Tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội ngày 31/10, đại biểu Trần Công Thuật (Phó bí thư thường trực Tỉnh uỷ Quảng Bình) đề nghị Chính phủ quan tâm, giúp đỡ địa phương khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để tạo nguồn thu.
Theo ông Thuật, Quảng Bình là địa phương có lợi thế phát triển về du lịch, bao gồm cả rừng, biển, di tích danh thắng, đặc biệt là di sản thiên nhiên thế giới vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với hệ thống hang động và hệ sinh thái trải rộng trên 1.000 km2. Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8, chương trình của Chính phủ và Luật Du lịch, Quảng Bình có đủ căn cứ pháp lý và điều kiện để xây dựng du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch Quảng Bình hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn do quy hoạch du lịch khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng vẫn chưa được phê duyệt.
"Quy hoạch du lịch khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng vẫn chưa được phê duyệt. Trong đó, có cả vấn đề đầu tư xây dựng cáp treo ở vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Đa số ý kiến đồng tình và cho rằng cần có tuyến cáp treo để phát triển du lịch ở khu vực này", ông Thuật nói.
Tuy vậy, vẫn có 1 số ý kiến còn quan ngại về việc cáp treo sẽ ảnh hưởng đến môi trường ở vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng dù chưa nghiên cứu đầy đủ thông tin, dữ liệu và thực tế ở đây.
Theo Phó Bí thư Quảng Bình, di sản thiên nhiên thế giới vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là một tài sản quý giá để phát triển du lịch; nếu không khai thác tốt giá trị của di sản có nghĩa là lãng phí tài nguyên mà thiên nhiên mang lại.
"Với mong muốn khai thác hiệu quả trên cơ sở bảo tồn các giá trị di sản, vừa góp phần quảng bá du lịch Việt Nam, tạo nguồn thu ngân sách nhà nước, Quảng Bình mong muốn Chính phủ, các Bộ ngành, các nhà khoa học... quan tâm giúp đỡ tỉnh trong việc phát huy giá trị vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, mang lại nguồn lợi cho đất nước", ông Thuật nói.
Trao đổi với PV Reatimes về câu chuyện xây dựng cáp treo ở Phong Nha - Kẻ Bàng, một số chuyên gia cho rằng, việc làm này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch Quảng Bình, vì hiện nay tỉnh này đang là một "mắt xích" yếu về du lịch. Vấn đề lo ngại chỉ là làm như thế nào và phải chọn được chủ đầu tư thực sự có tâm, có tầm, dám chịu trách nhiệm.
GS.TS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Dân gian nhận định, Sơn Đoòng là một viên ngọc rất quý của tỉnh Quảng Bình. Để người dân Việt Nam và quốc tế biết đến thì nhiều khi phải xây cáp treo. Bởi không có cáp treo thì không thể phát triển được. Một sản phẩm như thế không đưa đến mọi người thì rất lãng phí.
“Như đã thấy, đến được Sơn Đoòng chỉ là những người rất trẻ, rất khỏe mới tới chiêm ngưỡng được, thế cuối cùng những người khác thì thế nào? Làm cáp treo mà hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng đến môi trường, đưa ra phục vụ được con người là tốt. Chứ bảo di sản đó quý nhưng đóng khung để đó, không cho ai vào thì không được”, ông Thịnh khẳng định.
Còn Nhà Sử học, ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng: "Nói đến Phong Nha – Kẻ Bàng thì đặc biệt phải nhắc đến hang động tầm cỡ thế như Sơn Đoòng. Vậy tôi xin hỏi, giữ nguyên hiện trạng để làm gì? Mục đích cao nhất là để gìn giữ cho muôn đời sau. Cái đó thì tôi đồng ý và chúng ta cần có sự cân nhắc. Tôi khẳng định việc bảo tồn là rất cần thiết. Thậm chí đôi khi như nhiều quốc gia còn dự trữ cho tương lai.
Ta lại bàn đến câu chuyện Sơn Đoòng, nếu hẳn, chủ trương của Nhà nước là dự trữ cho tương lai thì phải tuân thủ theo, “cất đi”, không làm nữa. Nếu chủ trương chỉ là hạn chế số lượng người đến thuần túy thôi thì chắc chắn sẽ dẫn đến trường hợp nơi này chỉ phục vụ người giàu và du khách nước ngoài, và nếu như thế lại trở thành một câu chuyện khác. Đã khai thác thì phải đặt ra bài toán tối ưu vì quyền được tiếp cận của người dân là bình đẳng".
Trước đó chiều 25/8, trong buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã đề xuất nhiều vấn đề, bao gồm việc bổ sung vào quy hoạch khu du lịch Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tuyến cáp treo dài 5,2 km từ Km37 đường Hồ Chí Minh nhánh đông đến hang Én, hang lớn thứ ba thế giới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay xung quanh đề xuất trên hiện có nhiều ý kiến tranh cãi, tuy nhiên "Thủ tướng và các bộ ngành đồng ý về chủ trương". Ông yêu cầu các bên làm đúng quy trình, không ảnh hưởng đến di sản thiên nhiên thế giới và mở ra để khai thác đúng mức. Liên quan đến vấn đề này, giữa tháng 10, Văn phòng Chính phủ dã chuyển các cơ quan liên quan xem xét kiến nghị của Hội Cổ sinh - Địa tầng (Tổng hội Địa chất Việt Nam) kiến nghị dừng dự án cáp treo vào vùng lõi Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Theo đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Quảng Bình sẽ xem xét kiến nghị của Hội Cổ sinh - Địa tầng. Các vấn đề vượt thẩm quyền, Văn phòng Chính phủ yêu cầu các đơn vị báo cáo Thủ tướng.
|