Aa

Cứ tưởng đang ở nước ngoài

Thứ Tư, 15/05/2019 - 06:00

Rất nhiều người sung sướng ra mặt khi bảo nước ngoài người ta cũng ăn cắp; ở Mỹ cũng có chuyện chạy trường, chạy điểm; ở Đức cũng khối kẻ biến thái lạm dụng tình dục… chứ đâu chỉ Việt Nam.

Giờ thì tôi có thể đưa ra kết luận: Muốn biết dân cư một xứ sở nào đó tử tế, lịch sự, được giáo dục tốt hay không, chỉ cần nhìn cách họ chờ mua hàng. Nhưng với những gì tôi quan sát, thì hóa ra việc đơn giản ấy không dễ thực hiện chút nào.

Chúng ta cứ nhìn cảnh chen lấn của người dân Hà Nội được tiếng là thanh lịch nói riêng, và người Việt ở mọi nơi nói chung, sẽ thấy nhận định đó không phải là nói lấy được. Đông người cùng mua, đương nhiên là phải chen nhau. Tất nhiên đã chen nhau là chả ra gì, nhưng mà còn có thể “thương” được phần nào.

Đằng này, nhiều khi chỉ có vài mống, thậm chí trông trước trông sau có nhõn hai người, cũng cứ chen nhau chí tử. Không nhoi lên trước, không nhanh hơn người khác, là không chịu được, là kém cỏi? Hình như chen nhau, không thèm xếp hàng, giờ không chỉ là do thói quen, mà đã trở thành một thứ “khôn ngoan” của người Việt?

Chúng ta thường hùa nhau cổ vũ một thói quen rất tệ hại là thích tìm cách moi móc những tật xấu của người khác, để biện hộ cho những tật xấu của mình. Rất nhiều sung sướng ra mặt khi bảo nước ngoài người ta cũng ăn cắp, chứ riêng gì Việt Nam; ở Mỹ cũng có chuyện chạy trường, chạy điểm, chứ đâu chỉ Việt Nam; ở Đức cũng khối kẻ biến thái lạm dụng tình dục… chứ đâu chỉ Việt Nam.

Họ lờ tịt những mặt tốt nổi trội, vốn là chủ yếu của họ, vì biết rằng mình không thể thực hiện được, hoặc thực hiện rất khó. Đó là hành xử của một dân tộc còn lâu mới trưởng thành về văn hóa.

Hai hình ảnh tương phản ở nước ngoài và... ở ta.

Hai hình ảnh tương phản ở nước ngoài và... ở ta.

Trở lại với chuyện xếp hàng. Ở châu Âu, ở Mỹ, ở Đài Loan, Nhật Bản… những quốc gia có tốc độ sống chóng mặt, mọi người coi xếp hàng là một phần của những ứng xử và quan hệ công cộng văn minh thông thường. Mọi người tự nguyện chấp nhận như một sự bắt buộc. Trẻ con ở những nước đó không chỉ ngày ngày thấy tận mắt cảnh bố mẹ, người lớn xếp hàng, mà chúng còn được dạy dỗ cẩn thận ngay từ những bài học đầu tiên.

Còn ở ta, thói quen lộn xộn không chừa một ai. Bản thân tôi phải thú nhận thật là mình từng vài phen xấu hổ không biết giấu mặt vào đâu, khi hồn nhiên chen ngang vào mua hàng, khi đang ở nước ngoài. Tôi không hề cố ý, mà nó như một hành động bản năng! Thấy vài người chân co chân duỗi, nhàn tản bấm điện thoại, hoặc vơ vẩn nghĩ đi đâu đó, mình không nghĩ là họ đang xếp hàng. Thế là chen vào và… mất hết cả thể diện.

Vì thế, buổi sáng mới đây, trên đường đi bộ qua phố Nguyễn Du, tôi thấy cảnh mấy người xếp hàng để mua xôi, tại một quán ăn rất nhỏ. Bà chủ quán chậm chạp và có thể do quá cẩn thận, vì thế khách hàng phải chờ khá lâu mới đến lượt. Nhưng không ai sốt ruột, không ai phá hàng chen ngang.

Tôi cứ đứng ngơ ngẩn, không tin vào mắt mình. Khi việc nhếch nhác quá nhiều, thì việc tử tế, ngăn nắp lại thành ra lạc lõng, đáng ngờ! Trong vài phút, tôi mất cảm giác về không gian, cứ tưởng mình đang ở nước ngoài. Chỉ đến khi, vì mải ngoái lại nhìn, tôi vấp phải viên đá vỡ cập kênh lát trên vỉa hè, loại vỉa hè vừa cải tạo được quảng cáo là có tuổi thọ tới bảy mươi năm, thì tôi mới biết, hóa ra mình vẫn đang ở Hà Nội.

Thấy nhói lên chút gì đó hy vọng, dù sau đó tràn ngập vẫn là nỗi buồn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top