UBND TP.HCM vừa quyết định tổ chức đấu giá 3.790 căn nhà thuộc 5 toà nhà chung cư (có nguồn gốc thuộc dự án nhà tái định cư phục vụ dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm) tại phường Bình An, thành phố Thủ Đức, nằm liền kề với Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), sau khi được cơ quan có thẩm quyền ban hành “quy chế cuộc đấu giá” thì thông tin về cuộc đấu giá sẽ được niêm yết công khai và công bố theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, mời gọi các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia đấu giá 3.790 căn nhà này.
Do được quy hoạch thành hai cụm có kết cấu hạ tầng kỹ thuật độc lập, nên có nhiều khả năng TP.HCM sẽ tổ chức 2 cuộc đấu giá với “rổ hàng” có giá trị rất lớn, nhằm mời gọi các nhà đầu tư có năng lực tài chính mạnh tham gia đấu giá. Do vậy, thành phố sẽ không đấu giá một số căn hộ theo phương thức đấu giá từng căn hộ cho cá nhân có nhu cầu như Hiệp hội đã đề xuất trước đây.
Sau khi trúng đấu giá thì các căn hộ này trở thành nhà ở thương mại. Nhà đầu tư có quyền bán căn hộ cho người tiêu dùng; hoặc cải tạo nâng cấp rồi bán lại; hoặc chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác theo dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Trường hợp nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư xây dựng dự án mới tại khu đất này, thì phải đề xuất dự án lên UBND TP.HCM và thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về đầu tư, về xây dựng, về quy hoạch, về kinh doanh bất động sản và phải làm nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước theo quy định (nếu có).
HoREA cho rằng, dự án có ưu thế tọa lạc tại vị trí đắc địa. Nhà đầu tư trúng đấu giá chắc chắn sẽ nâng tầm uy tín thương hiệu, mà nếu có nhu cầu đầu tư dự án mới tại vị trí này được UBND TP.HCM xem xét chấp thuận, thì càng tăng uy tín thương hiệu cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý một số mặt hạn chế do có nguồn gốc là dự án nhà tái định cư, như: các ý kiến quan ngại về chất lượng công trình; chất lượng vật tư, vật liệu xây dựng, trang thiết bị so với các dự án nhà ở thương mại; quan ngại về chất lượng công tác quy hoạch, thiết kế toà nhà cũng như căn hộ; các tiện ích phục vụ cư dân. Do vậy, Hiệp hội đề nghị nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ và có kế hoạch cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp và bổ sung thêm các tiện ích, dịch vụ.
Trước đó, ngày 13/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi làm việc với TP.HCM về tình hình kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2021 và một số nhiệm vụ trọng tâm, giải quyết kiến nghị của thành phố. Tại buổi làm việc, TP.HCM đã đề xuất, kiến nghị Thủ tướng cho phép UBND TP.HCM quyết định điều chỉnh mục tiêu dự án, quỹ nhà phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội hoặc thương mại thay cho Bộ Xây dựng, theo Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ. Về kiến nghị này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu nếu chuyển sang nhà ở thương mại thì dứt khoát phải qua đấu giá để tránh tiêu cực, thất thoát.
Hiện nay, không ít dự án trên địa bàn TP.HCM bị biến tướng, dính hàng loạt sai phạm khi chuyển từ nhà ở tái định cư sang thương mại. Nhiều dự án làm sai lệch chủ trương cũng như quy định pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, gây tâm lý bức xúc.
Điển hình là sai phạm tại dự án New City Thủ Thiêm (số 17 đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức) do Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt làm chủ đầu tư. Kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm cho thấy, TP.HCM đã thanh lý hợp đồng đầu tư xây dựng dự án 1.330 căn hộ (New City), khi chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về giao đất là trái Luật Đất đai.
Nội dung kết luận của thanh tra nêu rõ, nhà đầu tư (Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt) đã thay đổi thiết kế dự án New City Thủ Thiêm, từ nhà tái định cư sang nhà ở thương mại. Nhà đầu tư này đã chuyển nhượng cho người mua 1.122 căn hộ.
Về phía UBND TP.HCM đã thanh lý hợp đồng đầu tư xây dựng khu tái định cư, khi chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về giao đất là không đúng quy định tại Điểm I, Khoản 2, Điều 118, Luật Đất đai năm 2013.