Ngày 1/9/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã ra Quyết định số 1666/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp nhận nhà đầu tư đối với Dự án trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao Minh Thúy Cò Nòi. Theo đó, dự án sẽ phục vụ việc di chuyển trang trại chăn nuôi lợn quy mô tập trung tại Tiểu khu 19/5, xã Còi Nòi, huyện Mai Sơn. Đồng thời, mở rộng quy mô đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp.
Dự án được triển khai trên địa bàn thuộc bản Nà Sẳng và bản Phiêng Trai (xã Hát Lót, huyện Mai Sơn) với tổng diện tích khoảng 35,79ha. Khi hoàn thành khu chuồng trại chăn nuôi lợn có công suất khoảng 2.400 con sinh sản và khoảng 30.000 con lợn thịt thương phẩm/năm.
Quyết định số 1666 của UBND tỉnh Sơn La đã nêu rõ: “Công ty TNHH MTV chăn nuôi Minh Thúy Cò Nòi chỉ được triển khai thực hiện dự án khi đã hoàn thành các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật. Trong mọi trường hợp vi phạm pháp luật phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và tự chịu trách nhiệm chi trả các khoảng chi phí đầu tư trong quá trình nghiên cứu và thực hiện dự án. Chịu mọi rủi ro nếu không được các cấp có thẩm quyền phê duyệt các bước tiếp theo, không đủ điều kiện triển khai dự án theo quy định”.
Tuy nhiên, chỉ 5 tháng sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư thì Công ty Minh Thúy đã bị xử phạt về lĩnh vực đất đai. Những vi phạm được nêu rõ trong Quyết định số 67/QĐ-XPVPHC của UBND tỉnh Sơn La. Cụ thể, “Công ty đã chiếm hơn 12.600m2 đất trồng cây hàng năm khác và khoảng 87.000 m2 đất rừng phòng hộ tại bản Nà Sẳng, bản Phiêng Trai, xã Hát Lót để thực hiện dự án khi chưa được UBND tỉnh cho thuê đất”.
Thời gian chiếm đất mà Công ty Minh Thúy đã vi phạm là từ ngày 10/9/2023 đến ngày 15/12/2023 cũng được nêu rõ trong quyết định xử phạt đối với đơn vị này. Vậy là chỉ sau hơn 1 tuần khi có Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Sơn La, Công ty Minh Thúy đã thực hiện hành vi chiếm đất sai quy định.
Điều đáng nói ở đây là 2 quả đồi trước đây là đất trồng cây hàng năm của bà con đã được doanh nghiệp san gạt khá nhanh. Trong đó có một khu gồm khoảng 10 mái nhà “ngự” trên một quả đồi đã được xây dựng khá kiên cố. Ngay cạnh đó còn có một số ao nước có lót bạt và một số công trình khác. Dường như việc triển khai dự án vẫn diễn ra khá trôi chảy như chưa có gì xảy ra.
Trao đổi với Báo NNVN , ông Hà Nam Linh, quyền Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mai Sơn cho biết, sai phạm của Công ty Minh Thúy là rõ ràng, các cơ quan chức năng đã kiểm tra và có hình thức xử phạt. Đồng thời yêu cầu đơn vị vi phạm phải hoàn thiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất sản xuất cũng như đất rừng. “Chỉ khi có cái đấy thì mới tiếp tục thực hiện các thủ tục khác về đất đai. Và việc này phải được Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La (HĐND) thông qua mới đúng thẩm quyền”, ông Linh khẳng định.
Công ty Minh Thúy "thuyết phục" đại biểu HĐND tỉnh bằng cách nào?
Tại kỳ họp chuyên đề thứ 19, HĐND tỉnh Sơn La khóa XV diễn ra vào ngày 17/4 mới đây, các đại biểu đã biểu quyết thông qua “Nghị quyết Bổ sung cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh”. Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ để thực hiện 6 dự án. Trong đó: Đất trồng lúa 5.185m2; đất rừng phòng hộ (đất chưa có rừng) 286.554m2. Và Dự án trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao Minh Thúy Cò Nòi cũng nằm trong danh mục này.
Đáng lưu ý là gần dự án còn có suối Nậm Pàn, nơi bà con dân bản vẫn hay sử dụng để sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Nếu các cơ quan chức năng không xem xét kỹ lưỡng những tác động của dự án thì có thể sẽ ảnh hưởng đến những người dân ở vùng hạ du.
Phải chăng Công ty Minh Thúy đã rất tự tin sẽ "thuyết phục" được các đại biểu HĐND nên mới triển khai xây dựng trước khi được thông qua tại kỳ họp HĐND? Làm thế nào mà một doanh nghiệp có hành vi vi phạm, bị xử phạt, lại được đưa vào danh mục chuyển mục đích sử dụng đất để các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua, "hợp thức hóa" cho sai phạm?. Việc này nếu không xem xét kĩ lưỡng, sẽ trở thành tiền lệ xấu cho các dự án khác triển khai trên địa bàn tỉnh.
Chưa hết, đến thời này, doanh nghiệp vẫn chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM. Điều này cũng đã được ông Hà Nam Linh xác nhận.