Chi phí không rẻ
Tại thị trường Việt Nam, JLL ghi nhận nhu cầu không gian làm việc tăng trưởng nhanh, các nhà đầu tư đã trở nên quen thuộc trên thị trường như Toong, NakeHub hoặc DreamPlex… cùng một số tên tuổi mới xuất hiện khác.
Đối tượng có nhu cầu thuê văn phòng chia sẻ hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đặc biệt là các doanh nghiệp mới thành lập; có thể là các công ty nước ngoài thành lập văn phòng đại diện ở nơi khác, thành phố khác để thuận tiện giao dịch, nghiên cứu thị trường, tìm kiếm khách hàng; cho đến những công ty, nhóm cá nhân làm việc thời vụ cần một nơi để hoạt động.
Tìm hiểu về thị trường các văn phòng chia sẻ trên địa bàn Hà Nội, được biết mức giá trung bình cho một chỗ ngồi tại các văn phòng chia sẻ dao động từ 1 triệu – 3 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, một văn phòng làm việc truyền thống dành cho dưới 10 người trong khu vực nội thành của thành phố sẽ có mức thuê từ 10 triệu đến 15 triệu đồng/tháng. Chưa kể chi phí thi công nội thất, mua sắm thiết bị, lễ tân, bảo vệ, lao công, và các chi phí vận hành khác...
Nếu so sánh con số trước mắt nhiều người sẽ thấy việc chọn thuê tại các văn phòng chia sẻ có mức chi phí tương đối cao, thậm chí cao hơn mức thuê tại các văn phòng truyền thống. Tuy nhiên, khi lựa chọn các văn phòng chia sẻ, người thuê được hưởng lợi từ mô hình chia sẻ chỉ việc xách balo đến làm việc, toàn quyền sử dụng mọi tiện ích, thiết bị cần thiết của một văn phòng trong không gian làm việc linh hoạt, nhiều sáng tạo.
Dễ hình dung, các văn phòng chia sẻ hầu hết được bài trí với tiêu chuẩn cao, không gian hài hoà, thiết kế đồng bộ, đẹp mắt, có phòng tiếp khách, không gian cafe, giải trí. Bàn làm việc cá nhân với hoa tươi, lịch để bàn, khung ảnh gia đình...
Đại diện cho một văn phòng chia sẻ tại quận Thanh Xuân (Koworking.net), anh Nguyễn Đình Khiêm cho biết những tiện ích mà văn phòng chia sẻ mang lại cho khách hàng đã rất rõ ràng, tuy nhiên dịch vụ này có chi phí cao hơn việc thuê 1 văn phòng cơ bản.
“Về lâu dài văn phòng chia sẻ là lựa chọn thông minh với các nhóm làm việc với số lượng dưới 10 người, đặc biệt là các nhóm startup muốn giảm bớt gánh nặng mặt bằng và tin gọn việc vận hành để tập trung vào công việc”, anh Khiêm nói.
Nhưng nhiều “điểm cộng”
Bà Đặng Phương Hằng - Tổng Giám đốc của CBRE Việt Nam cho biết, nếu như trước đây một doanh nghiệp mới thành lập, các công ty startup (dưới 10 người) sẽ thường gặp khó khăn trong việc chi phí mở văn phòng, nhưng từ khi có mô hình văn phòng chia sẻ ra đời, mọi thứ đã trở nên tiện lợi hơn rất nhiều như địa điểm, không gian làm việc và vấn đề chi phí.
Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0, văn phòng chia sẻ được xem như là một nơi khá hữu hiệu để hợp thức hoá thủ tục pháp lý cho các công ty hoạt động kinh doanh online. Thay vì thuê một văn phòng truyền thống với các chi phí mặt bằng, cùng với dịch vụ kèm theo, thì với doanh nghiệp kinh doanh chủ yếu qua hình thức online chỉ cần một địa điểm cụ thể để đăng ký công ty trên giấy tờ. Văn phòng chia sẻ tối ưu diện tích và phù hợp với nhu cầu sử dụng đa dạng khác nhau.
Được biết, tại đây ngoài các tiện ích cơ bản khách hàng sẽ được cùng nhau xây dựng văn hoá doanh nghiệp, phát triển cá nhân và nâng cao chuyên môn. Cuối tuần thường được tổ chức training, các thành viên luân phiên chia sẻ kiến thức chuyên môn về lĩnh vực của mình, ngoài ra còn các hoạt động dã ngoại, chiếu phim, văn nghệ. Điều mà các công ty nhỏ rất vất vả để duy trì.
Chưa kể, phần lớn là những người trẻ tuổi sau một thời gian làm việc trong môi trường chia sẻ đều trở nên thân quen, sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm cũng như khó khăn trong công việc, thậm chí trở thành khách hàng, đối tác của nhau.
Nhận định về tương lai của mô hình này, bà Đặng Phương Hằng cho rằng đây là xu hướng chung cho các công ty có quy mô nhỏ. Xu hướng này không chỉ phát triển ở Việt Nam mà còn ở các nước trong khu vực. “Chính vì nhu cầu cao nên nguồn cung cho mô hình này cũng ngày càng trở nên phong phú, linh hoạt”, bà Hằng nói thêm.