Aa

Chưa thông qua Dự thảo Luật Đất đai: “Làm sao để giữa các luật không vênh nhau, giải quyết những chồng chéo“

Thứ Tư, 22/11/2023 - 06:00

"Chúng tôi cần nhất là sự rõ ràng trong luật, và giữa các luật liên quan không “vênh” nhau, làm sao giải quyết được cho doanh nghiệp chúng tôi những chồng chéo đang ảnh hưởng đến tiến độ dự án", TGĐ EZ Property nói.

Hiện Quốc hội đã thống nhất chuyển việc thông qua Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sang kỳ họp gần nhất của năm 2024, thay vì kỳ họp thứ 6 như dự kiến.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Dự án Luật Đất đai có thể xem là đạo luật có cách soạn thảo đặc biệt, khi tham vấn ý kiến rộng rãi của nhân dân. Với gần 13 triệu lượt ý kiến như đã thống kê, cho thấy người dân vô cùng quan tâm và kỳ vọng vào một đạo luật xương sống sẽ giải quyết được những vướng mắc, bất cập tồn tại lâu nay, cũng như mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và toàn thể nền kinh tế, xã hội.

“Là những người tham gia trực tiếp vào quá trình soạn thảo và thẩm tra dự luật, chúng tôi ý thức được trách nhiệm phải xây dựng được một bộ luật có chất lượng tốt nhất khi Quốc hội bấm nút thông qua”, ông Hiếu nói.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. (Ảnh: quochoi.vn)

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Đức Toản, TGĐ EZ Property cho rằng, việc xây dựng Luật Đất đai hoàn thiện mới thông qua là vô cùng quan trọng, đặc biệt với doanh nghiệp bất động sản.

“Chúng tôi cần nhất là sự rõ ràng trong luật, và giữa các luật liên quan không “vênh” nhau, làm sao giải quyết được cho doanh nghiệp chúng tôi những chồng chéo đang ảnh hưởng đến tiến độ dự án, kéo dài thời gian, chi phí và đôi khi đánh mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Chúng tôi mong các điều luật phù hợp với thực tế, đi được vào thực tiễn “, ông Toản chia sẻ.

Ông Toản cũng cho biết, một trong những khó khăn điển hình khi thực hiện dự án là ách tắc ở khâu định giá tiền sử dụng đất. Đây là khâu quan trọng quyết định sự thành bại của dự án, nhưng doanh nghiệp vẫn mòn mỏi chờ.

Ngoài ra, doanh nghiệp giải phóng mặt bằng xong, nhưng chờ mấy năm chưa được giao đất vì theo luật này đúng nhưng sai với luật khác, nên địa phương không dám ra quyết định giao đất. Đó là thiệt hại trực tiếp đối với doanh nghiệp, gián tiếp đến kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước.

Bên cạnh đó, ông Toản cũng đánh giá dự luật Đất đai (sửa đổi) lần này có những điểm mới, thông thoáng nhưng chặt chẽ, điều cơ bản nhất là sự chồng chéo giữa các các luật đã được giải quyết cơ bản. Đặc biệt, ông Toản đồng tình với việc Dự thảo Luật Đất đai chuyển phân cấp, phân quyền công tác định giá đất về địa phương (cấp quận, huyện) là hợp lý.

“Tôi đồng tình vì thứ nhất, thông qua những người theo sát và nắm rõ tình hình địa phương, tiến độ định giá đất sẽ được thúc đẩy và sát với thực tế hơn. Tuy nhiên, cần có những ràng buộc trách nhiệm rõ ràng với chính quyền địa phương và giao trách nhiệm triệt để”, ông Toản nói.

Ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc EZ Property. (Ảnh: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp)

Cho rằng phân cấp, phân quyền là xu hướng khách quan không thể đi ngược, ông Phan Đức Hiếu đồng tình việc này cần thực hiện “triệt để”, nhằm “tránh trường hợp giao thẩm quyền cho anh quy định nhưng trước khi quyết định, tuy không phải xin cấp trên phê duyệt, nhưng vẫn phải xin ý kiến cấp trên, mà không rõ hiệu lực pháp lý của việc xin ý kiến này thì vô hình trung sẽ làm cho câu chuyện trở nên phức tạp”.

Trước lo ngại khi phân cấp, phân quyền, địa phương sẽ không đủ năng lực, hoặc lạm dùng quyền lực, ông Hiếu cho rằng, không nên lo lắng mà từ bỏ việc này. Ngược lại, phải đẩy mạnh phân cấp, kèm theo giải pháp nâng cao năng lực bộ máy chính quyền địa phương. Đi kèm phân cấp, phân quyền, phải có sự hỗ trợ chuyên môn và giám sát phù hợp của các cơ quan cấp trên. Đặc biệt, phải nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực xử lý công việc.

“Đáng mừng là Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thể hiện tư duy phân cấp, phân quyền rất mạnh mẽ, theo đúng chủ trương những cơ quan nào có thông tin tình hình thực tế tốt nhất, thì đó là cơ quan có thẩm quyền ra quyết định”, ông Hiếu nói.

Bên cạnh đó, ông Phan Đức Hiếu cho biết, báo cáo rà soát sự tương thích giữa Luật Đất đai với các luật liên quan được làm rất cẩn trọng. Kết quả rà soát hiện có 88 luật hiện hành có các quy định liên quan đến Luật Đất đai, trong đó có tới 22 luật, bộ luật có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Đất đai.

"Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã thể chế hóa việc đảm bảo sự tương thích với các luật liên quan theo đúng và đủ tinh thần của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Và không còn điều khoản chung chung như hay thiết kế ở một số luật. Mỗi khi chúng tôi rà soát các quy định của pháp luật, từng điều khoản cụ thể thì ở đó đã đánh giá sự tương thích của quy định này với các quy định ở luật khác, để có điều chỉnh ở ngay dự thảo luật hoặc điều khoản thi hành”, ông Hiếu thông tin.

Chia sẻ về quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật, bà Phan Thị Thanh Mỹ, Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ngay khi tổng kết Luật Đất đai 2013, ban soạn thảo đã rà soát Luật Đất đai hiện hành với các luật đang có hiệu lực để có báo cáo toàn diện về sự chồng chéo, mâu thuẫn. Đồng thời, tiếp tục rà dự thảo luật với các luật đang có hiệu lực, và các dự thảo luật liên quan đang trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

"Cơ quan soạn thảo cùng các cơ quan của Chính phủ, đặc biệt là cơ quan thẩm tra, Hội đồng dân tộc… đã vào cuộc với tinh thần “từ sớm, từ xa” như chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, và sẽ tiếp tục rà soát để Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có chất lượng tốt nhất", Vụ trưởng Vụ Đất đai khẳng định.

Về vấn đề phân cấp, phân quyền, bà Mỹ cho rằng, từ Luật Đất đai 2003 đã phân cấp thẩm quyền giao đất về địa phương. Luật Đất đai 2013 tiếp tục kế thừa điều này, chỉ khi chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất phòng hộ với diện tích trên 10-20 hécta mới cần sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Dự thảo Luật Đất đai lần này tiếp tục thúc đẩy phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn.

Để kiểm soát những tiêu cực nảy sinh trong quá trình này, bà Mỹ nêu ra hai hướng:

Thứ nhất, cần có sự tham gia của các bên trong từng khâu một, ví dụ khâu quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư…đều có vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và lấy ý kiến góp ý của người dân.

Thứ hai, Dự luật cũng kế thừa Luật Đất đai 2013, có riêng một điều quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ chế xử lý.

“Như vậy, nếu như việc tổ chức thực hiện tốt thì những lo ngại sẽ được kiểm soát. Chúng tôi tin tưởng Luật Đất đai sẽ đi vào cuộc sống và có tác động tích cực tới kinh tế - xã hội”, bà Mỹ khẳng định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top