Aa

Chuyện thi một thời...

Thứ Hai, 06/05/2019 - 06:00

Nhớ thời đùm cơm đi thi, nhà sang mo cau, nhà thường lá chuối, nhà tôi thì... giấy báo, và sau đấy là những cuộc thi khác, nó trong sáng, vô tư, vui vẻ, chứ không khốn khổ...

Cú thi đầu tiên của tôi là lớp... 4.

Hồi ấy thầy Lưu Ngọc Thuế chủ nhiệm lớp, chọn tôi đi thi học sinh giỏi. Thi cụm, tức là đâu năm sáu trường gần nhau thì tụm lại một chỗ rồi thi. Mẹ tôi đi công tác, ba tôi là người nấu cơm nếp rồi gói cho tôi mang đi. Hồi ấy có cơm nếp với trứng tráng mang theo là oách lắm rồi, các bạn khác đùm cơm nắm vào mo cau. Ba tôi nấu cơm nếp như... cơm tẻ, xong thì gói vào giấy báo. Ông là người Huế, cả đời có biết nấu ăn đâu, nhưng vợ đi vắng, ông phải xắn tay vào tự mần. Đội mũ rơm, bỏ cục cơm nóng hổi vào cặp, tôi ngồi sau xe ông chở tôi đến trường tập trung, từ đây chúng tôi đi bộ đến điểm thi. Đi rất sớm để tránh máy bay, có ba bốn thầy cô giáo dẫn chúng tôi đi. Nhẽ thì ba tôi chở đến điểm thi luôn, nhưng tôi cương quyết đi bộ cùng các bạn để không bị phân biệt vì tôi con cán bộ, các bạn con nông dân, hồi ấy rất hay bị... đánh.

Vui nhất là vừa đi các cô vừa tranh thủ ôn cho chúng tôi. Tôi nhớ một cô chỉ vào con mương, mà chúng tôi đang đi trên bờ, đọc bài thơ: “Con chuồn kim bé tí ti/ Đậu là ngọn cỏ nghĩ gì chuồn ơi/ Có mương hợp tác đây rồi/ Ruộng đầy lúa gạo đầy nồi cơm thơm”, tôi không chắc là mình có nhớ đúng câu thơ ấy không, nhưng vẫn nhớ cái hình ảnh mấy đứa trẻ con lớp 4 lụt cụt chúng tôi đi men theo cái bờ mương trong buổi sớm tinh sương, vừa đi vừa ôn kiểu như thế.

Chúng tôi thi dưới... hầm, cái hầm chữ A thời chiến tranh chỗ nào cũng có, nó thuộc loại kiên cố nhất trong hệ thống rất nhiều hầm tránh bom thuở ấy. Buổi trưa, cơm ai nấy ăn, và hoạt cảnh này đã xảy ra, là trong khi các bạn đã xơi xong cơm nắm muối vừng trong mo cau của mình thì tôi vẫn loay hoay với cái gói cơm nếp nấu như gạo tẻ, tức là rất nhão, mà lại gói trong giấy báo. Một cô giáo phải giúp, tức là bóc cái phần cơm dính với báo đi, còn cái lõi, chừng bát nhỏ, nhão lắm. Cơm nếp mà nhão thì khó ăn vô cùng, nhưng lại có quả trứng tráng mỏng như... giấy, chả hiểu sao ba tôi nấu cơm vụng mà lại tráng trứng tài thế. Rất mỏng dù đã được... độn một thìa bột mì. Tôi trợn mắt nuốt trong sự giục của cô: "Ăn nhanh Hùng ơi, sắp thi buổi chiều, em là hy vọng của trường đấy". Hồi ấy thi 2 môn, văn và toán...

Phao thi rải trắng sân trường sau giờ thi thời nay.

Phao thi rải trắng sân trường sau giờ thi thời nay.

Cho đến giờ, tôi đã thi hàng trăm lần, suốt thời cấp 2, cấp 3, rồi đại học, rồi đi làm... có cả những cuộc thi cho có, như thi khi đi học cao cấp chính trị, thi chuyên viên, rất nhiều người mang phao, rất nhiều người coppy, nhưng tôi thì không, hầu như không, bao giờ cũng làm bài rất nhanh, rồi ra trước. Thực ra thì, nói cho chính xác, hồi học đại học, thi môn tiếng Pháp, thứ tôi dốt nhất, tôi có nhờ một bạn rất giỏi trợ giúp, nhưng rồi cái bài trợ giúp ấy không đến tay tôi nên tôi phải... thi lại. Mà nói không phải biện hộ, từ hồi ấy, không, trước đấy nữa, khi học tiếng Trung ở phổ thông, tôi đã thấy cách dạy ngoại ngữ trong trường học của chúng ta nó cứ thế nào ấy, không phải dạy để giao tiếp mà dạy để... nghiên cứu. Sau này vào đại học, học cả hai ngoại ngữ, là Pháp và Nga, thi qua môn để được thi tốt nghiệp là thở phào, đa phần là chữ thầy trả thầy, trừ mấy bạn học từ trước ở phía Nam, còn lại là... tay trắng hoàn trắng tay. Mà chả cứ thời chúng tôi, sau này cũng vậy, đến sinh viên chuyên ngữ học xong đại học mà gặp người bản xứ cũng... co giò chạy, trừ bạn nào tự học thêm quyết liệt.

Thì ngay môn văn trong trường phổ thông cũng vậy. Dạy cho học trò yêu văn thì ít mà lại toàn làm chúng... sợ văn, là bởi cứ bắt chúng phải trở thành nhà phê bình, nhà ngôn ngữ, nhà đạo đức, chính trị... từ mỗi đoạn trích tác phẩm, thế nên chúng mới phải đối phó, mà cách đối phó dễ nhất là... phao. Hay nhất là tôi đọc đâu đấy phát biểu của một cháu học sinh: Đề ra trình bày cảm xúc cá nhân nhưng khi chấm lại là từ cảm xúc của cô, của đáp án...

Trở lại chuyện thi. Thì giờ đang HOT là vụ thi... năm ngoái ở ba tỉnh, Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình. Tại sao lại ba tỉnh ấy và chỉ ba tỉnh ấy. Có trời mà biết. Cũng như tại sao rất ít con nông dân trong danh sách gian lận điểm ấy, cũng có trời mà biết. Chỉ biết rằng, mỗi năm chúng ta đã bỏ ra rất nhiều tiền để thi. Thế mà trước đấy thì hầu như là 100% đậu tốt nghiệp, còn sau đấy cải cách thi thì, từ điểm 0, tận 2 điểm 0, mà vọt lên gần 30 điểm để trở thành thủ khoa. Tài thật.

Lại nhớ hồi tôi đậu tốt nghiệp cấp 3 ở Thanh Hóa, khi về báo với ba mẹ, mẹ tôi bảo có mớ ốc mẹ mới mua, để mẹ luộc liên hoan. Còn khi đậu vào đại học lúc gia đình tôi đã chuyển về Thừa Thiên Huế, thì hối ấy địa phương hầu như không cho cắt khẩu đi học, bắt ở nhà đi nghĩa vụ quân sự. Ba tôi phải đạp xe lên gặp chủ tịch huyện là bạn thời tập kết, ổng ký riêng cho cái giấy để tôi được cắt hộ khẩu vào nhập học. Nguyên đoạn ấy phải chạy đi chạy về mất cả chục ngày (trước đấy giấy báo nhập học bị găm lại ở ngăn kéo ủy ban xã cả nửa tháng, nhờ quan hệ cá nhân ba tôi mới biết có cái giấy ấy và ông chạy đi gõ cửa), thế nên cắt được hộ khẩu là mừng húm, chạy lên nhập học, chứ có liên hoan liên hiếc gì như giờ đâu?

Giờ, toàn dân đi học, toàn dân đi thi. Quá tốt, nó đúng là xã hội học tập. Nhưng có vẻ như, vẫn có điều gì đấy chưa đúng, nên thi cử nó cứ lộn tùng phèo, chả phải năm ngoái mới thòi ra mấy ông Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình (và chuẩn bị thi năm nay rồi việc năm ngoái vẫn chưa xong), mà trước đấy rất lâu rồi, thi là đậu, mà thi tức là... phao cũng đã tràn ngập. Chả ở đâu thi mà người ta công khai bán phao thi rầm rộ thế, người ta leo rào ném tài liệu như bươm bướm thế, và sau mỗi buổi thi phao trắng đất thế. Và buồn là, không chỉ học sinh, mà cả cán bộ, ở các cuộc thi công chức, thi chuyên viên, thi cao cấp chính trị, thi nâng ngạch...  cũng phao. Báo chí đã chẳng từng chụp những bức ảnh phao trắng sân trường đấy thôi...

Thì lại lẩn mẩn nhớ một thời đùm cơm đi thi, nhà sang thì mo cau, nhà thường thì lá chuối hơ lửa, nhà tôi thì... giấy báo, và sau đấy là những cuộc thi khác nữa, nó trong sáng, nó vô tư, và nó cũng vui vẻ, chứ không khốn khổ như hiện nay...

Là nghĩ thấy “tội” mấy trăm cháu đậu toàn trường top năm ngoái giờ “được” trả lại điểm thật. Khi nhập học, gia đình đã liên hoan trọng thể, giờ bẽn lẽn trở về, khó xử phết...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top