Mấy hôm nay dư luận dậy sóng vì liên tiếp những tai nạn tàu hỏa xảy ra. Tàu đâm tàu, lật toa. Ô tô đụng tàu hỏa ở đường ngang. Người chết, người bị thương, đường sắt tắc nghẽn nhiều giờ. Đọc thấy xót xa và bất chợt nôn nao nhớ lại những chuyến tàu xưa. Giờ đi đâu xa tôi đã không còn chọn tàu hỏa làm phương tiện di chuyển nữa. Chắc nhiều người cũng như tôi. Vì nhiều lẽ.
Tàu hỏa một thời là phương tiện chính của người dân. Khi đất nước chưa thống nhất, miền Bắc trong thời kỳ bao cấp toàn diện, vé tàu hỏa là điều gì đó tương đối cao xa. Xếp hàng mua được chiếc vé là cả một điều kỳ diệu. Tôi vẫn giữ được chiếc vé tàu hỏa từ Ga Hàng Cỏ đến ga Phủ Lý là nơi tôi sơ tán về quê ngoại dạo chiến tranh phá hoại. Tấm vé bằng bìa cứng hình chữ nhật xinh xinh bề dài chỉ chừng dăm phân, có bấm lỗ ghi rõ ga đi, ga đến, xê ri vé với một dãy số và số tiền hơn một đồng tiền cũ thời ấy giá trị bằng một một phần sáu mươi tháng lương khởi điểm. Giá vé tàu rẻ là ở chính sách bao cấp kia, thế nên mới có chuyện phe vé tàu. Vé tàu chợ đen đắt gấp mấy lần giá Nhà nước, nhưng bù lại không phải chầu chực xếp hàng tóe khói mới mua được tấm vé từ ô cửa tò vò từ quầy vé. Có khi người xếp hàng dài dằng dặc tràn ra khỏi nhà ga nối đến tận hè phố đường Nam Bộ cũ.
Khỏi nói sự háo hức tuổi thơ khi được đi tàu hỏa. Chặng đường từ Hà Nội về quê tôi chỉ hơn năm chục cây số nhưng tàu chạy phải mất già nửa ngày. Gần chục ga xép đỗ tránh có ga phải chờ cả tiếng đồng hồ. Trong mỗi toa, người và hàng hóa lèn nhau như cá hộp, mùi thập cẩm bốc nồng nặc. Thế mới có tên gọi những chuyến tàu ấy là tàu chợ. Thích nhất là lúc tàu chạy với tốc độ lớn. Tiếng sình sịch, sình sịch của bánh xe xiết vào đường ray đều đều dễ chịu. Toa tàu lắc ngang chòng chành. Và nếu là mùa hè thì gió lồng lộng ùa vào cửa sổ mát rượi thật thần tiên. Lớn lên chút, tôi láu cá chơi trò trốn vé để dành tiền đánh đáo, ăn quà. Nhân viên soát vé trong mắt thằng nhóc lậu vé thật sự là những hung thần. Thôi thì chui nhủi đủ mọi xó xỉnh, thậm chí trèo lên nóc toa cố thủ trên đó. Rủi bị bắt thì cũng chỉ phải ăn cái véo tai đau điếng và bị đuổi xuống ga kế tiếp nhưng kiểu gì tôi cũng lên lại được tàu để đi bằng được đến đích. Hãi nhất là xuống ga Hàng Cỏ. Phải đi ngược theo đường tàu ra mạn Trần Quý Cáp rình mò người gác ga sơ hở để ù té quyền. Nếu bị bắt ở ga chính này thì hết đường. Sẽ bị nhốt lại để chờ người lớn đến mua vé phạt chuộc ra. Tất nhiên kèm đó là một trận đòn nhớ đời của bố mẹ vì tội gian lận và ăn cắp tiền vé làm việc khác.
Nhớ nhất là chuyến tàu chở quân từ ga Thường Tín vào đến ga Đò Lèn khi tôi nhập ngũ. Cả đoàn tàu xanh sặc sắc áo lính. Mỗi trung đội chiếm trọn một toa với ngổn ngang súng đạn, ba lô. Lính tráng di chuyển trong đêm không kịp báo gia đình nên tranh thủ trên tàu viết thư dán tem kèm dòng chữ cảm ơn người gửi đến giúp hộp thư bưu điện. Những phong thư được ném qua cửa sổ xuống vệ đường tàu trắng xóa. Dạo đấy những phong thư này không hề bị thất lạc, người dân lượm được đều chuyển giúp chẳng mất lá nào.
Sau này khi Bắc Nam nối liền, có tàu Thống Nhất tiện nghi hơn nhiều và ngày một được cải thiện tốc độ ngắn dần. Đâu như ngắn nhất là tàu nhanh 32 tiếng gì đó. Các toa tàu hiện đại, tiện nghi hơn. Có máy lạnh không còn phải chờ hứng gió cửa số nữa. Vé được bán theo nhiều kênh, mua trực tiếp hoặc đặt trên mạng. Giá vé theo thị trường nên tiệt hẳn đội quân phe vé. Nói đến vé lại nhớ cũng một dạo còn có mốt thanh toán vé tàu nên có hẳn phi đội bán vé cũ đã đi cho những anh chị nào chơi trò gian lận mua vé về thanh toán với cơ quan.
Tàu hỏa thăng trầm theo từng thời kỳ. Từ bao cấp chuyển hạch toán thì phất lên như diều. Hành khách được phục vụ chu đáo từ bữa ăn đến thụ hưởng tiện nghi nhất là khâu vệ sinh. Tăng chuyến và các toa tàu chật hành khách. Nhưng rồi những hạn chế của hệ thống đường ray ngang 1m cổ lỗ, già nua trăm tuổi cùng những toa tàu, đầu máy thế hệ cũ, dù liên tục được cải tiến vẫn lạc hậu không thể rút ngắn được thời gian chạy tàu hơn nữa. Đã thế những hệ thống đường ngang cả do ngành đường sắt quản lý lẫn tự phát dân sinh luôn là những hiểm họa cho những chuyến tàu bằng số vụ tai nạn kinh hoàng. Chưa kể đường hàng không, đường bộ phát triển, có thêm nhiều lựa chọn hơn hẳn đường sắt, nên bây giờ tàu hỏa lại đi vào cơn thoái trào. Khách ít đi, giá vé đắt lên kèm theo sự xuống cấp, kém chất lượng của cả phương tiện lẫn dịch vụ phục vụ hành khách nên hành khách không còn coi đường sắt là lựa chọn thường xuyên nữa.
Tôi cũng đã rất lâu không đi tàu hỏa. Những ám ảnh về ăn uống và vệ sinh trên tàu hơn một ngày đêm đủ để tôi ưu tiên những lựa chọn khác nếu phải di chuyển đường dài. Dẫu vậy khi nghe tin những tai nạn vừa xảy đến với tàu hỏa như là một sự cùng tận của thoái trào, tôi vẫn nôn nao nhớ về những chuyến tàu xưa. Đó là những dấu ấn kỷ niệm thật khó quên với cả một đời người. Nôn nao để rồi mong muốn cho tàu hỏa sẽ lại bừng lên khởi sắc, sẽ lại là những háo hức của lớp người kế tục và là những chọn lựa hàng đầu trong dịch chuyển của hành khách. Mong muốn và hy vọng!