Aa

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Kiểm soát giá bất động sản không ảnh hưởng đến sự phục hồi của các doanh nghiệp và thị trường

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Hai, 28/10/2024 - 16:59

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, kiểm soát giá bất động sản hiện nay không ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của các doanh nghiệp bất động sản mà là nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo thị trường phát triển bền vững.

"Tranh thủ" thị trường mất cân đối cung - cầu, một bộ phận đã đẩy giá lên cao để kiếm lời

Phát biểu tại phiên thảo luận về báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội giai đoạn 2015 - 2023, đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn đại biểu TP. Hà Nội cho rằng, giá bất động sản tại các thành phố lớn ở nước ta rất cao và liên tục tăng lên là một trong những vấn đề cần được quan tâm.

Theo đại biểu, giá bất động sản cao một cách bất hợp lý được thể hiện ở trên 2 khía cạnh. Một là, tương quan giữa giá bất động sản, nhà ở với giá thu nhập của người dân quá cao. Điều này phản ánh, đại đa số người dân có nhu cầu nhà ở trên thực tế không có khả năng chi trả với mức giá đó.

Hai là, trên thị trường có nhiều bất động sản không tạo ra thu nhập, ví dụ như tiền cho thuê quá thấp so với vốn bỏ ra, thậm chí có bất động sản nguồn thu bằng 0. "Điều này phản ánh động cơ mua bất động sản không phải sử dụng mà để đầu cơ, tích trữ", đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Kiểm soát giá bất động sản không ảnh hưởng đến sự phục hồi của các doanh nghiệp và thị trường- Ảnh 1.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn đại biểu TP. Hà Nội phát biểu. (Ảnh: Quochoi.vn)

Về nguyên nhân giá bất động liên tục tăng cao, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, thứ nhất là do người mua nhà không chỉ để ở mà còn xem đây là một kênh tích lũy tài sản, vì tiền bỏ vào mua bất động sản sẽ không bị mất đi mà sẽ tăng lên theo thời gian. Do vậy, tích lũy được tiền thì người dân sẽ đầu tư vào mua bất động sản và giá càng tăng thì càng nhiều người mua. Điều này sẽ đẩy đầu cơ bất động sản tăng lên, và dòng tiền đầu tư sẽ không được chảy đều vào các lĩnh vực kinh doanh khác.

Nguyên nhân thứ hai là trong những năm qua, do vướng mắc các thủ tục pháp lý nên hầu hết các dự án bất động sản đầu tư phải dừng lại khiến nguồn cung trên thị trường khan hiếm. Nguồn cung hạn chế trong khi nguồn cầu không ngừng tăng lên dẫn đến tình trạng tăng giá.

Nguyên nhân thứ ba là do trong bối cảnh cầu tăng, cung khan hiếm, các lực lượng thị trường đã tranh thủ tìm cách đẩy giá bất động sản lên cao để kiếm lời. Theo đó, không ít môi giới đã tung tin để thổi giá, những người đấu giá cố tình bỏ giá cao để đẩy giá thị trường lên. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng có khả năng các doanh nghiệp bắt tay với nhau cố tình đưa giá cao để thiết lập một mặt bằng giá mới.

Nhìn nhận về thực tế này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn đại biểu Bắc Kạn cũng rằng, thị trường bất động sản thời gian qua đã xuất hiện một số hội nhóm đầu cơ, nhà đầu tư thực hiện việc thổi giá, gây nhiễu loạn thông tin thị trường nhằm thao túng tâm lý của người dân để trục lợi.

Thủ đoạn của nhóm người này theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy là thường đẩy giá đất lên cao chót vót tại các phiên đấu giá đất, đến thời gian nộp tiền thì sẵn sàng bỏ cọc với mục đích để nhằm thiết lập mặt bằng giá mới cho những mảnh đất trong khu vực mà họ đã mua gom trước đó và đã thu được siêu lợi nhuận.

Ngoài ra, thị trường còn tồn tại tâm lý của một bộ phận người dân mua nhà đất để chờ tăng giá.

"Không ít người đã đứng ngồi không yên trước các thông tin giá nhà đất tăng phi mã và đã cố gắng sắp xếp tiền, thậm chí còn vay mượn các khoản còn thiếu để mua bằng được mảnh đất, để đó chờ tăng giá rồi bán. Chính tâm lý này đã khiến cho giá nhà đất vốn đã cao lại càng tăng cao", đại biểu Nguyễn Thị Thủy phát biểu.

Người tham gia đấu giá cần minh chứng được năng lực tài chính

Trước thực tế giá bất động sản liên tục tăng cao, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản cũng như nhu cầu an cư của đại bộ phận người dân, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, việc gỡ khó cho các doanh nghiệp bất động sản trong việc phát triển dự án nhằm cải thiện nguồn cung là giải pháp cần thiết.

Theo đó, để thực hiện hiệu quả công tác này, đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tập trung tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý, về mặt thủ tục để các dự án tiếp tục được triển khai.

Ngoài ra, để kiểm soát tình trạng tăng giá bất động sản, đại biểu cũng đề nghị ngăn chặn tình trạng đấu giá cao bất thường rồi bỏ cọc. Cùng với đó là có quyết định bổ sung người tham gia đấu giá phải minh chứng được năng lực tài chính thông qua việc xác nhận tiền gửi ngân hàng hoặc các tài sản khác để minh chứng khả năng có thể huy động vốn và phải cam kết nếu như trúng đấu giá, bỏ cọc, sẽ bị xử lý.

"Nếu như chúng ta có quyết định như thế, những người có nhu cầu thật sẽ không ngại gì trong việc minh chứng khả năng thanh toán của mình. Điều này sẽ loại bỏ được những người không có khả năng thanh toán, chỉ tham gia đấu giá để mua đi bán lại, đặc biệt sẽ loại được những người bỏ giá cao rồi bỏ cọc", đại biểu Hoàng Văn Cường nhìn nhận và kiến nghị, những đề xuất này nên đưa vào nghị quyết của Đoàn giám sát Quốc hội.

Đối với các doanh nghiệp bất động sản lợi dụng khi thị trường khan hiếm nguồn cung đưa ra giá bán cao một cách bất thường, đại biểu đoàn Hà Nội kiến nghị Chính phủ thực hiện Điều 31 Luật Giá về kiểm tra các yếu tố hình thành khi có biến động bất thường, để bảo vệ người tiêu dùng, ổn định thị trường. Đây cũng là cơ sở để thu thuế, điều tiết phần thu nhập tăng lên do giá tăng bất thường.

Ông cũng đề nghị Chính phủ phải buộc doanh nghiệp kê khai giá với sản phẩm bán ra lần đầu trên thị trường. "Kê khai và kiểm tra giá như thế, Chính phủ mới nắm bắt được kịp thời nguồn gốc biến động giá để có các giải pháp điều chỉnh", ông Cường nói.

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Kiểm soát giá bất động sản không ảnh hưởng đến sự phục hồi của các doanh nghiệp và thị trường- Ảnh 3.

Quốc hội tiến hành thảo luận về kết quả giám sát chuyên đề "việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội (NOXH) từ năm 2015 đến hết năm 2023". (Ảnh: Quochoi.vn)

Đối với các sàn giao dịch, môi giới bất động sản, ông Cường đề nghị không để lực lượng này "tay tung tay hứng" nhằm nâng giá thị trường, làm nhiễu loạn thị trường. Và để thực hiện được điều này, đề nghị trong Nghị quyết đoàn giám sát đưa vào "nghiên cứu thí điểm tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM cơ chế quản lý sàn giao dịch bất động sản chuyên nghiệp để sàn giao dịch trở thành công cụ quản lý minh bạch thị trường".

"Chúng ta đừng lo chuyện giảm giá bất động sản sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi của doanh nghiệp bất động sản. Thay vào đó cần phải mạnh dạn tìm các biện pháp để kiểm soát giá bất động sản, đảm bảo thị trường phát triển bền vững", ông Cường nhấn mạnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top