Thủ tướng ra công điện bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu phí BOT
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Công điện số 82/CĐ-TTg ngày 18/1/2018 về bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức Hợp đồng BOT.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần trực tiếp chỉ đạo giải quyết triệt để tình hình mất an ninh trật tự trên địa bàn, lập tức có các biện pháp xử lý nghiêm đối với những đối tượng hành vi kích động, gây rối, cố tình phá hoại, gây mất trật tự xã hội theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Công an và Ủy ban nhân dân các địa phương tổ chức giao thông khoa học hơn, cắm biển phân luồng, phân làn hợp lý tại các khu vực trạm thu giá các tuyến tránh, nhất là các trạm đang xảy ra phức tạp...
Đại gia Việt đối mặt nợ nần, "ngửa tay" xin xỏ
Tập đoàn Mai Linh – đơn vị từng là “ông trùm” ngành taxi – mới đây đã gây xôn xao khi gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan nhà nước xin miễn tính lãi phát sinh, miễn nghĩa vụ nộp phạt chậm cho khoản nợ gốc (bao gồm nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp) lên đến 150 tỷ đồng.
Thực ra, việc đại gia Việt “xin xỏ” khi lâm vào cảnh nợ nần không phải là chuyện lạ. Nửa cuối năm 2013, trong một buổi họp với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đại gia Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc kiêm lãnh đạo một loạt công ty khác đã đề nghị xem xét cho phép được lùi thời gian trả nợ tới cuối năm 2014 những khoản trái phiếu do các công ty mà ông Tâm làm chủ sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp phát hành trị giá 1.700 tỷ đồng.
Một đại gia khác cũng phải cầu cứu các chủ nợ là ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL).
Năm 2016, các ngân hàng chủ nợ của HAGL đã phải “nhóm họp” tại Hà Nội với sự chủ trì của BIDV và thống nhất trình NHNN xin tái cơ cấu một số khoản nợ. Các ngân hàng thương mại đã xin cho HAGL được giữ nguyên nhóm nợ; miễn giảm lãi một số khoản nợ (điều này một số ngân hàng đã chủ động làm trước đó).
2018 và giai đoạn sôi động của thị trường bất động sản
“Năm 2017 khép lại với những kết quả về số lượng và giá trị giao dịch lớn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần đem lại nguồn đầu tư khá ấn tượng trong những năm qua kể từ thời điểm Việt Nam mở cửa hội nhập toàn cầu.
Đặc biệt, việc trở thành chủ nhà của Hội nghị APEC Việt Nam 2017 đã đem lại cơ hội cho Việt Nam thể hiện điểm mạnh và tiềm năng đầu tư cho không chỉ năm 2017 mà còn là tương lai xa”, theo ông Neil Macgregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam.
Theo Giám đốc điều hành Savills Việt Nam, thị trường cũng đang được chứng kiến sự tăng cao mối quan tâm của các nhà đầu tư đối với thị trường công nghiệp, không chỉ là phương thức đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực công nghiệp mà còn tìm kiếm tài năng phát triển từ các tài sản công nghiệp đang hoạt động, những cơ hội xây dựng khu nhà máy phù hợp nhu cầu doanh nghiệp, cũng như kho bãi phục vụ cho hoạt động hậu cần.
Hà Nội: Tổ chức cưỡng chế công trình vi phạm 44C Trích Sài
Mặc dù đã được UBND phường Bưởi và quận Tây Hồ nhiều lần ra quyết định đình chỉ, yêu cầu tự tháo dỡ công trình vi phạm tại số 44C Trích Sài nhưng hộ gia đình bà Chu Thị Đán không thực hiện.
Sáng ngày 19/1, dưới sự chỉ đạo và giám sát của cơ quan chức năng quận Tây Hồ, trước sự chứng kiến của đông đảo người dân và các cơ quan báo chí, lực lượng chức năng thuộc UBND phường Bưởi, quận Tây Hồ đã thực hiện cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trên.
Trước đó, ngày 15/01/2017, UBND phường Bưởi đã ra Thông báo số 08/TB-UBND về việc thực hiện cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự đô thị.
Thông báo trên căn cứ theo Quyết định 8668/QĐ-UBND ngày 15/12/2017 của UBND TP. Hà Nội về việc giải quyết tranh chấp đất đai đối với bà Chu Thị Đán; Quyết định số 76/QĐ-CTUBND ngày 8/1/2018 của Chủ tịch UBND phường Bưởi về việc cưỡng chế công trình vi phạm tại số 44C Trích Sài.
Đà Nẵng thanh tra hàng chục dự án bất động sản
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng đã phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2018 đối với hàng loạt dự án. Sẽ có 22 dự án được thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật theo giấy phép đầu tư.
Các dự án được thanh tra bao gồm: Dự án Biệt thự và tổ hợp dịch vụ du lịch cao cấp ven biển phường Phước Mỹ; dự án khu du lịch bãi Trẹm; dự án Trung tâm thương mại - khách sạn - văn phòng và căn hộ cao cấp Viễn Đông Meridian; dự án Khu phức hợp cao cấp thương mại, văn phòng, khách sạn và chung cư cao cấp Golden Square; dự án Đà Nẵng Center; dự án khu dân cư Tân Hải Doanh; dự án khu đô thị Golden Hills; dự án Trung tâm cao ốc phức hợp A- B Nguyễn Kim và dự án khu xử lý rác thải Ánh Dương. Dự án khu đô thị Capital Square 2; Khu đô thị Capital Square 3; dự án Epicure Fresh; dự án Smartdev; dự án Nhà hàng Con cá mập; dự án Giaidiep; dự án Soundcheck Việt Nam; dự án Euroviettex; dự án khu đô thị Thủy Tú; dự án khu du lịch ven biển Anvie Resort&Risidenses; dự án khu du lịch The Nam Khang; dự án Le Meridien Đà Nẵng Resort&Spa; dự án Công viên dịch vụ giải trí, du lịch, thể thao Huy Khánh.