Aa

"Cũng phải có cái gì đó để mà bận rộn chứ!"

Thứ Năm, 26/03/2020 - 07:00

“Tôi đã sống rất ơ hờ…” (Trịnh Công Sơn). Tự giam mình, ngồi nhà tránh mùa Covid, cũng là dịp được đào sâu vào đời sống nội tâm của chính mình…

Sáng nay, có việc phải đi ra đầu ngõ, tôi lấy làm rất lạ: Tại các quán nước vỉa hè, đây đó vẫn cứ túm năm tụm ba những người ngồi uống nước chè vặt, hút thuốc lào, chém gió, cười nói oang oang, mà có người còn không cả đeo khẩu trang nữa chứ. Cánh này mỗi khi ngồi với nhau thì “trì” lắm, không dễ họ đứng dậy đi sớm cho đâu, có khi chiếm cứ gần buổi sáng. Có phải họ rảnh việc quá chăng? Hay họ không có việc gì để/cần/muốn làm?...

Ngày xưa, mỗi khi khuyên ai, người ta hay dùng từ “lý tưởng” (thanh niên phải có lý tưởng, sống ở đời phải có lý tưởng…). Chữ “lý tưởng” vốn chẳng có tội gì, nghĩa của nó chỉ đơn giản là một khát vọng nào đó mà mình tin và phấn đấu noi theo, thế thôi.

Thế nhưng, ngày nay chữ “lý tưởng” đã bị rỗng nghĩa đến nỗi mỗi khi nghe nó, ta không khỏi có chút nghi ngờ, thậm chí có khi còn thấy mang sắc điệu hài hước. Lý do của sự “mất giá ngôn từ” đó là người ta đã sử dụng nó quá nhiều, vô tội vạ, và có khi giả dối, nên gây ra tình trạng nhàm chán, mất hiệu quả giao tiếp.

Nói thế để tôi muốn nói đến một chuyện khác. Đôi khi con người ta, cho dù là người thông minh, tỉnh táo nhất, trong một thời điểm nào đó cũng có thể lâm vào tình trạng mất phương hướng, hoang mang. Ít thì là các câu hỏi: Có nên nói/làm việc ấy không, nếu có/không thì sẽ được mất những gì; làm việc gì trước, việc gì sau; cho lâu dài hay cho trước mắt?… Nhiều thì rơi vào tình trạng không biết phải làm gì, không có việc để mà làm, không có gì để theo đuổi, để bận rộn (như thể đám người tụ tập chè chén chém gió trên kia chăng?). 

Tình trạng này rất nguy hiểm. Nó đẩy con người rơi vào trạng thái chân không, nước chảy bèo trôi, không biết bấu víu vào cái gì cho chắc chắn. Nó dễ dẫn đến sự chán nản. Một khi đã chán nản, con người bị rút kiệt năng lượng, rất dễ buông xuôi, mặc kệ, muốn ra sao thì ra… Bạn đã khi nào vướng vào tình trạng này chưa? Tôi nghĩ, ai cũng đã từng, kể cả tôi.

Thấy ai đó rơi vào tình trạng này, có người tự cho mình cái quyền đi giáo dục người khác, bèn lôi ra một đống các lời khuyên dạy giáo điều, mòn sáo, công thức, theo kiểu “lý tưởng” nọ kia. Người nghe thấy chối tỉ, không thể "sực" nổi.

Phố vắng mùa dịch (Ảnh: Internet)

Tôi nhớ, có lần tôi cũng rơi vào tình trạng không trọng lượng, chẳng biết làm gì, chỉ lêu têu đi đây đi đó, gặp người nọ người kia, tán gẫu đôi câu. Cuộc sống cứ thế trôi đi rất ơ hờ, tẻ nhạt. Tôi tâm sự với thằng bạn tôi. Ban đầu nó hỏi tôi: “Ông có dự định làm một cái gì mà ông cho là ra tấm ra món không?”. Tôi thật sự lúng túng. 

Lâu nay tôi sống nước chảy bèo trôi, việc vẫn cứ làm đấy, nhưng toàn việc vụn. Vẫn cứ viết nọ viết kia đấy, nhưng toàn những cái viết vụn. Quả thật, toàn những thứ vụn, chẳng làm nên trò trống gì đáng kể… Nghe thế, nó bảo: “Người ta cũng phải nên có những dự định để mà theo đuổi, để mà bận rộn ông ạ. Nó tựa như cái cọc tiêu giúp ta nhìn vào nó mà có phương hướng, cũng là cách để nhắc nhở ta, vặn dây cót cho ta sống. Sợ nhất là có những lúc mình chẳng biết làm gì, chẳng theo đuổi cái gì…”.

Nghe thế, mới đầu tôi cũng chỉ ậm ừ. Sau ngẫm lại, bỗng giật mình. Lúc ấy, tôi cũng không dám đặt ra cho mình một dự định nào to tát. Biết sức mình có hạn, tôi chỉ dám đặt ra mấy việc trong ngắn hạn thôi, và tự nhủ mình cố gắng. Từ lúc nghĩ ra được những điều như thế, tôi thấy mình như chiếc xe có tải và cố gắng tự điều khiển nó theo đúng lối đi mà mình đã định.

Bạn bè của tôi, chủ yếu là những người làm nghề dạy học, viết văn, làm báo. Cánh viết văn, nhất là làm thơ, đôi khi phải tìm cảm hứng mới có thể viết được. Cánh làm báo thì bận rộn hơn, luôn có việc để làm, trừ khi anh không muốn. Còn cánh nhà giáo, sau mấy tuần nghỉ dạy, đến giờ đã bận bịu hơn: Dạy học online.

Tuy nhiên, vào cái dịp đại dịch này, tất cả chúng ta, trong đó có tôi lắm lúc cũng rơi vào trạng thái chân không, nghĩa là chẳng biết phải làm gì… Có phải, sức hủy diệt của đại dịch khủng khiếp quá? Có phải ngày ngày các con số người bị nhiễm, người chết đánh vào não trạng chúng ta ghê quá? Có phải hầu như phần lớn nội dung truyền thông trên tất cả các phương tiện, các kênh đều hướng vào mùa đại dịch?...

Tôi tự hỏi: Chúng ta còn sống trong hiểm họa đại dịch này bao lâu nữa? Câu trả lời là: không biết!

Thế là tôi lại nhớ tới câu nói của bạn tôi: “Cũng phải có cái gì để mà bận rộn chứ!”.

                                                                                                                       Mùa Covid -19

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top