nan” với chung cư cũ

Thứ Ba, 27/06/2023 - 06:21

Hưởng ứng lời kêu gọi đầu tư xây dựng cải tạo chung cư cũ của TP.HCM, song nhiều doanh nghiệp địa ốc đang rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

Bỏ không được, làm không xong

Năm 2010, Công ty cổ phần Đức Khải Tân Bình đăng ký tham gia xây dựng lại chung cư cũ 350 - Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình). Ngay sau đó, Công ty đã bồi thường, di dời 137 hộ dân, bố trí tạm cư cho 20 hộ, đồng thời hoàn tất các thủ tục pháp lý theo quy định.

Công ty cũng đã tiến hành tháo dỡ toàn bộ chung cư, chuẩn bị mặt bằng, đầu tư hạ tầng, nâng cấp giao thông kết nối khu vực, bố trí, chi trả chi phí tạm cư cho người dân.

Năm 2018 - 2019, Công ty Đức Khải Tân Bình ký hợp đồng để huy động vốn từ khách hàng. Tuy nhiên, từ đó đến nay dự án vẫn “bất động”. Nguyên nhân là vì chủ đầu tư chưa được giao đất, dù Tổ công tác của Chính phủ, Bộ Xây dựng, UBND TP.HCM chủ trì nhiều buổi họp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, có các chỉ đạo, hướng dẫn, nhưng sau đó các sở, ngành và UBND quận Tân Bình chưa giải quyết, doanh nghiệp vẫn tiếp tục chờ đợi.

Chủ đầu tư cho biết, phải vay nợ khắp nơi để trả lãi ngân hàng, quay vòng đáo hạn trong nhiều năm qua. Hoạt động của Công ty cũng vì thế mà đình trệ, công ăn việc làm của nhân viên rơi vào bế tắc. “Chúng tôi đã tuân thủ, thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách Nhà nước đề ra. Do vậy, doanh nghiệp mong UBND TP.HCM chỉ đạo các đơn vị giao đất để chúng tôi thực hiện dự án, sớm giao nhà cho người dân”, lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ.

Công ty cổ phần Phát triển Đất Việt đang thực hiện cải tạo khu chung cư Cô Giang (phường Cô Giang, quận 1) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Đây là chung cư cũ được xếp loại D (nguy hiểm, có thể sập bất cứ lúc nào). Sau nhiều năm kêu gọi đầu tư nhưng bất thành, UBND TP.HCM phải chỉ định chủ đầu tư là Công ty cổ phần Phát triển Đất Việt.

Ngay sau đó, Công ty Đất Việt đã tiến hành di dời, giải tỏa 750 căn hộ, trong đó có 95 căn thuộc sở hữu nhà nước, với tổng chi phí bồi thường khoảng 1.500 tỷ đồng. Chủ đầu tư đã xây dựng khu nhà tái định cư cao 30 tầng, với hơn 1.000 căn hộ và đã tiến hành bố trí tái định cư cho 197 hộ dân, phần còn lại người dân nhận tiền tự lo nơi ở mới. Nhưng đến nay, dự án phải tạm dừng để rà soát pháp lý, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Ngoài 2 dự án kể trên, tại TP.HCM còn nhiều chung cư cũ khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự khiến các nhà đầu tư nản lòng. Đây là nguyên nhân khiến chương trình di dời, cải tạo chung cư cũ tại TP.HCM dậm chân tại chỗ nhiều năm.

Cần luật hóa rõ ràng

Tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được các đại biểu sôi nổi đóng góp ý kiến. Trong đó, vấn đề xây dựng, cải tạo chung cư cũ rất được quan tâm.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai đầu tư xây dựng lại chung cư cũ còn gặp vướng mắc trong các thủ tục chấp thuận đầu tư, thu hồi đất, giao đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư do việc áp dụng Luật Nhà ở, pháp luật đất đai và pháp luật đầu tư còn chồng chéo, chưa có sự đồng bộ.

Trong khi đó, xung đột giữa quy định về ưu đãi đầu tư xây dựng lại chung cư với quy định pháp luật về thuế, thực hiện nghĩa vụ tài chính, dẫn đến một số dự án cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ không đảm bảo hiệu quả kinh tế, khó mời gọi nhà đầu tư tham gia.

Chưa kể, quy định pháp luật về lựa chọn chủ đầu tư xây dựng lại chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm theo Luật Nhà ở còn nhiều bất cập, như chưa cho phép Nhà nước thực hiện việc chỉ định chủ đầu tư, mà phải thông qua hội nghị nhà chung cư, nên khó có thể đạt được sự thống nhất cao của người dân.

Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, để đẩy nhanh việc cải tạo chung cư cũ, Dự thảo Luật Nhà ở cần bổ sung các giải pháp khả thi để tháo gỡ 4 điểm nghẽn là: trình tự, thủ tục di dời cư dân ra khỏi các nhà chung cư nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ; lựa chọn chủ đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; thống nhất phương án bồi thường, tái định cư sau khi lựa chọn được chủ đầu tư; trình tự, thủ tục đầu tư phức tạp, kéo dài đối với các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Về phía doanh nghiệp, ông Hoàng Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thiết kế kiến trúc Phú Mỹ cho rằng, việc sửa đổi Luật Nhà ở lần này cần có bước đột phá để tháo gỡ triệt để nút thắt về chính sách, pháp luật trong việc cải tạo chung cư cũ. Luật cần quy định cụ thể hơn, đảm bảo lợi ích các bên (người dân, Nhà nước, doanh nghiệp), đồng thời có nhiều phương thức, giải pháp thực hiện dự án cải tạo chung cư cũ được đẩy nhanh tiến độ.

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng góp ý, cần tính đến các quy định với việc quản lý chung cư hiện nay. Ví dụ quy định thời hạn sử dụng của công trình nhà chung cư là bao nhiêu, bởi đến thời gian nào đó, những chung cư đang sử dụng hiện nay sẽ đến lúc cần sửa chữa, cải tạo. Những quy định được thiết lập rõ ràng từ sớm sẽ giúp giảm bớt vướng mắc, xung đột lợi ích với những chung cư cần sửa chữa, cải tạo sau này./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top