Aa

Đại biểu Quốc hội kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ giải quyết các vướng mắc

Thứ Năm, 21/12/2023 - 09:02

Đại biểu Quốc hội mong muốn, trong các phiên thảo luận tới đây của Quốc hội, sẽ có một số kiến nghị, đề xuất giúp cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu để dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sớm được thông qua.

Nhiều nội dung trong dự thảo còn băn khoăn

Theo Đặng Bích Ngọc (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Phụ trách Đoàn tỉnh Hòa Bình), sở dĩ tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua Luật Đất đai - sửa đổi như dự kiến ban đầu do vẫn còn một số nội dung qua tiếp xúc cử tri, cũng qua thực tiễn tại các địa phương còn nhiều băn khoăn.

Nhất là việc xác định giá đất, điều chỉnh giá đất, để làm sao người dân tiếp cận được thực hiện các nguồn lực khơi thông thị trường bất động sản vẫn chưa được làm rõ. Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều dự án trong thời gian qua đã định được giá đất nhưng giá đất quá cao trong khi bối cảnh thị trường như hiện nay khó thể thực hiện được. Tuy nhiên, để điều chỉnh lại thì chưa đủ căn cứ và còn nhiều khó khăn do việc xác định giá đất. Đây chính là điểm nghẽn làm chậm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng như công tác đấu giá khiến việc triển khai các dự án gặp rất nhiều khó khăn.

Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình). Ảnh: Lan Hương
Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình). Ảnh: Lan Hương

“Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, một số doanh nghiệp cũng như các tổ chức, cá nhân rất mong chờ trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ giải quyết được những vướng mắc trước đây. Mấu chốt là chúng ta phải xác định được giá đất, trên cơ sở đó sẽ thực hiện được chủ trương đầu tư cùng các chương trình khác.

Vấn đề thứ hai liên quan chính là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tại dự thảo Luật Đất đai - sửa đổi lần này vẫn đang chia thành công trình vì lợi ích công cộng, vì mục đích chung của quốc gia và những công trình, dự án vì mục đích kinh doanh. Hiện nay chúng ta đang chia ra hai nội dung để thực hiện phương án bồi thường, tái định cư, trong đó có những dự án Nhà nước đứng ra giải phóng mặt bằng và có những dự án doanh nghiệp sẽ phải thỏa thuận với người dân”, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình nêu.

Cũng theo bà Đặng Bích Ngọc, hiện nay vướng mắc ở cơ sở đó là nhiều dự án có chồng lấn giữa hai nội dung này, có những dự án vừa kết hợp thương mại, vừa kết hợp an sinh xã hội, vừa thực hiện các chính sách liên quan đến các dự án trực tiếp. Vì thế khi thực hiện giải phóng mặt bằng đối với các dự án này nếu không làm tốt thì sẽ không thể thực hiện được. Bởi lẽ người dân sẽ có sự so sánh liên quan trực tiếp đến mặt bằng giá để bồi thường. Trong khi đó, có những dự án đã thực hiện giải phóng mặt bằng 90%, nhưng 10% còn lại không thỏa thuận được với người dân. Và khi đó, phần diện tích này nằm trong lõi dự án thì sẽ rất khó khăn trong việc tổ chức triển khai thực hiện.

Còn nhiều băn khoăn tại dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Ảnh: Lan Hương

Luật thông qua phải giải quyết các bất cập

Tiếp tục dẫn dắt vấn đề, Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc viện dẫn quy định Nhà nước phải dành quỹ đất ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn ví dụ các tỉnh Tây Bắc. Nhưng thực tế nhiều địa phương đang bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt, một số địa phương ở vùng sâu, vùng xa thì khó bố trí quỹ đất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Chưa kể, khi bố trí diện tích đất để người dân làm nhà ở, cũng cần bố trí diện tích đất để người dân phát triển kinh tế, đảm bảo điều kiện sống. Quá trình thực hiện thời gian qua cho thấy nhiều nơi bố trí tái định cư có điều kiện nhà ở tốt hơn nhưng sinh kế cho người dân không được đảm bảo dẫn đến nhiều bất cập. Đây là một trong những nguyên nhân có tình trạng khu tái định cư bị bỏ hoang và người dân quay trở về nơi ở cũ.

Về việc giao đất làm các dự án thương mại đang được nhiều chủ đầu tư quan tâm cũng như công tác chuyển từ đất nông nghiệp sang đất dự án thương mại, bà Đặng Bích Ngọc cho biết: Qua hoạt động giám sát và tiếp xúc cử tri cho thấy quá trình thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các quy trình, thủ tục.

Luật Đất đai (sửa đổi) thông qua sẽ giải quyết nhiều bất cập. Ảnh: Lan Hương

Bên cạnh đó, một số địa phương quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rất khó khăn, kéo dài. Đây cũng là những nguyên nhân khiến nhiều dự án chậm trễ, chưa được tháo gỡ.

“Nếu làm tốt các quy trình và thủ tục đấu giá quyền sử dụng nhằm đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án thì rõ rang nguồn thu ngân sách của các tỉnh thành sẽ tăng lên, thậm chí tăng cao. Thực tế trong những năm gần đây, thu ngân sách của khu vực Tây Bắc, trong đó có cả tỉnh Hòa Bình đang gặp rất nhiều khó khăn. Doanh nghiệp và người dân hy vọng Chính phủ sẽ có đánh giá toàn diện để đưa các quy định vào dự án luật. Và khi Luật Đất đai được thông qua sẽ đảm bảo mục tiêu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tổ chức triển khai thực hiện”, vị Đại biểu Quốc hội bày tỏ.

Bà Đặng Bích Ngọc cũng nêu ra việc chưa có sự đồng bộ, thống nhất trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi với một số luật liên quan như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư… Việc này đã và đang gây khó khăn cho quá trình tổ chức triển khai. Do vậy cần thiết có sự điều chỉnh để khi luật thông qua sẽ giải quyết được căn cơ những vướng mắc cũng như phát huy hiệu quả giúp phát triển thị trường bất động sản, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top