TP.HCM: Đánh thức tiềm năng các dòng sông trong vấn đề quy hoạch đô thị

TP.HCM: Đánh thức tiềm năng các dòng sông trong vấn đề quy hoạch đô thị

Thứ Năm, 21/07/2022 - 06:15

Sông Sài Gòn được đánh giá là "cái nôi" văn hóa của khu vực Nam Bộ. Với 80km sông nằm len lỏi trong đô thị, TP.HCM sở hữu điều kiện tự nhiên của một thành phố bên sông hiếm có. Tuy nhiên, tiềm năng của con sông này cũng như những giá trị đặc sắc của nó vẫn chưa được tính đến một cách bài bản trong quá trình phát triển đô thị của TP.HCM.

Muộn còn hơn không, TP.HCM cần có giải pháp đồng bộ từ quy hoạch, kiến trúc đến thu hút đầu tư để cảnh quan bên sông Sài Gòn thực sự trở thành trục phát triển mới xứng tầm. 

Lời tòa soạn:

Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 đến 70% GDP cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần bình quân cả nước…

Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước.

Ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tạo động lực phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững. Nghị quyết khẳng định mục tiêu và nhiệm vụ tiếp tục phát triển các chuỗi đô thị biển gắn với thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

Với bờ biển trải dài hơn 3.260km từ Bắc vào Nam, Việt Nam có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển các đô thị biển đảo đặc sắc, là trụ cột và động lực để phát triển kinh tế biển. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có mạng lưới sông ngòi chằng chịt và đầy tiềm năng với tổng chiều dài hơn 41.900km, bao gồm 9 hệ thống sông lớn, trong đó có khoảng 2.360 con sông có chiều dài trên 10km. Sông nước là cội nguồn tạo ra đô thị nên hầu hết các thành phố lớn ở nước ta đều gắn với các dòng sông mang trong mình những diện mạo văn hóa khác biệt, phản ánh bản sắc riêng. Đây là điều kiện hoàn hảo để xây dựng những khu đô thị ven sông với cảnh quan hoàn mỹ, tạo nên không gian sống sang trọng, văn minh.

Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn đang vắng bóng những đô thị ven sông, đô thị biển đúng nghĩa, có thể phát huy, khai thác tối đa những giá trị, lợi thế mà sông nước, biển cả mang lại. Thay vào đó, đô thị ven sông - biển ở nước ta đang đối mặt với rất nhiều thách thức cản trở quá trình phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng. Tất cả đang đòi hỏi cần những nghiên cứu nghiêm túc tầm quốc gia và quốc tế để có những tầm nhìn chiến lược và chính sách phát triển phù hợp. Vấn đề then chốt là xác lập tầm nhìn và quy hoạch, định vị không gian đô thị sông biển để phát triển tương xứng với tiềm lực tăng trưởng kinh tế và giá trị độc tôn của từng đô thị, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và tăng tính kết nối giữa các địa phương, thu hút các nguồn lực của doanh nghiệp để kiến tạo nên những công trình đẳng cấp, giàu giá trị văn hóa, khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch và phát triển kinh tế xanh trong thời kỳ mới.

Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện, Reatimes triển khai tuyến bài: Phát triển đô thị sông - biển Việt Nam thời kỳ mới

Trân trọng giới thiệu tới độc giả!

Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là thành phố nhiệt đới 2 mùa nắng mưa. Thiên nhiên ưu đãi cho TP.HCM khi sông Sài Gòn (đoạn chảy qua TP.HCM là 80km) uốn lượn chảy qua thành phố tạo thành những vùng đất "cục u" rất đẹp như Thanh Đa, Thủ Thiêm.

Sông Sài Gòn không chỉ có cảnh quan đẹp, nước chảy êm đềm, chiều sâu và bề rộng rất lý tưởng cho tàu thuyền di chuyển mà còn mang dấu ấn lịch sử được kết nối với hàng loạt di tích, địa điểm văn hóa. Điển hình như chùa, nhà thờ, khu đô thị Thủ Thiêm, quảng trường Mê Linh, phố đi bộ Nguyễn Huệ, cảng Sài Gòn, Tân Cảng, Ba Son, bến Nhà Rồng, bến Bạch Đằng… Một trong những nét văn hóa của thành phố phương Nam hơn 300 năm tuổi là hoạt động kinh thương “trên bến dưới thuyền”. Có thể nói hệ thống sông Sài Gòn là một những dòng sông mang giá trị như "cái nôi" của cả vùng văn hóa Nam Bộ.

Tuy nhiên, lâu nay, quy hoạch TP.HCM chưa phải là một đô thị sông nước. Cho đến nay, Thành phố chỉ định hướng, chưa có quy hoạch ven sông Sài Gòn. TP.HCM cũng chỉ quan tâm đến phát triển đô thị ở hai bên sông nhiều hơn, chứ không quan tâm phát triển đô thị sông nước. Điều này tạo nên cảnh quan ven sông còn khá nhếch nhác, chưa xứng tầm với thành phố.

Bản đồ quy hoạch TP.HCM có thể hiện sông Sài Gòn nằm len lỏi trong đô thị, hiếm thành phố nào có được điều kiện tự nhiên như vậy

Trên thế giới, những thành phố có bề dày văn hóa nổi tiếng đều gắn bó với dòng sông và họ quan tâm tới việc quy hoạch, phát triển đôi bờ. Như Paris có sông Seine, Washington có dòng Potomac, Thượng Hải có sông Hoàng Phố… Phát triển đô thị ven sông đã in đậm bản sắc, giúp những thành phố này thơ mộng, thân thiện hơn. TP.HCM có sông Sài Gòn rất đẹp, nhưng câu chuyện để phát triển nó gắn với đô thị sông nước còn rất chậm.

TP.HCM vốn là đô thị sông nước nhưng thực tế hiện nay thì chưa phải là đô thị sông nước, chưa được khai thác đúng tầm. Vì vậy, bản sắc đô thị sông nước của TP.HCM cần được đánh thức để phát triển xứng tầm.

Trao đổi với Reatimes, KTS. Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM đánh giá, điểm tuyệt vời của sông Sài Gòn là nằm giữa lòng thành phố, cây xanh phủ kín 2 bờ, buổi chiều người dân Sài Gòn ra hóng mát, xem đó là chốn hiền hòa để nghỉ ngơi. Trong tương lai, nếu phát triển cũng cần giữ được tính lịch sử của 2 bên bờ sông - một cái cũ và một cái mới, nghĩa là giữ được một bên là lịch sử, một bên là tương lai để khai thác tốt thế mạnh về du lịch cảnh quan đô thị. Các quy hoạch cũng cần hỗ trợ lẫn nhau để tạo thành một hệ sinh thái hoàn thiện 2 bên bờ sông.

“Nét đẹp của sông Sài Gòn chính là có lục bình trôi từ nguồn đổ về rất êm đềm. Cùng với đó, hệ sinh thái chim chóc, cây cối 2 bên xanh mát tạo ra cảnh sắc yên bình giữa lòng thành phố. Thời gian qua, chủ trương phát triển cũng đã có nhiều nhưng việc thực hiện lại có giới hạn, giá trị sông Sài Gòn đến nay vẫn chưa được khai thác triệt để. Thành phố có quan tâm chứ không phải không, chuyên gia cũng tham gia bàn luận khá nhiều nhưng để phát huy hết thì cần có chủ trương rõ ràng hơn", KTS. Khương Văn Mười cho hay. 

Sông Sài Gòn trước kia ngăn cách 2 bên, một bên phát triển còn một bên kém phát triển. Khi có cầu Sài Gòn đã nối liền 2 bên bờ sông, tạo nên sự phát triển đồng bộ nối liền từ quận 1 về tới TP. Thủ Đức ngày nay. Tuy nhiên, để phát huy hết thế mạnh của sông Sài Gòn, theo KTS. Khương Văn Mười, bài toán đặt ra là Nhà nước phải xem xét đến việc cần đầu tư cái gì để phát triển.

"Giá trị sông Sài Gòn thể hiện qua lịch sử từ 50 - 60 năm về trước, lúc đó chúng ta đã biết khai thác thuyền tàu đi lại trên sông. Bây giờ giao thông phát triển rồi thì hiệu quả tàu thuyền không còn nữa. Thế nên, trước tiên là chúng ta phục hồi lại hệ thống giao thông đi lại cho người dân nhằm chia sẻ bớt ùn tắc đất liền. Muốn khôi phục thì phải tạo cảnh quan để ngắm, thu hút du lịch đường sông, phải có công trình, cảnh quan mang tính lịch sử, nghỉ ngơi, giải trí để du khách có điểm dừng chân và tìm hiểu 2 bên bờ sông. Để làm được điều đó,TP.HCM phải kết nối đường bộ đi xuống sông; xây các trạm giao thông nối kết giữa các công trình để việc kết nối đi lại thuận tiện hơn. Tuy nhiên, quá trình đó cũng phải giữ cảnh quan, di sản và nét đẹp tự nhiên 2 bên bờ sông”, ông Mười nhận định. 

Để đánh thức tiềm năng sông nước vốn có của TP.HCM, KTS. Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM cho rằng, Thành phố nên giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc xây dựng phương án kiến trúc để phát triển đô thị 2 bên bờ sông, dựa trên nền phân khu chức năng. Khi Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì thì Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường cùng nhiều sở khác liên quan cùng tham gia để nâng giá trị khu vực đó lên. Trên cơ sở đó, lập đề cương để báo cáo UBND Thành phố, lấy ý kiến chuyên gia, rồi qua đó xác định cái nào cần ngân sách Nhà nước, cái nào doanh nghiệp tham gia, có thể xã hội hóa nhưng phải có chính sách để nhà đầu tư an tâm hơn. Còn nếu chỉ có chủ trương chung thì không hiệu quả mà phải có cơ quan đứng ra chủ trì để lấy ý kiến chuyên gia và báo cáo UBND TP.HCM sớm thực hiện.

“Tiềm năng từ sông Sài Gòn rất to lớn nhưng kèm theo đó là những thách thức. Đến nay, thực trạng xây dựng vi phạm chủ trương, định hướng sử dụng quỹ đất ven sông Sài Gòn, diện tích mặt nước đã và đang là sự trăn trở trong nhiều năm qua của toàn xã hội.

Vi phạm xảy ra do những quy định, quy chế cứ thay đổi liên tục không rõ ràng. Trước đây thì quy định xây dựng phải cách bờ sông 100m, hiện nay là 50m. Nhưng cái gì đã cấp rồi thì không thể nào xử phạt mà phải tìm cách khắc phục, khuyến khích họ tháo dỡ thôi. Luật đã rõ ràng rồi thì cứ đúng theo quy định mà làm, trước cấp phép thì giờ xem xét, nếu có thể thì thu hồi lại đất. Khu vực nào sai theo quy định hiện hành thì áp dụng xử phạt nghiêm khắc để răn đe, lập lại trật tự cho 2 bên bờ sông”, chuyên gia này nhận định.

Đánh giá về chủ trương gần đây của TP.HCM về phát triển kinh tế, dịch vụ ven sông, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM cũng cho biết, Thành phố đã đánh giá đúng, chính xác về tiềm năng đô thị ven sông Sài Gòn đối với phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng bài toán kế tiếp sẽ làm gì và ai sẽ làm cũng rất quan trọng.

“Ai cũng nhìn thấy tiềm năng của sông Sài Gòn nhưng muốn khơi dậy được thì cần phải có giải pháp hợp lý. Để thu hút đầu tư thì cần phân rõ trách nhiệm, trong đó Nhà nước sẽ làm tới đâu, còn lại kêu gọi tư nhân tham gia nhưng lợi ích phải rõ ràng. Nếu có nền tảng đầu tư của Nhà nước rồi thì tư nhân họ sẵn sàng tham gia thôi, quan trọng là giữ được cảnh quan 2 bên bờ sông, dù cho thay đổi quy hoạch ra sao thì không được phá vỡ điều này”, ông Mười nói và cho rằng lãnh đạo Thành phố nên quan tâm, tập trung làm cái gì trước, cái gì sau, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho hệ thống 2 bên bờ sông.

Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM đánh giá, trong quá trình phát triển, chúng ta đã không đối xử với dòng sông như mong đợi. Cách đây 2 năm, lãnh đạo Thành phố đã nhận ra điều này. Do đó, hiện nay, Thành phố đang quan tâm nhiều hơn, sâu sắc hơn đến cảnh quan sông Sài Gòn như một trục mới trong sự phát triển thành phố. Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã được giao chuẩn bị đề án. Đến nay, các bước đi rất bài bản từ ý tưởng, đề án đến quy hoạch.

Theo ông Nhã, Sở đã đề xuất với UBND TP.HCM rà soát, quy hoạch sông Sài Gòn từ huyện Củ Chi đến Mũi Đèn Đỏ (huyện Cần Giờ). Đồng thời, Thành phố tập trung rà soát những quy hoạch nào đã, đang thực hiện, khu vực nào phát triển không phù hợp để tháo gỡ, từ đó đề ra giải pháp cụ thể.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, khu vực nào chưa phát triển thì TP.HCM sẽ lập quy hoạch ở đó, khu vực nào đã phát triển rồi thì sẽ đề ra những quy chế, quy định quản lý cho khu vực đó. Đặc biệt, trong quy hoạch sẽ hạn chế và không làm trầm trọng thêm việc xâm lấn sông, lưu ý đến việc bảo tồn văn hóa sông Sài Gòn.

Bên cạnh đó, Thành phố sẽ lập quy hoạch mới để phát huy thế mạnh và tiềm năng sông Sài Gòn. Chuyển hướng xem sông Sài Gòn như là mặt tiền của TP.HCM. Trong hoạch định, hướng tới phát triển các khu vực không gian công cộng phục vụ người dân.

“Thành phố kiên quyết loại bỏ những dự án không hướng đến mục tiêu cộng đồng dọc sông Sài Gòn”, ông Nhã khẳng định.

Song song với đó, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc còn thông tin, TP.HCM sẽ tạo ra nhiều nguồn lực, cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cộng đồng tham gia vào phát triển sông Sài Gòn, phù hợp với phát triển không gian của Thành phố.

“Quy hoạch phát triển sông phải tiếp cận theo hướng cộng đồng cùng tham gia. Quy hoạch phải hướng đến ổn định cuộc sống người dân tối đa, ưu tiên đến sự hưởng thụ của người dân”, ông Nhã nói.

Đáng chú ý, người đứng đầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẳng định, cơ quan này đã được TP.HCM giao chuẩn bị đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ dọc sông Sài Gòn giai đoạn 2020 - 2045”. Đến nay, các bước đi rất bài bản từ ý tưởng đến quy hoạch. Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng đề xuất UBND TP.HCM những định hướng về cơ chế, chính sách tạo nguồn lực phát triển sông Sài Gòn và mở ra những điều kiện tham gia đầu tư cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân đối với sự phát triển của sông Sài Gòn.

Tuy nhiên, để đạt được mục đích này, ông Nguyễn Thanh Nhã cho rằng cần những cơ chế đặc thù phát triển không gian dọc sông Sài Gòn.

“Quy hoạch phát triển sông Sài Gòn với tinh thần ổn định cuộc sống người dân tối đa. Tuy nhiên, thành phố không có nhiều quỹ đất nên mong người dân chia sẻ cùng thành phố. Nếu chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư hợp lý và tốt đẹp thì người dân sẽ chấp hành di dời”, ông Nhã chia sẻ.

Để hiện thực các quy hoạch, mới đây, TP.HCM chính thức khánh thành công viên Bến Bạch Đằng với quy mô chỉnh trang khoảng 1,6ha. Cùng với quảng trường quanh tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo vừa được cải tạo, bờ sông Sài Gòn khu vực trung tâm TP.HCM vừa được “khoác lớp áo mới”, hiện đại, thoáng mát, đẹp hơn rất nhiều. Đây được coi là bước đi tạo tiền đề cho việc quy hoạch đồng bộ dọc sông Sài Gòn, sau khi TP.HCM phê duyệt đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP.HCM giai đoạn 2020 - 2045”.

Sau nhiều lần lên kế hoạch quy hoạch đô thị dọc 2 bờ sông Sài Gòn, lãnh đạo TP.HCM đang quyết tâm thực hiện đề án với định hướng từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đa chức năng dọc bờ sông, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan kết nối các tiện ích công cộng, tạo điều kiện phát triển hoạt động kinh tế, dịch vụ liên quan đến sông nước và hạ tầng xanh.

Theo đó, TP.HCM sẽ chia sông Sài Gòn ra 2 vùng, gồm vùng thượng lưu từ hồ Dầu Tiếng đến cầu Phú Long (quận 12) và vùng trung - hạ lưu từ cầu Phú Long đến ngã ba Mũi Đèn Đỏ (ngã ba sông Sài Gòn - sông Soài Rạp - quận 7). Trong đó, vùng trung lưu, hạ lưu chia thành 5 khu vực với các giải pháp tương ứng.

Định hướng của TP.HCM là sẽ từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đa chức năng dọc bờ sông Sài Gòn, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan kết nối các tiện ích công cộng, tạo điều kiện phát triển hoạt động kinh tế dịch vụ liên quan đến sông nước và hạ tầng xanh.

Theo UBND TP.HCM, lộ trình từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ triển khai chương trình hành động cải tạo, chỉnh trang hành lang sông Sài Gòn - khu vực trung tâm TP.HCM gắn với các đề án phát triển kinh tế dịch vụ. Thành phố cũng ban hành và triển khai quy chế, quy định, hướng dẫn quản lý phát triển hành lang sông nước. Cùng với đó, triển khai một số dự án điển hình về đầu tư cơ sở hạ tầng xanh tích hợp gắn với hoạt động du lịch và kinh tế dịch vụ giải trí.

Giai đoạn 2025 - 2045, TP.HCM sẽ triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng xanh tích hợp với hoạt động du lịch và kinh tế dịch vụ giải trí theo kế hoạch. Đồng thời, hoàn chỉnh pháp lý về quy hoạch tại khu vực dọc sông; liên tục rà soát, nghiên cứu, cập nhật và hoàn thiện các pháp lý quản lý khu vực dọc bờ sông theo hướng bảo đảm lợi ích chung của TP.HCM, phù hợp với chủ trương, định hướng quy hoạch cấp cao hơn và đáp ứng với thị trường và tốc độ phát triển chung.

Đáng chú ý, trong 5 khu vực thuộc vùng trung lưu, hạ lưu thì khu vực 4 có bờ Đông từ cầu Sài Gòn đến cầu đảo Kim Cương và bờ Tây từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận (ngã ba Kênh Tẻ - sông Sài Gòn). Đây là khu vực đi qua trung tâm hiện hữu, tập trung các hoạt động thương mại, dịch vụ, công nghệ và có tiềm năng phát triển kinh tế dịch vụ ven sông.

Vì vậy, UBND TP.HCM sẽ ưu tiên phát triển khu vực này nhằm xây dựng kết nối và đồng bộ hệ thống hạ tầng, gồm bờ kè sông, cầu cảng bến thủy, các tuyến đi bộ, xe đạp, bến bãi trung chuyển kết nối không gian mở công viên cây xanh và quảng trường đô thị (bao gồm Quảng trường Hồ Chí Minh), triển khai theo mô hình thí điểm ở một số dự án để có kinh nghiệm, nhân rộng cách làm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top