Aa

Lùi việc thông qua Luật Đất đai: Chất lượng luật kém thì hậu quả rất nặng nề

Thứ Ba, 28/11/2023 - 09:43

Các chuyên gia đồng tình việc lùi thời gian thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), bởi còn nhiều nội dung chưa tối ưu. Việc này cũng nhằm đảm bảo chất lượng luật và cho thấy sự thận trọng của nhà nước.

Lùi thời gian thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)

Quốc hội đã biểu quyết về việc điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 6 và thống nhất lùi thời gian thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ kỳ họp 6 sang kỳ họp gần nhất.

Trong tờ trình, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự thảo luật vẫn còn một số nội dung, chính sách lớn cần tiếp tục nghiên cứu để thiết kế phương án chính sách tối ưu; việc rà soát, hoàn thiện toàn diện dự thảo luật cần thêm thời gian để bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật.

Hiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn 14 vấn đề chưa thống nhất một phương án để xin ý kiến Quốc hội. Trong đó bao gồm nhiều nội dung quan trọng như Nhà nước thu hồi đất hay phương pháp định giá đất...

Theo đó, việc lùi thời gian thông qua để ban soạn thảo có thời gian tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ lưỡng và hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - ảnh: Quochoi.vn

Trước đó, tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 3.11, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng nêu rõ quan điểm: “Chất lượng của dự án luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Một sơ suất, một điều khoản của luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động và hệ lụy đối với kinh tế – xã hội, đời sống của nhân dân, thậm chí kìm hãm sự phát triển”.

Tổng hợp ý kiến đại biểu thảo luận tại hội trường cho thấy, có 5/22 ý kiến đề nghị thông qua dự án luật tại kỳ họp thứ 6. Trong khi đó, 6/22 ý kiến nhận định rõ tính chất cần thiết sớm thông qua dự thảo luật nhưng phải bảo đảm chất lượng. 11/22 ý kiến đề nghị rà soát kỹ lưỡng, dành thêm thời gian tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật một cách thấu đáo nhất…

Chất lượng luật kém thì hao tổn rất nặng nề

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo Bất động sản cho rằng, việc này nhằm đảm bảo chất lượng và cho thấy sự thận trọng của nhà nước khi ban hành Luật Đất đai. 

“Rút kinh nghiệm luật trước, các nội dung đã phải sửa đổi, bổ sung rất nhiều. Nhiều nơi hiểu sai vận dụng sai làm cho nhiều cán bộ và cả DN phải rơi vào cảnh khốn đốn”, ông Lập nói.

Theo ông Lập, đây là luật đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của quốc gia. Với các DN kinh doanh bất động sản, các nhà đầu tư thì đây là luật được mong chờ nhất để làm nền tảng hoạch định chiến lược và thực hiện đầu tư trong giai đoạn mới. 

“Các chủ đầu tư đang gặp bế tắc về pháp lý chưa được tháo gỡ thời gian qua cũng đang mong chờ luật ra đời để tìm hướng xử lý. Các nhà đầu tư đang nắm trong tay quỹ đất lớn thu gom trước đây, đang tồn đọng rất lớn nguồn vốn trong đó cũng mong chờ luật này ra đời để thực hiện các thủ tục pháp lý cơ bản để M&A hoặc triển khai thực hiện nếu có thể nhằm khơi thông thế bế tắc về dòng tiền”, ông Lập nêu.

Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo Bất động sản - Ảnh: PLVN

Ông Lập cho rằng, dù cả thị trường dừng lại và chờ đợi, chậm thì hao tổn nhiều nhưng chất lượng luật kém thì hậu quả sẽ nặng nề hơn.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập (Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam) cũng ủng hộ việc lùi thời hạn thông qua luật này để thảo luận kỹ hơn. Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng, cần làm rõ cách tiếp cận vấn đề. 

Theo ông Lập, nếu chỉ là sửa luật ở tầm kỹ thuật, tức lựa chọn các giải pháp thực tế để xử lý ngay các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn (vốn được gọi là “giải pháp tình thế”) thì có thể thoả hiệp để thông qua, dù trong kỳ họp này hay kỳ họp sau. 

“Điều này có nghĩa là các vấn đề lớn và cơ bản sẽ được để lại cho nghiên cứu tiếp và sửa luật khi chín muồi. Còn nếu hy vọng sửa đổi cơ bản ở những vấn đề then chốt, cũng là vấn đề nóng vì đã tích tụ qua nhiều năm và gây nên các hậu quả nghiêm trọng thì không nên câu nệ thời gian trong việc thông qua”, ông Lập nói.

Theo luật sư Lập, luật cũ vẫn đang có hiệu lực với cả một hệ thống đồ sộ các văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện. 

“Nếu đi theo cách này, tôi cho rằng dư luận xã hội vẫn cần được thông tin để có cách ứng xử thích hợp, bao gồm cả khả năng dự báo, đồng thời tránh sự mong ngóng và chờ đợi dẫn đến các hệ luỵ khó khăn cho các quyết định của cả cá nhân và doanh nghiệp”, ông Lập nhấn mạnh.

Cần có sự công khai rõ ràng cả về quyết sách, thời gian và lộ trình việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh: Bộ TN-MT

Vị luật sư cũng nêu quan điểm, cần có sự công khai rõ ràng cả về quyết sách, thời gian và lộ trình. Chẳng hạn như các vấn đề chính sách lớn nào sẽ được xem xét sửa đổi? Bao giờ có thể thông qua luật và sau khi thông qua thì bao giờ luật mới sẽ có hiệu lực thi hành? Các quy định nào sẽ được hoặc không bị hồi tố…?

“Dù thế nào, theo tôi, khi đề ra các giải pháp chính sách thì cách tiếp cận vấn đề nên là sử dụng lý luận để soi sáng thực tiễn mà không chỉ xuất phát từ các nhu cầu bức xúc hay đòi hỏi trực tiếp của từ các nhóm xã hội có liên quan (vốn dựa trên lợi ích cụ thể của họ)”, ông Lập nói.

Chuyên gia này cũng chia sẻ: “Khi quyết sách liên quan đến đất, cần có sự phân định rành mạch giữa hai vị thế và chức năng của Nhà nước, đó là chủ thể quyền lực công và chủ sở hữu đại diện về đất. Sự tài tình sẽ ở chỗ trong cả hai tình huống khi nào cần tách bạch để tránh xung đột lợi ích và khi nào có sự phối kết hợp để hài hoà các lợi ích với nhau”, ông Lập nêu. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top