Aa

Đất Phú Quốc lại sốt, chính quyền đâm lo

Thứ Sáu, 05/01/2018 - 06:00

Nếu hiện tượng sốt đất đón đầu đặc khu kinh tế tại Phú Quốc kéo dài sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy, nhất là khiếu nại giá bồi thường và tranh chấp đất đai gia tăng.

Ông Phạm Vũ Hồng - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - thừa nhận như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về sốt đất tại Phú Quốc thời gian gần đây.

Ông Hồng cho biết: Việc giá đất tăng cao trong thời gian ngắn không thể nói là bình thường, nhưng để khẳng định là bất thường hay không còn phải xem xét nhiều khía cạnh. Chẳng hạn như so sánh với giá đất tại các thời điểm trước đây hoặc so với giá đất ở các địa điểm du lịch khác trên cả nước...

Ông Phạm Vũ Hồng - Ảnh: K.N.

Ông Phạm Vũ Hồng - Ảnh: K.N.

PV: Chính quyền địa phương đã có những biện pháp nào để hạn chế cơn sốt đất, ngăn ngừa những hệ lụy có thể xảy ra nếu tình trạng này kéo dài, thưa ông?

Ông Phạm Vũ Hồng: UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn theo dõi sát tình hình sốt đất trên đảo Phú Quốc. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng đất đai là giao dịch dân sự, nhất là tại các khu vực chưa có thông báo thu hồi đất.

Do đó, chúng tôi đã chỉ đạo UBND huyện Phú Quốc khuyến cáo người dân không mua đất đã có quy hoạch dự án, đất không rõ nguồn gốc, đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Trường hợp cần thiết, người dân có thể đến Ban quản lý khu kinh tế Phú Quốc để được cung cấp thông tin miễn phí là khu đất mình sắp mua có nằm trong khu vực quy hoạch dự án hay không...

PV: Sốt giá đất liệu có ảnh hưởng đến các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đảo Phú Quốc, đặc biệt là đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, thưa ông?

Ông Phạm Vũ Hồng: Rõ ràng, sốt giá đất có thể dẫn tới nhiều hệ quả không mong muốn trên đảo Phú Quốc, nếu không giải quyết ổn thỏa và có giải pháp hạ nhiệt sẽ xảy ra nhiều phát sinh ảnh hưởng đến đầu tư, phát triển đảo Phú Quốc.

Ở đây, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương là phải đảm bảo thực hiện nghiêm quy hoạch được phê duyệt.

Tất cả đất đai phải được sử dụng đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Còn hoạt động chuyển nhượng đất đai, bắt buộc phải hợp pháp mới được chứng thực.

PV: Đã phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu nại, thậm chí có băng nhóm đứng ra "bảo kê" giúp chủ đầu tư dự án chiếm đất, hoặc người dân không giao đất cho các dự án đã được duyệt?

Ông Phạm Vũ Hồng: Chúng tôi đã chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ việc này, bước đầu đã bắt giữ một số đối tượng và đang tiến hành các bước nghiệp vụ để xử lý tiếp theo.

Quan điểm là kiên quyết không để hình thành các băng nhóm tội phạm trên đảo Phú Quốc, đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản của người dân, khách du lịch và doanh nghiệp.

Ngoài ra, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã yêu cầu UBND huyện Phú Quốc, Ban quản lý khu kinh tế Phú Quốc cần phổ biến công khai quy hoạch, thông tin quy hoạch rộng rãi hơn nữa; đề nghị người dân không giao dịch đất đai trong vùng đã có dự án, khu vực liên quan đến đất giao khoán trồng rừng, đất nhà nước và tổ chức đang quản lý, sử dụng.

Coi chừng mua phải đất trong quy hoạch

Theo khuyến cáo của UBND tỉnh Kiên Giang, người dân mua đất nên tìm hiểu kỹ về thông tin quy hoạch của thửa đất, giấy tờ pháp lý về đất đai, hết sức thận trọng trước khi quyết định mua đất, không chạy theo cơn sốt giá và mua với bất cứ giá nào, mua đất bất hợp pháp.

Bởi những nơi đã có quy hoạch dự án, Nhà nước sẽ thực hiện chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư theo đúng quy định để thu hồi đất nhằm đảm bảo thực hiện theo quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2018 có Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Ngày 3/1, trong buổi làm việc tại Kiên Giang về thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc (đặc khu Phú Quốc), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết hội đồng thẩm định của Ban đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) dự kiến xây dựng 12 tiêu chí để thẩm định.

Theo ông Tân, trên cơ sở liên hệ pháp luật hiện có, thông lệ quốc tế và đánh giá tác động của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt của các bộ, ngành góp ý kiến bổ sung sẽ tiến hành thẩm định, hoàn chỉnh từng đề án của 3 tỉnh, hoàn thành các bộ thủ tục thông qua các cấp và hội đồng thẩm định để trong tháng 2-2018 thông qua Chính phủ, trình Bộ Chính trị. "Phấn đấu năm 2018 trình Quốc hội phê duyệt, đồng thời ban hành Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt" - ông Tân nói.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top