Aa

"Dân Hà Nội mỗi sớm thức dậy đều lo không khí có sạch, nước có mùi hôi không"

Thứ Bảy, 21/12/2019 - 06:30

Đó là nhận định của bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng khi đánh giá về thực trạng ô nhiễm nguồn nước hiện nay và tính thực thi của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước.

Tình trạng ô nhiễm ngày một đáng lo ngại

Việt Nam sở hữu bờ biển dài 3.260km và hơn 3.000 đảo lớn nhỏ bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, giàu tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng phát triển kinh tế lớn, mật độ dân cư đông đúc và cũng là nơi hội tụ nhiều ngành kinh tế trọng yếu. Tuy nhiên các ngành kinh tế và cuộc sống của người dân vùng ven biển đang phải đối mặt với thách thức lớn mang tên “ô nhiễm”.

Tại tọa đàm “Mô hình quản lý tài nguyên nước từ góc nhìn thực tiễn tiến tới phát triển bền vững vùng cư dân ven biển” diễn ra mới đây, bà Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng cho hay: Hiện tại có 3 nguồn nước chính: Nước mặt, nước ngầm và nước biển, cả 3 nguồn đều rất dồi dào. Trong đó, nước mặt và nước biển là vô cùng quan trọng vì là hệ sinh thái tạo ra nền ngư nghiệp, đánh bắt thủy hải sản, nền kinh tế trên sông, biển.

Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (Ảnh: dantri.com)

Bà Lý nhấn mạnh: “Nguồn nước trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống chúng ta là nước mặt và nước ven biển nhưng cả 2 nguồn này lại luôn rất nhạy cảm với các vấn đề ô nhiễm. Ô nhiễm dòng sông đang rất lớn do công nghiệp hóa, đô thị hóa... Chỉ đếm các bài báo về ô nhiễm nước, ngày nào cũng có, chiếm 50% các bài báo nói về ô nhiễm”.

Ô nhiễm nước mặt dòng sông và nước ven biển khiến nguồn nước ta khan hiếm nước sạch. Ví dụ như sự cố Formosa khiến nước biển bị ô nhiễm nghiêm trọng. Mới đây nhất là vụ ô nhiễm nước sạch Sông Đà, cho thấy an ninh nguồn nước còn quá lỏng lẻo, đòi hỏi phải có sự nhận thức cao hơn, quyết liệt lớn hơn.

"Trước thực tế nguồn nước đang bị đe dọa bởi ô nhiễm, câu hỏi đặt ra là làm thế nào giải quyết được vấn đề ô nhiễm nước? Hay làm thế nào để môi trường sống của chúng ta sạch hơn? Khi người Hà Nội hiện nay mỗi sáng sớm thức dậy đều lo lắng hôm nay không khí có sạch không, nước có mùi hôi không? Đó là điều rất đáng lo ngại" - bà Lý trăn trở.

"Mỗi lần sửa Luật lại có một sự cố lớn xảy ra"

Hiện nay nước ta có Luật Bảo vệ môi trường và Luật Tài nguyên nước. Tuy nhiên, đánh giá về tính thực thi của 2 luật này, bà Nguyễn Ngọc Lý cho rằng mức độ quản trị tài nguyên nước vẫn còn thấp. Đồng thời bà Lý đề xuất phải có luật kiểm soát ô nhiễm nước ra đời, khi đó mới có đủ cơ sở để bảo vệ nguồn tài nguyên nước quý giá.

“Trong khi đó cùng một nguồn nước nhưng lại bị chia lẻ ra cho nhiều bộ, ngành quản lý, rồi biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, rồi việc các nước thượng nguồn chặn nguồn nước... cho thấy đây là một bài toán nan giải, phức tạp, mà chúng ta hiện nay chưa thể giải quyết được” - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng khẳng định.

Bên cạnh đó, bàn về câu chuyện sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, kể từ năm 1993 Luật ra đời đến nay chúng ta đã có 3 lần sửa đổi, và vẫn đang tiếp tục sửa đổi,... Bà Lý cho rằng: “Có lẽ đó là do cách làm luật chúng ta chưa hiệu quả khi mà sau mỗi lần sửa lại có một sự cố môi trường lớn xảy ra. Vậy nên cần có sự cải cách toàn diện, không nên sửa Luật nữa mà phải có sự cải cách toàn diện cả hệ thống. Bởi hệ thống chúng ta xây dựng trong nhiều năm qua đang bộc lộ những điểm yếu mà chúng ta đang phải trả giá rất đắt đỏ.

Trao đổi thêm về vấn đề này, PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường chia sẻ: “Vấn đề hiện nay chưa cho phép xây dựng Bộ luật Bảo vệ môi trường vì quy trình, cách thức xây dựng luật của Quốc hội, và nếu thay đổi thì phải thay đổi mọi thứ. Vậy nên có những vấn đề nào bức xúc thì ta làm trước. Dần dần chúng ta sẽ hoàn thành được những luật thành phần, thể hiện ở các chương mục cụ thể của luật Bảo vệ môi trường. Nếu luật xây dựng chi tiết, chất lượng thì thậm chí không cần nghị định hướng dẫn nữa”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top