Ông bạn nhà thơ vong niên của tôi, Nguyễn Bảo Sinh có hai câu thơ thế này:
“Dâm có đạo tiền có tâm
Ấy là ta đã vượt tầm thế gian!”
Nghe ra có vẻ nghênh ngang, coi giời bằng vung, coi thúng bằng nia, coi thìa bằng... muôi! Nghênh ngang quá đi chứ lỵ, dám vỗ ngực tự cho mình đã vượt tầm thế gian.
Mặc dù ai chả biết là ông Bảo Sinh, vốn là một nhà thơ có khá nhiều bài về vấn đề “nhạy cảm”: Dâm! Và cả vấn đề cũng lại vừa “nhạy cảm” không kém, kèm theo hấp dẫn hết thảy nhân gian: Tiền! Bản thân người viết bài này, vốn vẫn coi ông bạn vong niên của mình là: “Dâm Thi Đệ Nhất Hà Thành”!
Nói đùa vậy thôi, chỉ là chuyện bọn tôi ngồi trà lá, chém gió với nhau, tán nhau cho vui đời, chứ có cái danh ấy thật, anh em chúng tôi lại bị ném đá cho ngập đầu! Bởi nước mình cứ cái danh có chữ “đệ nhất”, là khối người ham, kể cả là “dâm thi”!
Cũng ông bạn tôi viết thế này:
“Trong mê tình chỉ là tình
Ngộ ra mới biết trong tình có dâm
Trong mê tiền chỉ là tiền
Ngộ ra mới biết trong tiền có tâm.”
Mê và Ngộ. Ở đây là nhà thơ sử dụng khái niệm của nhà Phật để nói về hai vấn đề mà tôi cho là hấp dẫn, hóc búa, nan giải... nhất cõi nhân sinh. Trường hợp này, những câu thơ của Bảo Sinh đã đạt tới như một công án thiền. Càng đọc, càng ngẫm nghĩ lại càng thấy ngộ ra được nhiều điều.
Ừ, tình là điều cao quý của cõi người. Thế gian ai chả có tình, cái tình trai gái ấy. Bởi cái đó là bản năng gốc của loài người. Có cái bản năng ấy thì thế giới loài người mới tồn tại phát triển đến ngày nay. Có người thì lại cố rạch ròi tách ra cái tình yêu cao cả mây gió trăng hoa tuyết núi sông, cái tình của sự rung động trái tim với những ham muốn xác thịt nhục dục thấp hèn của thể xác...
Thế nhưng nếu trong tình không có lòng dâm, lòng ham muốn của người khác giới với nhau, hỏi ngọn lửa tình đẹp đẽ, nồng nàn, cháy bỏng, cao thượng hay tràn trề hoặc mong manh như sương khói kia liệu có còn tồn tại không? Không! Dù chỉ là một phút giây! Bởi thế cho nên cái lòng dâm là sự tất nhiên của con người.
Có điều thượng đế an bài, quy tắc xã hội thừa nhận là phải... dâm với ai kia! Dâm với người tình, với vợ với chồng, với đối tác ngang bằng xứng lứa, cùng nhau thuận tình dâng hiến, sự ấy gọi là đúng đạo làm người. Dâm bôn loạn luân, ấu dâm con trẻ thậm chí hiếp dâm cưỡng dâm, ấy gọi là phường đại nghịch vô đạo. Bởi thế cho nên nói: “dâm có đạo” là vậy!
Còn tiền, phàm làm người đã sống ở trên đời, ai mà không cần tiền, thích tiền? Ai đó nói không, chỉ là nói dối lòng mình, kẻ ấy chả đáng tin tẹo nào! Thật. Bởi tiền về nguyên lý nó chỉ là vật trao đổi ngang giá theo quy ước của loài người.
Nhưng thực chất nó là thước đo đánh giá cái khả năng lao động, trí óc và chân tay, làm ra sản phẩm hữu ích được xã hội công nhận. Thế nên người có nhiều tiền (chân chính) phải là người giỏi!
Nhưng xã hội bây giờ thấy nhiều người chả giỏi, chả ra gì cũng có rất nhiều tiền! Tiền ấy ở đâu ra? Câu hỏi ấy hình như được đặt ra với mọi thời kỳ, mọi chế độ xã hội. Nên người ta cũng phải phân biệt khá nhiều loại tiền: Tiền bẩn, tiền sạch, tiền ăn cướp, tiền chân chính, tiền nhớp nhúa máu mê, tiền thấm đẫm mồ hôi lao động...
Có thể nói hình như cuộc đời con người ta xoáy xung quanh đồng tiền! Nhưng ông bạn tôi lại viết là: “tiền có tâm”! Có ai đó sẽ nói, tiền nào chả là tiền.
Không. Tiền của kẻ ăn cắp, ăn cướp của tên bất lương khác xa tiền của người lao động, làm việc, kinh doanh sản xuất lương thiện. Và những người ấy họ sử dụng đồng tiền khác xa với những kẻ lừa đảo trộm cắp của đồng loại mà có nhiều tiền. Những người sử dụng đồng tiền để làm ra dịch vụ, sản phẩm hữu ích cho cuộc đời, vì cộng đồng, vì mọi người xung quanh, ấy gọi là người có tâm. Và đồng tiền trong tay họ gọi là tiền có tâm!
Năm nay nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh đã tròn tám mươi tuổi. Đời người sống đến tuổi ấy thì thánh thần hay ma quỷ đều phải kiêng nể nhiều phần! Đến tuổi ấy mà vẫn chiều chiều phóng xe máy từ Trương Định lên Bờ Hồ ngồi ngâm nga với bạn bè, dâm có đạo tiền có tâm, thì quả thật là đã, vượt tầm thế gian từ lâu.
Ấy là tôi nghĩ thế!