Aa

Nghịch lý của phát triển

Thứ Tư, 01/05/2019 - 06:00

Khi cả làng chỉ có vài nóc nhà ngói, ai cũng thèm một nếp nhà mái bằng. Giờ đây, nhà nhà đổ mái bằng, thì lại thấy nhớ thương một thời mái rơm mái rạ đẹp như tranh vẽ, nhớ thương những mảnh ao làng...

Nhân có cuộc thi truyện ngắn của báo Nông thôn ngày nay (phối hợp với báo điện tử Dân Việt, Hội nhà văn Việt Nam) với chủ đề: Làng Việt thời hội nhập, tôi có mấy ý nghĩ nhỏ thế này.

Trước kia mỗi làng là một lãnh thổ riêng về địa lý, lề luật, lối sống. Ra khỏi làng là sang một không gian văn hóa, không gian kinh tế, không gian sống khác. Chính sách bế quan tỏa cảng thời phong kiến, chính sách ngăn sông cấm chợ một thời bao cấp khiến làng không chỉ là đơn vị tụ cư nhỏ nhất, mà còn là một đơn vị kinh tế riêng biệt. Hai làng cạnh nhau nhưng cuộc sống hoàn toàn khác nhau là chuyện bình thường.

Nhưng giờ đây khi làng mở rộng ra cả quốc gia, khái niệm “Không gian làng” xưa kia chả còn chút ý nghĩa gì. Công nghệ thông tin đã xóa bỏ mọi lũy tre kiên cố nhất chỉ bằng một cú bấm bàn phím hoặc nhấp chuột. Không còn bất cứ thứ gì là “của làng”. Thì lại chính là lúc, ra khỏi nhà là gặp một không gian khác mà mình hoàn toàn xa lạ. Làng bị xé vụn thành những mảnh nhỏ, mỗi mảnh là một kí hiệu phải giải mã. Thứ được coi là tình làng nghĩa xóm bỗng thành một thứ phiền toái, làm mất đi tính riêng tư.

Khi những cơn đói vàng mắt bao phủ lên khắp mọi ngõ ngách của làng quê Việt, nỗi sợ lớn nhất là bị làng bỏ quên, lìa xa hoặc ruồng rẫy. Giờ đây, khi cơm áo có phần đủ đầy, nhiều nơi thịt cá có trên mâm cơm ngày ngày, thì nỗi sợ lớn nhất nhiều khi lại là cứ phải gặp người làng? Cứ phải trả lời những câu hỏi thăm của họ. Sự quan tâm biến tướng, hoặc méo mó thành một kiểu thóc mách?

Khi cả làng chỉ có vài nóc nhà ngói, ai cũng thèm một nếp nhà mái bằng. Giờ đây, nhà nhà đổ mái bằng, thì lại thấy nhớ thương một thời mái tranh bằng rơm rạ, nhớ thương mái ngói đẹp như tranh vẽ, nhớ thương những cái ao vuông vắn như những chiếc gương giờ chỉ còn là vũng nước chỉ đủ cho cá cóc làm tổ. Thoát đói, thoát rét, thoát mê đụp, thì lại gặp sự kệch cỡm, xấu xí đến dị hình dị dạng.

Đồng ruộng một thời sinh lợi ít nhưng cũng vì thế mà thơm tho, an lành, phì nhiêu. Còn giờ đây phân và thuốc hóa học khiến thóc lúa ê hề thì đất đai, nguồn nước, không khí… thảy đều nhiễm độc và cằn cỗi hóa mỗi ngày.

Thứ từng được xem như biểu tượng của văn minh, tiện lợi, phát triển… là đồ nhựa, đồ ăn sẵn, hàng sản xuất cả loạt… thì giờ đây lại đích thị là cội nguồn của hiểm họa khôn lường và không có hồi kết.

V.v...

Nhớ thương ao làng.

Nhớ thương ao làng.

Cái nghịch lý của phát triển này có phải là một thứ định mệnh và có thể thoát khỏi nó bằng cách nào? Nghèo đói, thiếu thốn đáng sợ hay sự lạnh lùng, vô cảm, thói ích kỉ, sự độc ác… đáng sợ? Giải pháp nào để xóa bỏ cái nghịch lý nhân tạo đó? Tương lai của làng Việt sẽ thế nào và về đâu?

Đó chính là những câu hỏi không chỉ ở quy mô làng, mà luôn đặt ra ở tầm quốc gia, thậm chí quốc tế, bởi chẳng có thứ gì còn là riêng biệt, kể cả mây trên trời, nước dưới biển, không khí ngoài vũ trụ.

Điều tôi muốn nói ở đây chỉ là: Các nhà văn, những người được xem là hy vọng của cộng đồng, mỗi tiếng nói còn đang được lắng nghe, hãy mạnh mẽ và cần mẫn thể hiện trách nhiệm xã hội của mình, bằng bất cứ thứ gì mình có khả dĩ tạo ra thay đổi tích cực khi còn hy vọng. Làng Việt đang đau ốm, biến dạng, thậm chí hấp hối về mặt tinh thần, là điều có thật..

Nên nhớ: Cái nghịch lý của phát triển vừa nêu, chính là một thứ bệnh hiểm nghèo, gây ra bởi chính con người.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top