Aa

Cửa hàng ăn uống mậu dịch

Thứ Sáu, 15/06/2018 - 06:00

Hôm rồi tôi đến lại An Dương, thấy cái quán ăn mô phỏng cửa hàng ăn uống mậu dịch quốc doanh kia không còn nữa. Thay vào đấy là bia tươi, là cá hồi. Một sự thay thế tất yếu của quy luật nhưng dẫu sao lòng tôi vẫn phảng phất buồn. Nỗi buồn hoài cổ...

Giờ đây, thi thoảng ngồi trong những nhà hàng sáng choang, máy lạnh mát rượi mùa hè, ấm sực mùa đông, tận hưởng sơn hào hải vị của khắp bốn bể, năm châu, tôi lại chạnh nhớ về một thời mậu dịch. Trong đó đậm nhất là những cửa hàng ăn uống quốc doanh.

Hệ thống cửa hàng ăn uống mậu dịch quốc doanh có ở khắp nơi. Dạo bao cấp, tất tật mọi mặt hàng đều được phân phối theo tiêu chuẩn từng người dân. Đi mua từ lạng thịt, mớ rau hay mảnh vải, chai rượu...đều phải có phiếu nhà nước phát cho từng cá nhân và hộ gia đình. Tất nhiên có nhiều loại tiêu chuẩn từ dân thường đến cán bộ cao cấp được phân theo bìa D, C, B, A và mua ở những loại cửa hàng riêng biệt. Cửa hàng ăn uống mậu dịch cũng vậy. Khách hàng vào thụ hưởng đều phải theo tiêu chuẩn. Tỷ như một suất cơm 3 hào (tiền cũ dạo ấy ở miền Bắc) kèm theo nộp một phiếu lương thực 225 gr. Cũng có loại bán theo giá cao không thu tem lương thực tùy vào giá bán của từng cửa hàng. Thông thường bỏ chừng 5 hào là được một bữa tươm tất so với mặt bằng dạo ấy nhưng nó thua xa suất cơm hộp loại bình dân thời bây giờ. Tất nhiên ngoài cơm còn có phở, mỳ nước và bánh mỳ. Bánh mỳ thu tem như cơm còn phở và mỳ sợi bán theo giá tự do. Nước giải khát cũng được bán luôn ở cửa hàng. Có bia, nước ngọt mà chủ yếu là si rô, kem cốc...

Một cửa hàng mậu dịch thời xa xưa.

Một cửa hàng mậu dịch thời xa xưa.

Tôi từ nhỏ đã ham mê ăn uống nên rất ấn tượng về những cửa hàng  ăn uống mậu dịch quốc doanh này. Dạo chiến tranh phá hoại đi sơ tán ở Hà Nam, quê ngoại tôi cách thị xã chừng dăm cây số. Mới là thằng bé 10 tuổi nhưng tôi đã cực láu cá, biết cách kiếm tiền. Với số tiền bố mẹ cho ăn quà mỗi lần về thăm, tôi dùng làm vốn để đánh đáo. Tôi đánh đáo rất "mả", luôn thắng bọn trẻ làng trong mọi cuộc chơi với túi quần xủng xoẻng đầy tiền xu. Chủ nhật nghỉ học với xâu tiền xu nặng chịch, tôi đi bộ đến thị xã, vào cửa hàng mậu dịch đánh chén. Cửa hàng ăn mậu dịch thường hay đặt ở gần khu ga tàu, bến xe. Một bát phở không người lái (không thịt) giá 3 hào và phở có thịt giá 5 hào. Thường thì tôi xơi phở thịt. Nhớ mãi lần đang ăn dở thì có báo động. Dạo ấy thị xã Phủ Lý bị máy bay Mỹ ném bom rất ác liệt. Mọi người cuống cuồng chạy xuống hầm trú ẩn. Đang ngon, lại tiếc của, tôi nấn ná cố thêm mấy húp. Bất ngờ một cô nhân viên kéo mạnh tôi. Bát phở rơi đổ xuống đất. Tôi òa khóc. Dưới hầm giữa đợt bom tôi vẫn tấm tức khóc. Cô mậu dịch viên kia tưởng tôi sợ bom cứ ôm lấy vai an ủi, đừng sợ, đừng khóc nữa con trai. Còn nhỏ, bom đạn tôi chỉ coi ngang đồng cái chì đúc dùng để đánh đáo thôi nhé. Tôi khóc vì tiếc bát phở đang dở. Mấy miếng thịt xá xíu tôi dằm xuống đáy bát để dành ăn sau cùng, thế là đi tong. Hu hu....

Lớn lên chút, hết sơ tán, về Hà Nội đi học ở trường Đông Ngạc, tôi đi xe buýt từ Hàng Vôi lúc sáng sớm. Phố Hàng Vôi có một cửa hàng ăn mậu dịch tôi không còn nhớ số nhà, bán phục vụ học sinh rất sớm. Cửa hàng này oái ăm chỉ bán mỗi món mỳ sợ không người lái cũng giá 3 hào. Không thịt nhưng lúc đó bát mỳ là món ngon tuyệt trần bằng mấy cơm nguội chan nước mắm ở nhà. Sau này lớn hẳn thì các cửa hàng ăn mậu dịch trên tất cả các vùng tôi đến luôn là nơi tôi tìm đến đầu tiên mỗi khi có mặt.

Hệ thống cửa hàng ăn uống mậu dịch ở Hà Nội thời bao cấp có nhiều vô kể. Phố Hàng Buồm sát lối rẽ thông sang Ngõ Gạch có một cửa hàng rất to. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in cái bảng đề các món ăn ở cửa hàng này. Sâu đậm nhất là dòng: “Dê tần hoài sơn kỳ tử”. Đến mức cứ có tiền là tôi đến để chén món đó. Rải rác ở các phố đều có những cửa hàng ăn uống mậu dịch. Mạn Bờ Hồ thì cửa hàng thiên về giải khát nhiều hơn như Thủy Tạ. Hồng Vân, Long Vân bán kem nhưng cũng kèm cả giải khát và bán bánh mỳ, quẩy điểm tâm. Mạn phố Thuốc Bắc có cửa hàng Nguyên Sinh. Ở đây phở ngon có tiếng giá 5 hào. Lúc đó Hà Nội chưa có hệ thống cửa hàng tư nhân. Đối diện Nguyên Sinh có cửa hàng phở Bắc Hải mở bán chui phở giá 7 hào. Ông chủ Bắc Hải sau bị đi tù vì vi phạm chính sách lương thực và giết mổ trâu bò là công cụ sản xuất.

Những cửa hàng ăn uống mậu dịch nổi tiếng ở Hà Nội phải là những cửa hàng có bán bia hơi. Quán Thánh, Nguyễn Biểu có hai cửa hàng sau biến thành những điểm bán bia hơi nức tiếng một thời.

Cuộc sống đi lên, tự nhiên các cửa hàng ăn uống mậu dịch dần biến mất. Kinh tế tư nhân được phép đồng nghĩa dịch vụ ăn uống ồ ạt chiếm lĩnh thị trường đẩy các cửa hàng nhà nước lùi vào quên lãng.

Cửa hàng mậu dịch dựng lại thời nay theo ký ức.

Cửa hàng mậu dịch dựng lại thời nay theo ký ức.

Hoài cổ là thứ tình cảm vốn dĩ được trân quý và cần thiết để cân bằng cuộc sống. Bởi vậy đôi khi tôi cùng chúng bạn rảnh rỗi hay kéo đến những quán ăn mô phỏng cửa hàng ăn uống mậu dịch xưa để thụ hưởng những món ăn cùng ký ức một thời. Ở phố An Dương có một cửa hàng như thế rất đông khách. Thậm chí trong cửa hàng còn bày biện tranh, ảnh Hà Nội xưa cùng những vật dụng cũ của thời đó từ chiếc xe đạp, cái phích, quạt điện... Bát đũa, ấm chén cũng na ná như những gì thời bao cấp dùng. Cả món ăn cũng vậy.

Hôm rồi tôi đến lại An Dương, thấy cái quán ăn mô phỏng cửa hàng ăn uống mậu dịch quốc doanh kia không còn nữa. Thay vào đấy là bia tươi, là cá hồi. Một sự thay thế tất yếu của quy luật nhưng dẫu sao lòng tôi vẫn phảng phất buồn. Nỗi buồn hoài cổ...

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top