Aa

Đất tổ nhà mình ở đâu?

Thứ Năm, 20/05/2021 - 07:00

Cứ bồi hồi thế, rồi miên man nhớ đến những câu thơ, trang văn của nhiều tác giả tài danh viết về nỗi nhớ quê xưa của họ...

Đứng ở nơi nhà cũ của ông bà nội tôi, giờ đã biến thành ruộng cấy lúa, cứ bồi hồi mãi. Thường thì các ruộng lúa hay biến thành vườn, thành làng, chứ mấy khi có chuyện nhà và vườn biến thành ruộng, để san đi đâu mất hết những ấn tượng trong ký ức tuổi thơ của mình như thế này? Cứ bồi hồi thế, rồi miên man nhớ đến những câu thơ, trang văn của nhiều tác giả tài danh viết về nỗi nhớ quê xưa của họ. Những văn thơ ấy, nhiều lắm, là một miền di sản trong ký ức văn hóa của con người. Như một cái neo vô hình giữ bền hồn cốt tình cảm của bao nhiêu con người đang ly hương nữa…

Sách Hoài Nam Tử viết: “Chim bay về quê, thỏ chạy về hang, cáo chết hướng về phía gò”. Cái câu “Cáo chết ba năm còn quay đầu về núi” trong điển tích “Hồ tử thú khâu” thì cũng là mượn chuyện con vật để nói về lòng người hoài nhớ quê cũ.

Con người thật sự nhớ quê khi nào? Chắc là phải đến khi có tuổi một chút rồi, ân oán cũng đã mãn mãn nhiều rồi, thì mới nhớ đến quê theo một cách thức thật sự, nhớ quê nôn nao... (Ảnh sưu tầm)

Nhưng con người thật sự nhớ quê khi nào? Chắc là phải đến khi có tuổi một chút rồi, ân oán cũng đã mãn mãn nhiều rồi, thì mới nhớ đến quê theo một cách thức thật sự, nhớ quê nôn nao... Chứ còn đang ở giữa thời trai trẻ, tầm mắt và bước chân đang hăm hở vươn về phía trước, thì chưa thể nhớ quê đến độ da diết được.

Mới đây, bỗng đọc được rồi ngẫm lại, tôi thấy có nhiều lúc, tâm trạng mình có nét gì đó giống Vương Tích, một nhà thơ thời Sơ Đường, ở đầu thế kỷ thứ 7. Ông Vương Tích, tự Vô Công (585-644), vốn xuất thân là người từ làng quê, đã từng giữ qua vài chức quan ở kinh thành, nhưng không bền bỉ gì lắm với nghiệp làm quan. Khi mới chớm có tuổi một chút, ông đã từ quan, lui về ở ẩn, làm ruộng, dọn cỏ, chăm cây…

Vương Tích có một người chắt, sau này nổi lên tiếng tăm thơ ca tài hoa lừng lẫy, là nhà thơ thời Đường Vương Bột. Bài thơ “Ở kinh thành, nhớ quê, gặp người làng, hỏi chuyện”, Vương Tích viết khi đã bắt đầu chán mỏi quan trường. Bài thơ cách đây gần 14 thế kỷ mà sao vẫn thật gần gũi với đầy những hình ảnh cố viên quê cũ đang lưu giữ trong lòng nhiều người thời nay:

          “Lữ thứ đã nhiều năm

          Chưa biết khi nào về

          Bỗng nhà có khách đến

          Là bạn người cùng quê.

 

          Rưng rưng tay vội nắm

          Bồi hồi cùng nâng ly

          Bồn chồn hỏi bạn cũ

          Sao rồi đám trẻ xưa?

 

          Họ nghèo nhiều con cháu

          Vẫn dựng đài giữa ao

          Vườn cũ còn giữ nhỉ

          Trồng thêm cây mới nào?

 

          Hàng liễu xưa dày lắm

          Mái tranh rộng thêm không

          Trúc xinh vẫn còn mọc

          Mai già vẫn đơm bông?

 

          Mương xưa nước còn chảy

          Bậc đá còn rêu trơn

          Cây vẫn ra quả sớm

          Hoa vườn nở muộn hơn?

 

          Nhớ quê cứ hỏi mãi

          Khách chẳng kịp đáp lời

          Mong nhanh về lội ruộng

          Dọn cỏ vườn nhà thôi”.

Cái thú vị là bài thơ này cùng nguyên tác chữ Hán và phiên âm với bản dịch của một cô gái còn rất trẻ người Hải Phòng vào Sài Gòn mở quán cà phê lập nghiệp, được đưa lên facebook. Cô gái ấy tên là Nguyễn Thị Hải. Bản đưa lên đây là tôi đã chỉnh dịch theo ý của mình, chữ nghĩa có thể còn lỗ mỗ. Cô gái ấy phải rất nhớ quê mình mới tìm mà gặp được nguyên tác của Vương Tích mà đọc, rồi phiên âm và dịch thơ để chia sẻ với mọi người. Như thế là, một nỗi nhớ quê rất cụ thể của một người xưa vẫn có sức sống bền bỉ lưu truyền qua những trăm năm, giờ đến được với lớp trẻ thời hiện đại đang còn xa quê lập nghiệp.

Quê hương trong tôi (Ảnh sưu tầm)

Quay lại chuyện vườn quê của mình. Từ khi đứng ở cánh đồng ven sông, tôi đã nghĩ đến việc tìm lại mảnh đất tổ của mình. Nó nằm ở đâu trong làng? Hiện giờ ai đang ở? Vườn cũ có còn không? Thế nhưng rồi lại có bao nhiêu chuyện kéo mình đi, nên chưa một lần tìm hỏi cho cặn kẽ. Cho đến một ngày, như có cơ duyên trời phù phật độ như thế nào đó, mà mình lại đứng đúng chỗ đất tổ ấy, không biết đó là đất tổ nhà mình, nhưng chân như bị níu lại, không rời đi được nữa…/.

(Còn nữa)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top