Aa

Đại biểu Quốc hội nói gì về việc BIDV Thanh Hóa "thu giữ tài sản đảm bảo" của doanh nghiệp

Thứ Ba, 30/06/2020 - 10:30

"Ngân hàng không được dùng hành vi theo kiểu "xã hội" để cưỡng chế con nợ. Chỉ có cơ quan Nhà nước mới được cưỡng chế sau khi có phán quyết của tòa án”, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho hay.

Tòa án, thi hành án có bị “vô hiệu”?

Liên quan tới thông tin khiếu nại của Công ty Hồng Phúc, mới đây tại văn bản gửi các cơ quan báo chí, Ngân hàng thương mại cổ phần và phát triển Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa (Ngân hàng BIDV Thanh Hóa) khẳng định, quá trình thu giữ tài sản bảo đảm đối với Công ty Hồng Phúc tuân thủ đúng quy định của pháp luật (Nghị quyết 42/2017/QH của Quốc hội về thí điểm nợ xấu của các tổ chức tín dụng và các văn bản liên quan).

“Ngày 10/6/2020 Công an tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản gửi ông Trần Tiến Quân, Giám đốc Công ty Hồng Phúc kết luận việc BIDV Thanh Hóa thu giữ tài sản bảo đảm của Công ty Hồng Phúc để thu hồi các khoản nợ vay là đúng căn cứ theo quy định tại Nghị quyết 42. Việc thu giữ được thực hiện công khai, minh bạch, có sự chứng kiến của các cơ quan chức năng liên quan và không có dấu hiệu của việc chiếm giữ tài sản trái phép”, văn bản của BIDV nêu rõ.

Tuy nhiên, một mặt phía Ngân hàng BIDV Thanh Hóa luôn khẳng định thu giữ tài sản bảo đảm của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, nhưng mặt khác lại chưa lý giải được thẩm quyền của ngân hàng đến đâu nếu tại thời điểm thu giữ tài sản, doanh nghiệp không đồng ý? Hay nói cách khác, quy định pháp luật nào cho phép BIDV Thanh Hóa dùng vệ sỹ khống chế Giám đốc, cán bộ công ty, thu giữ tài sản trái với ý chí của doanh nghiệp tại thời điểm thu giữ? 

Trong khi đó, các tài liệu có được chứng minh BIDV Thanh Hóa thu giữ tài sản doanh nghiệp khi không thỏa mãn các quy định tại Nghị quyết 42 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. 

Cụ thể Hợp đồng bảo đảm ký kết giữa Công ty Hồng Phúc với BIDV Thanh Hóa không có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật; Các hồ sơ khác không thể hiện việc sửa đổi hợp đồng thế chấp tài sản giữa ngân hàng BIDV Thanh Hóa và doanh nghiệp Hồng Phúc. 

Mặt khác, ngân hàng và doanh nghiệp là hai chủ thể có tư cách pháp nhân ngang nhau, bình đẳng nhau trước pháp luật. Như vậy việc BIDV khẳng định mình đúng trong việc thu giữ tài sản có đảm bảo tính khách quan khi việc kết luận đúng, sai thuộc trách nhiệm của cơ quan thanh, kiểm tra, tòa án…?

Trao đổi về tính pháp lý liên quan tới việc BIDV Thanh Hóa dùng vệ sỹ khống chế, áp giải chủ doanh nghiệp Hồng Phúc để thực hiện việc thu giữ tài sản, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban dân nguyện Quốc hội (thuộc Thường vụ Quốc hội) cho rằng, đây là hành vi không đúng luật.

“Ngân hàng có quyền đòi nợ nhưng phải tuân thủ pháp luật. Ngân hàng không được dùng hành vi theo kiểu "xã hội" để cưỡng bức con nợ. Chỉ có cơ quan Nhà nước mới được cưỡng chế sau khi có phán quyết của tòa án”, ông Nhưỡng cho hay.

Vị Đại biểu Quốc hội cũng bày to lắng về việc có thể xảy ra tiền lệ xấu nếu ngân hàng áp dụng hình thức đòi nợ như trên.

“Việc đòi nợ kiểu này có thể xảy ra tiền lệ xấu. Nhưng vấn đề là không ai cho phép ngân hàng được thực hiện hành động như vậy cả. Hay nói rõ hơn, Nghị quyết của Quốc hội không cho phép ngân hàng tự mình cưỡng chế doanh nghiệp như vậy", vị đại biểu nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (trái), Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền (phải).

Đồng quan điểm trên, Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền - Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội cũng cho rằng: “Không có quy định nào cho phép ngân hàng dùng vệ sỹ để thu giữ tài sản doanh nghiệp khi người ta không đồng ý cả. Tại thời điểm thu giữ, nếu bên thế chấp không đồng ý việc thu giữ có nghĩa là phát sinh yếu tố tranh chấp khi thực hiện thu giữ, bàn giao tài sản. 

Để giải quyết việc này vẫn phải thông qua cơ quan pháp luật đó là tòa án để xử lý, chứ ngân hàng không thể phán xét thay tòa án, hoặc đơn phương thu giữ tài sản người khác khi không có sự đồng ý của bên thế chấp. Ngân hàng không được quyền làm việc này. Việc thu giữ phải dựa trên cơ sở thỏa thuận, đồng ý giữa hai bên trên cơ sở hợp đồng giữa ngân hàng (bên nhận thế chấp) và doanh nghiệp (bên thế chấp)", đại biểu Bùi Văn Xuyền cho hay.

Nhấn mạnh về việc ngân hàng thuê vệ sỹ khống chế chủ doanh nghiệp, thu giữ tài sản công ty, vị đại biểu cho rằng, luật không cho phép vệ sỹ làm việc này: "Nghị quyết 42 nói rằng, lực lượng chức năng có trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự khi ngân hàng thực hiện thu giữ, nhưng không nói đến việc bảo vệ, vệ sỹ của ngân hàng được thuê được phép thực hiện hành vi khống chế, áp giải người ta để thu giữ tài sản cả. Vệ sỹ chỉ được thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi luật pháp cho phép".

Luật sư chỉ ra 5 dấu hiệu sai phạm của BIDV Thanh Hóa

Cũng liên quan tới vụ việc nêu trên, một số luật sư chỉ rõ 5 dấu hiệu vi phạm trong việc Ngân hàng BIDV Thanh Hóa thu giữ tài sản bảo đảm của Công ty Hồng Phúc.

"Thứ nhất, việc thu giữ tài sản bảo đảm được thực hiện khi khi hợp đồng thế chấp tài sản không có thỏa thuận thu giữ tài sản giữa bên thế chấp và bên nhận thế chấp theo Nghị quyết 42. Biên bản có nội dung thu giữ tài sản ký với một người (Ông Trần Tiến Quân – Giám đốc Công ty) không có giá trị để sửa đổi hợp đồng công chứng. Thứ hai, việc Ngân hàng BIDV Thanh Hóa dùng lực lượng vệ sỹ để cưỡng chế chủ doanh nghiệp khi thu giữ là không đúng quy định bởi luật không cho phép thực hiện hành vi này. Thứ ba, ngân hàng thu giữ cả tài sản không thuộc diện bảo đảm. Thứ tư, ngân hàng thu giữ cả tài sản của công ty khác. Thứ năm, Ngân hàng ngăn chặn hoạt động của công ty", một vị luật sư (xin không nêu danh tính) chỉ rõ.

Phân tích rõ hơn việc này, Luật sư Trịnh Ngọc Ninh - Chủ nhiệm Đoàn luật sư Thanh Hóa cho rằng, Nghị quyết 42 cho phép ngân hàng thu giữ tài sản trong trường hợp có thỏa thuận và dành cho ngân hàng quyền khởi kiện theo thủ tục đặc biệt khi phát sinh tranh chấp nghĩa vụ bàn giao tài sản theo thỏa thuận và quyền xử lý tài sản đảm bảo.

“Nghị quyết 42 quy định quyền khởi kiện của ngân hàng theo thủ tục đặc biệt theo hình thức rút gọn. Đó là đặc quyền của ngân hàng quy định trong Nghị quyết 42. Kể cả trong hợp đồng bảo đảm đã có thỏa thuận về việc bàn giao tài sản để cho ngân hàng thu giữ theo thỏa thuận, nhưng thời điểm thực hiện việc thu giữ, bên thế chấp không tự nguyện bàn giao tài sản, thì ngân hàng có quyền khởi kiện theo thủ tục đặc biệt đến Toà án, đó là yêu cầu tòa án buộc bên thế chấp phải bàn giao tài sản đảm bảo.

Quy định đó có nghĩa rằng, ngân hàng không được dùng các biện pháp như cưỡng chế, nếu tại thời điểm bàn giao, bên thế chấp (doanh nghiệp) không bàn giao tài sản. Ngân hàng và doanh nghiệp là hai pháp nhân ngang nhau, bình đẳng trước pháp luật do đó, nếu một trong hai bên vi phạm nghĩa vụ theo thoả thuận, bên có quyền có thể khởi kiện ra tòa án.

Trong vụ việc này, tại thời điểm ngân hàng yêu cầu bên thế chấp bàn giao tài, thu giữ tài sản, nhưng doanh nghiệp không đồng ý, thì ngân hàng có quyền (2 quyền): Thứ nhất, quyền chung về việc khởi kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp ra tòa để giải quyết theo thủ tục thông thường. Quyền này được quy định trong hợp đồng tín dụng, trong luật các tổ chức tín dụng và trong Bộ luật tố tụng dân sự.

Thứ hai, thực hiện quyền theo quy định tại điều 8, Nghị quyết 42, áp dụng thủ tục rút gọn về khởi kiện yêu cầu bên thế chấp thực hiện nghĩa vụ giao tài sản đảm bảo, tranh chấp về quyền xử lý tài sản đảm bảo. Tại thời điểm thu giữ tài sản, doanh nghiệp không giao tài sản là phát sinh tranh chấp nghĩa vụ giao tài sản đảm bảo. 

Trường hợp này phải áp dụng khởi kiện ra tòa án về tranh chấp nghĩa vụ bàn giao tài sản theo thủ tục rút gọn chứ không thể áp dụng cưỡng chế thu giữ. Nếu Ngân hàng cưỡng chế thu giữ là vi phạm pháp luật", Luật sư Trịnh Ngọc Ninh phân tích.


Luật sư Trịnh Ngọc Ninh (ảnh: TTV).

Vị Luật sư cũng cho rằng, nếu có việc BIDV Thanh Hóa cưỡng chế khi việc thực hiện thu giữ tài sản trong trường hợp nói trên là khá "mạo hiểm".

"Tôi đã trực tiếp xử lý 1 trường hợp tương tự khi thực hiện các thủ tục thu giữ tài sản của doanh nghiệp theo Nghị quyết 42. Tuy nhiên thời điểm thu giữ gặp sự phản đối của bên thế chấp nên buộc phải khởi kiện ra tòa án để xử lý, bởi luật không cho phép tổ chức tín dụng áp dụng biện pháp cưỡng chế bàn giao tài sản. Ở Thanh Hóa chưa ngân hàng nào thực hiện hành vi như trên", Luật sư Ninh nói.

Luật sư Trịnh Ngọc Ninh cũng cho rằng, trong trường hợp này, doanh nghiệp hoàn toàn có thể khởi kiện ngân hàng để hủy kết quả bán đấu giá tài sản, nếu ngân hàng có dấu hiệu cưỡng chế thu giữ thay vì thu giữ tài sản theo thỏa thuận.

"Trong trường hợp việc thu giữ tài sản nói trên là sai, doanh nghiệp có quyền yêu cầu phía ngân hàng bồi thường thiệt hại khi xác định được thiệt hại”, luật sư Trịnh Ngọc Ninh cho hay. 

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top