Aa

Cuộc “tháo chạy” khỏi mặt bằng cho thuê cao cấp

Thứ Ba, 09/07/2024 - 16:28

Nằm trên các trục đường lớn, ở vị trí đắc địa, thế nhưng nhiều mặt bằng diện tích lớn như nhà phố truyền thống, shophouse tại Hà Nội trong tình trạng đóng cửa hàng loạt. Nhiều cửa hàng trả mặt bằng , các chủ sở hữu đã giảm giá vẫn khó kiếm khách thuê.

Cuộc “tháo chạy” khỏi mặt bằng cho thuê cao cấp- Ảnh 1.

Một dãy shophouse trên phố Tố Hữu đóng cửa hàng loạt vì không có khách thuê. Ảnh: Lục Giang

“Tháo chạy” khỏi mặt bằng cho thuê giá cao

Theo ghi nhận, từ nhà mặt phố cho thuê thuộc các tuyến phố trung tâm Hà Nội như phố Kim Mã, Xuân Thủy, đến các dãy shophouse trên các trục đường lớn như Tố Hữu, KĐT Ngoại Giao Đoàn,… hiện đang trong tình trạng đóng cửa hàng loạt, treo biển sang nhượng, bán hoặc cho thuê. Đây là những con phố kinh doanh sầm uất, mặt đường rộng nhưng nhiều cửa hàng đang bị bỏ không, khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối.

Chị Nguyễn Linh (kinh doanh tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, dù đã treo biển nhượng lại mặt bằng kinh doanh cách đây 2 tháng, nhưng đến nay chị vẫn chưa tìm được khách thuê để sang nhượng, rút tiền đặt cọc.

“Giá mặt bằng tăng cao trong khi doanh thu cửa hàng không ổn định, sau nhiều lần thương lượng nhưng chủ nhà vẫn giữ nguyên mức giá thuê ban đầu, mặt bằng rộng 130m2, 2 tầng với giá thuê 50 triệu đồng/tháng. Doanh thu cửa hàng hiện tại không gánh nổi giá thuê này nên tôi buộc phải sang nhượng để lấy lại tiền đặt cọc, tìm thuê mặt bằng có diện tích nhỏ hơn và giá cho thuê thấp hơn”, chị Linh nói.

Tương tự, anh Minh Thành từng có 3 cửa hàng kinh doanh thời trang cũng cho biết: “Xu hướng kinh doanh hiện nay không nhất thiết phải thuê mặt bằng, phải mở nhiều cửa hàng mới bán được. Nhận thấy tiền thuê mặt bằng ngày càng cao và xu hướng thị trường nay cũng khác, tôi đã sớm chuyển hướng, đẩy mạnh các kênh bán hàng trực tuyến nên không cần phải thuê nhiều mặt bằng như trước, doanh số bán hàng vẫn tăng cao”.

Anh Thành cũng cho rằng, xu hướng thị trường hiện nay đã khác, việc thuê mặt bằng không còn quá cần thiết, những nhà kinh doanh, các chủ cửa hàng giờ có thể bán qua các kênh trực tuyến, trên các sàn thương mại điện tử. Nên nếu giá thuê vẫn neo cao, các chủ sở hữu mặt bằng nếu không giảm giá sẽ rất khó giữ khách thuê.

Cần thay đổi để thích nghi với bối cảnh mới

Về phía các chủ sở hữu, chị Đỗ Thu Thủy (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chị có căn nhà mặt phố ở Xã Đàn, khoảng hơn 250m2, nhưng gần 2 năm nay vẫn chưa tìm được khách thuê. Dù đã tăng cường đăng tin cho thuê cửa hàng ở nhiều trang mạng, thế nhưng khách cũng không mặn mà, hầu hết người đến hỏi thuê đều đòi giảm giá xuống rất thấp.

“Tôi đã chấp nhận giảm giá so với mức giá kỳ vọng ban đầu, nhưng khách thuê đòi giảm tiếp, mức giá quá thấp nên tôi không chấp nhận. Vì thế nhà đã bị bỏ không 2 năm nay”, chị Thủy cho hay.

Ông Nguyễn Duy Khánh, một môi giới bất động sản cho thuê tiết lộ, kể từ cuối năm 2022 đến nay, tình trạng khách thuê trả mặt bằng khá nhiều. "Chúng tôi đã giảm giá từ 15 - 20%, thậm chí lên tới 30 - 40% nhưng đối tác vẫn chọn trả mặt bằng. Nguyên nhân chủ yếu là do sức mua yếu, tình hình thị trường nay cũng khác, vừa phải cạnh tranh với mặt bằng truyền thống, vừa phải cạnh tranh với các kênh kinh doanh online", ông Khánh lý giải.

Với tình hình thị trường hiện nay, bà Hoàng Nguyệt Minh - chuyên gia cấp cao của Savills Hà Nội - nhận định, các chủ đơn vị bất động sản, đặc biệt là nhà phố cho thuê cần thay đổi để thích nghi với bối cảnh mới, đưa giá thuê nhà mặt phố tại Hà Nội về đúng giá trị thực, thay vì đua nhau tăng giá gây khó cho doanh nghiệp, hộ dân có nhu cầu thuê, kinh doanh...

Trong khi đó, theo bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield nhận định, bên cạnh các lý do về giá cả, sự cạnh tranh khốc liệt từ các trung tâm thương mại, đại siêu thị hiện đại với những tiện ích vượt trội cũng là một phần nguyên nhân khiến mặt bằng nhà phố ngày càng “mất giá”, không còn là ưu tiên hàng đầu của các thương hiệu lớn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top