Aa

Chưa lên đặc khu, giá đất Vân Đồn đã… trên trời

Thứ Năm, 21/12/2017 - 14:01

Tín dụng hâm nóng thị trường bất động sản Việt Nam; Hancorp đầu tư ngoài không hiệu quả, bỏ 100 đồng lãi chưa tới 3 đồng; Chưa lên đặc khu, giá đất Vân Đồn đã… trên trời; Vietcomreal đang "lâm bệnh", không phát triển được dự án mới?; Phát triển nhà ở xã hội, cái khó bó cái khôn;… là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Chưa lên đặc khu, giá đất Vân Đồn đã… trên trời

Có mặt tại Vân Đồn vào những ngày này, từ đầu đến cuối huyện, biển hiệu mua bán nhà đất giăng lên khắp nơi, từ gốc cây cho đến bờ tường, vách núi… Người rao bán đất, người dọ mua tấp nập. Dọc từ trung tâm huyện xuống đến gần hết đảo Cái Bầu, đâu đâu cũng bắt gặp hơn chục đoàn khách dừng xe ngắm nghía…

Trong vai một "đại gia" ở Hải Phòng tìm mua đất, chúng tôi được chị H., một "cò đất", dẫn đi xem 3 mảnh dưới chân núi, mặt hướng ra biển. Theo chị H., toàn bộ diện tích đất này được các đại gia từ nơi khác đến gom lại của người dân thành những mảnh vuông vắn, bán giá 12-15 triệu đồng/m2. Chị H. nói chỉ vài ba năm trước, 1 triệu đồng/m2 không ai ngó tới.

"Vị trí đất đắc địa nhất Vân Đồn là khu dân cư trung tâm, đầu đường vào sân bay Vân Đồn. Mỗi mét vuông đất ở đây hiện có giá trên 30 triệu đồng và rất khó để có thể mua được khi cơn sốt vẫn chưa hạ nhiệt" - chị H. nhanh nhảu.

Văn phòng giới thiệu nhà đất mọc lên ngày càng nhiều ở Vân Đồn Ảnh: TRỌNG ĐỨC.

Văn phòng giới thiệu nhà đất mọc lên ngày càng nhiều ở Vân Đồn Ảnh: TRỌNG ĐỨC.

Dẫn chúng tôi đến khu đất tại mặt bằng thuộc dự án Ao Tiên (thôn 6, xã Hạ Long), chị T., công chức một cơ quan hành chính của huyện Vân Đồn, nói cách đây vài tháng, một lô đất 108 m2 tại đây có giá 200 triệu đồng thì nay đã tăng lên 3 tỉ đồng (gấp 15 lần).

Cũng theo chị T., nơi đây đang bị hút vào vòng xoáy của "bão giá" do chính những người đầu cơ tạo ra. Vì lý do này mà nhiều người dân địa phương như chị kiêm thêm nghề môi giới.

Trong khi đó, khoảng hơn 1 tháng gần đây, sau khi có thông tin cả huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) được chuyển lên thành Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong, tình trạng mua bán đất rộ lên với giá mỗi ngày mỗi tăng cao.

Xem chi tiết tại đây.

Tín dụng hâm nóng thị trường bất động sản Việt Nam

Suốt thời gian dài trong những tháng cuối cùng của năm 2017, nhiều đánh giá, dự báo đều chỉ ra rằng, tăng trưởng GDP năm 2017 của Việt Nam chỉ đạt 6,3%, khó "chạm" mục tiêu 6,7%. Tuy nhiên, chỉ vài tuần trong quý IV, các chỉ số thực tế đã khiến mọi dự báo trước đó đều trở nên lạc hậu.

Nhận định về tình hình tnày, TS. Trương Văn Phước cho rằng, kết quả tăng trưởng GDP năm nay có nhiều đóng góp của công nghiệp chế biến chế tạo, xuất khẩu, du lịch, nông nghiệp. Đóng góp không chỉ mang tính định lượng mà còn có nhiều chính sách của Chính phủ trong mấy năm trở lại đây đã thay đổi môi trường kinh doanh tốt đẹp hơn. Giai đoạn vừa qua cũng là thời điểm kinh tế thế giới gần qua hết khó khăn, cũng đóng góp tốt cho tăng trưởng của Việt Nam.

TS. Trương Văn Phước.

TS. Trương Văn Phước.

Về tăng trưởng tín dụng, dù được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh và đạt tỷ lệ trên 20% để thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế nhưng trên thực tế, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ước tính không đạt mức 20 - 21% nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt kế hoạch.

Phản hồi về vấn đề này, TS. Trương Văn Phước cho rằng mong muốn tăng trưởng tín dụng trên 20% được đưa ra từ giữa năm, khi tăng trưởng GDP có khó khăn, lo ngại không đạt được 6,7%. Tín dụng có đóng góp cho tăng trưởng GDP nhưng không phải yếu tố quan trọng nhất. Dù tăng trưởng tín dụng không đạt 21%, nhưng trong năm 2017, ước tính tín dụng tăng khoảng 18,7 - 19,3% nhưng GDP vẫn đạt 6,7%, cho thấy tín dụng có đóng góp xứng đáng nhưng không phải là nhân tố quyết định cho tăng trưởng.

Xem chi tiết tại đây.

Vietcomreal đang "lâm bệnh", không phát triển được dự án mới?

Từ trước năm 2015, từ năm 2016 Vietcomreal không phát triển dự án mới. Cũng từ đây, sức khỏe tài chính của Vietcomreal được cho là đi xuống khi khoản nợ của doanh nghiệp này đang khá nhiều. Để có tiền, doanh nghiệp này được cho là đang cầm cố tài sản đất từ dự án mà mình đang có.

Đơn cử như ngày 26/7/2017, Vietcomreal cầm cố 2.351.077 cổ phiếu SMB (Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Miền Trung) cho Ngân hàng TPCP An Bình để lấy hơn 65 tỷ đồng.

Ngày 31/3/2017, Vietcomreal cũng cầm cố quỹ đất dự án 504 Nguyễn Tất Thành, quận 4 (dự án Riva Park) cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh TP.HCM với số tiền hơn 578 tỷ đồng.

Trong đó, năm 2015 doanh nghiệp này cũng cầm cố hai khoản vay lớn. Đơn cử như ngày 11/9/2015, doanh nghiệp này cầm cố cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh TP.HCM tài sản là Quyền phát sinh từ hợp đồng thuế tại địa chỉ chính của công ty số 68 đường Nguyễn Huệ, quận 1 lấy số tiền 130 tỷ đồng.

Xem chi tiết tại đây.

Phát triển nhà ở xã hội, cái khó bó cái khôn

Theo đánh giá của TS. Lê Thị Ngọc Mai, Khoa Pháp luật kinh tế, Trường đại học Luật Hà Nội, chương trình phát triển nhà ở xã hội vẫn còn không ít những hạn chế cần khắc phục.

Thứ nhất, những ưu đãi cho chủ đầu tư chưa thực sự tương xứng với những thiệt thòi về lợi nhuận của doanh nghiệp khi phát triển dự án nhà ở xã hội so với phát triển nhà ở thương mại. Các chính sách hỗ trợ thời gian qua như miễn tiền sử dụng đất, hạ thuế VAT bằng 0%, miễn thu nhập doanh nghiệp, tăng mật độ quy hoạch lên 1,5 lần… vẫn chưa thực sự hấp dẫn doanh nghiệp khi giá bán được xác định theo nguyên tắc tính đủ chi phí đầu tư và cộng thêm 10% lãi định mức.

Nhiều dự án nhà ở xã hội phải dừng triển khai do thiếu vốn.

Nhiều dự án nhà ở xã hội phải dừng triển khai do thiếu vốn.

"Với mức lợi nhuận này, liệu có đủ sức hấp dẫn các chủ đầu tư triển khai dự án nhà ở xã hội không, khi lợi nhuận đầu tư dự án nhà ở thương mại có thời điểm lên tới 300%?", bà Mai đặt vấn đề.

Thứ hai, nguồn vốn vay ưu đãi hiện nay vẫn đang tắc, khiến cả doanh nghiệp và người có nhu cầu mua nhà không tiếp cận được. Chưa kể, thủ tục để vay các nguồn vốn vay ưu đãi khá rườm rà, thời gian thẩm định kéo dài, khiến nhiều doanh nghiệp và người mua nhà nản lòng.

Thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp phải dừng triển khai dự án nhà ở xã hội do thiếu vốn vay ưu đãi. Các chủ đầu tư đang chờ gói tín dụng ưu đãi mới sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hết sứ mệnh.

TS. Phạm Thái Sơn, Phó chủ nhiệm Đề án “Phát triển thị trường bất động sản TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” của UBND TP.HCM cho rằng, lý do khiến doanh nghiệp không ”mặn mà” với nhà ở xã hội dù có nhiều ưu đãi là vì thủ tục hành chính liên quan đến thiết lập dự án và xây dựng tương đối phức tạp, tốn nhiều thời gian.

Xem chi tiết tại đây.

Cổ phiếu địa ốc gần sân bay Long Thành tăng nhanh hơn giá đất

Thống kê của công ty chứng khoán FPT cho thấy, trong bán kính 30km quanh sân bay Long Thành có 15 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán. Giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp còn tăng hơn 3 lần trong một năm qua.

Chẳng hạn, doanh nghiệp sở hữu nhiều đất nhất trong bán kinh 30km là Tổng công ty đầu tư và phát triển xây dựng (DIG) với gần 500 ha đất nền và 2 dự án là khu đô thị Long Tân, khu đô thị Hiệp Phước rộng 22ha và dự án khu đô thị sinh thái Đại Phước rộng 465ha. Riêng dự án Đại Phước đã có tổng vốn đầu tư hơn 7.500 tỷ đồng.

Bán kính 30 km quanh Long Thành có 15 doanh nghiệp địa ốc niêm yết. Nguồn: FPTS.

Bán kính 30 km quanh Long Thành có 15 doanh nghiệp địa ốc niêm yết. Nguồn: FPTS.

Theo Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), khả năng DIG thu về lợi nhuận cao từ quỹ đất sạch với giá vốn thấp, chủ yếu đến từ việc chuyển nhượng vốn tại dự án Đại Phước và bàn giao lại các dự án kinh doanh trong giai đoạn 2015 – 2016

Nếu trong hai năm 2014 - 2015, giá cổ phiếu DIG chỉ loanh quanh mức 7.000-8.000 đồng thì sang 2017 đắt gấp 3 lần, đạt mức 21.000 đồng một cổ phiếu, bất chấp kết quả kinh doanh quý III không đạt kỳ vọng. Hết tháng 9, DIG chỉ đạt 286 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 16% so với cùng kỳ và lợi nhuận chỉ đạt 33,8 tỷ đồng, giảm 15%.

Công ty thuộc Bộ Xây dựng cũng đã thoái vốn rất thành công khi chỉ giao dịch trực tiếp trên sàn chứng khoán mà không cần thông qua đấu giá. Ngoài đất ở Long Thành, DIG còn có nhiều dự án quy mô lớn khác như Trung tâm Chí Linh – Vũng Tàu, khu đô thị Nam Vĩnh Yên,…

Xem chi tiết tại đây.

Hancorp đầu tư ngoài không hiệu quả, bỏ 100 đồng lãi chưa tới 3 đồng

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Bộ Xây dựng về tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2016 của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp).

Về kết quả kinh doanh năm 2016 của Hancorp, theo Bộ Tài chính kết quả kinh doanh chưa cao khi tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản năm 2016 chỉ đạt 1,95%, lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ là 7,4%.

Dự án Khu Đoàn Ngoại giao (Hà Nội) do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) làm chủ đầu tư.

Dự án Khu Đoàn Ngoại giao (Hà Nội) do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) làm chủ đầu tư.

Bộ này cũng cho biết, Hancorp không đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh có tính chất rủi ro cao như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm... mà vào những công ty con, liên kết thuộc ngành nghề kinh doanh chính của đơn vị này. Đến cuối năm 2016, Hancorp đầu tư ra ngoài doanh nghiệp hơn 1.280 tỷ đồng.

Trong số 6 công ty con mà đơn vị này đầu tư 176 tỷ đồng thì 2 công ty lỗ. Những công ty có hệ số nợ phải trả trên chủ sở hữu rất cao như Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng số 1 Hà Nội (hơn 11 lần), Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà và Xây dựng Tây Hồ (hơn 7 lần) và Công ty TNHH Một thành viên Hantech (hơn 7 lần).

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top