Thuộc huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội, xã Ninh Hiệp từ xưa đến nay nổi tiếng với chợ vải Ninh Hiệp. Khu vực này cách trung tâm Thủ đô chừng 20km. Đây là đầu mối chuyên bán buôn, sỉ lẻ các mặt hàng quần áo, vải vóc và phụ kiện, là chợ đầu mối lớn nhất khu vực miền Bắc.
Giá đất ở khu vực này hiện khiến giới đầu tư không khỏi phải sửng sốt khi có những nơi chạm ngưỡng gần 2 tỷ đồng/m2.
Theo tìm hiểu, hiện nay giá đất cao nhất tại các kiot ở trong chợ và bên ngoài mặt đường, dao động từ 1,4-1,5 tỷ đồng/m2. Mức giá này được cho ngang ngửa với đất ở nhiều tuyến phố cổ tại Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) - nơi được ví là "đất vàng" đắt đỏ nhất Thủ đô.
![Đất vùng ven huyện sắp lên quận tại Thủ đô chạm ngưỡng hơn 1,5 tỷ đồng/m2- Ảnh 1. Đất vùng ven huyện sắp lên quận tại Thủ đô chạm ngưỡng hơn 1,5 tỷ đồng/m2- Ảnh 1.](https://cdn1z.reatimes.vn/652356615132086272/2025/2/14/dat-ninh-hiep-dat-ngang-pho-co-1739518411301254342808.jpg)
Một góc huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội. Ảnh: Internet
Hiện một căn nhà mặt phố Hàng Ngang có diện tích 93,2m2 được rao bán với giá 120 tỷ đồng, tương đương mức 1,29 tỷ đồng/m2. Hay như một căn nhà phố khác trên phố Đinh Tiên Hoàng có diện tích 210m2 hiện được giao bán với giá 325 tỷ đồng, tương đương 1,55 tỷ đồng/m2.
Không chỉ ở các kiot mà giá nhà đất xung quanh khu vực chợ Ninh Hiệp hiện cũng đang ở mức rất cao, từ 600-900 triệu đồng/m2. Những mảnh đất cách chợ chừng 500-1.000m sẽ có giá từ 200-300 triệu đồng/m2; cách chợ 1-3km có giá từ 100-150 triệu đồng/m2.
Ở KĐT Tuấn Dung, cách chợ Ninh Hiệp chừng 500m, giá các căn liền kề ở đây hiện được rao bán ở mức từ 550-650 triệu đồng/m2, theo đó một căn liền kề khoảng 80m2 hiện cũng có giá 50 tỷ đồng.
Những con số "biết nói" này cho thấy độ "nóng" của giá đất tại đây không hề thua kém nhiều quận nội thành tại Hà Nội.
Mặc dù giá đất tại Ninh Hiệp đang đắt đỏ nhưng giá cho thuê tại khu vực này hiện lại không cao. Một căn liền kề tại KĐT Tuấn Dung hiện có mức giá 50 tỷ đồng nhưng giá cho thuê chỉ ở vào khoảng 200 triệu đồng/năm, tương đương gần 17 triệu đồng/tháng.
![Đất vùng ven huyện sắp lên quận tại Thủ đô chạm ngưỡng hơn 1,5 tỷ đồng/m2- Ảnh 2. Đất vùng ven huyện sắp lên quận tại Thủ đô chạm ngưỡng hơn 1,5 tỷ đồng/m2- Ảnh 2.](https://cdn1z.reatimes.vn/652356615132086272/2025/2/14/dat-ninh-hiep-dat-ngang-pho-co2-17395184113041021336615.jpg)
Đất ở khu vực chợ Ninh Hiệp có giá đắt ngang ngửa khu phố cổ Hà Nội. Ảnh: Internet
Việc giá đất khu vực này cao ngất ngưởng khiến không ít nhà đầu tư hy vọng khi "rót tiền" vào đây. Tuy nhiên, theo khảo sát gần như khu vực này lượng giao dịch lại vô cùng ít.
Khi tìm kiếm cụm từ "bán đất Ninh Hiệp" trên các trang mua bán BĐS, chỉ trả về khoảng 20 kết quả và đa phần đều là các tin đã hết hạn. Điều này cho thấy nguồn hàng đang vô cùng hiếm và lượng đăng tin tại đây cũng đang khá hiếm.
Một trong những nguyên nhân khiến đất tại đây khan hiếm được các môi giới lý giải đó là do đa số các tiểu thương đều là người làng, sinh sống lâu đời nên không có nhu cầu bán. Có những trường hợp cần tiền bán thì chỉ bán cho những người dân trong làng.
Theo chia sẻ của một môi giới BĐS khu vực này, đất Ninh Hiệp thực tế chỉ có người Ninh Hiệp mua, do giá quá cao nhưng cho thuê lại rẻ nên nhiều nhà đầu tư từ nơi khác không mấy mặn mà.
Ngoài ra, việc các ngân hàng khi định giá đất tại đây cũng thấp hơn so với giá giao dịch thực tế nên số tiền vay không được nhiều.
Người này cho biết thêm, thu nhập của người dân Ninh Hiệp khá cao, có người vào những tháng cận Tết có thể kiếm cả tỷ đồng/tháng nên việc mua những mảnh đất đắt đỏ trong khu vực không phải là chuyện hiếm.
Gia Lâm là huyện nằm ở cửa ngõ phía Đông Hà Nội, cách trung tâm thành phố chỉ 15 phút di chuyển. Trong 9 tháng, kinh tế Gia Lâm tiếp tục phát triển, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý tăng 11,73%; thu ngân sách Nhà nước đạt 4.825,8 tỷ đồng, bằng 112,6% dự toán thành phố và huyện giao, bằng 181,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo lộ trình thành phố đặt ra, hai huyện Đông Anh, Gia Lâm sẽ lên quận đầu năm 2025; Thanh Trì, Hoài Đức phấn đấu lên quận cuối năm 2025.