Aa

Đầu tư và đầu cơ bất động sản, ranh giới mong manh

Thứ Sáu, 01/12/2017 - 14:01

Cổ phiếu bất động sản: Kênh đầu tư "hot" năm 2018?; 11 Nghị định, 40 thông tư được ban hành nhưng Luật Đất đai 2013 chưa tạo được "sức bật" cho thị trường; Đầu tư và đầu cơ bất động sản, ranh giới mong manh; Đất Thủ Thiêm cao nhất 170 triệu đồng mỗi m2;… là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Đất Thủ Thiêm cao nhất 170 triệu đồng mỗi m2

Công ty TNHH Gachvang vừa công bố báo cáo mới nhất về giá đất của các tuyến đường đắt đỏ nhất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM cập nhật đến giữa tháng 11/2017. Nơi được kỳ vọng là khu đô thị hiện đại bậc nhất Đông Nam Á trong tương lai đang có giá đất bật lên ngưỡng khá cao so với hồi đầu năm.

Cụ thể, đất mặt tiền đường Trần Não, phường An Lợi Đông, từ đoạn cắt đường Mai Chí Thọ đi xuyên vào tâm đô thị này giữa tháng 11 ghi nhận 169,7 triệu đồng mỗi m2. Nếu xét trong cả chu kỳ 11 tháng qua, thời điểm giá đất phố Trần Não bật lên cao nhất rơi vào tháng 6/2017 với mức giá vọt lên 182,3 triệu đồng mỗi m2. Đây cũng là tuyến đường có biến động giá đất mạnh mẽ nhất từ đầu năm đến nay, biên độ tăng đạt 121,55%.

Giá đất cao nhất khu Thủ Thiêm tính đến tháng 11/2017 đang thuộc về tuyến đường Trần Não, đoạn cắt với đường Mai Chí Thọ, dẫn về tâm đô thị mới này. Ảnh: Lucas Nguyễn.

Giá đất cao nhất khu Thủ Thiêm tính đến tháng 11/2017 đang thuộc về tuyến đường Trần Não, đoạn cắt với đường Mai Chí Thọ, dẫn về tâm đô thị mới này. Ảnh: Lucas Nguyễn.

Theo sau là đường Nguyễn Cơ Thạch, phường Thủ Thiêm, đoạn vắt ngang qua Mai Chí Thọ, có giá đất mặt tiền nằm trong top 2 của khu đô thị mới này, vọt lên ngưỡng 167,2 triệu đồng mỗi m2, tăng 96,9% so với tháng 1/2017. Thời điểm giá đất tuyến đường này lên đỉnh là đầu quý II/2017, lập cột giá 263,78 triệu đồng mỗi m2.

Chiếm giữ vị trí top 3 là đường Mai Chí Thọ. Đây là một trong những cung đường quan trọng và đẹp nhất Thủ Thiêm, hiện có giá đất giao dịch 145,43 triệu đồng mỗi m2, tăng 89,8% so với quý đầu tiên của năm. Tuy nhiên, mức giá hiện nay đã hạ nhiệt đáng kể so với đỉnh 219,5 triệu đồng mỗi m2 vào tháng 4/2017, thời điểm diễn ra cơn sốt đất toàn TP.HCM.

Xem chi tiết tại đây.

Đầu tư và đầu cơ bất động sản, ranh giới mong manh

Tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam lần thứ I diễn ra cách đây không lâu, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, đang có sự nhìn nhận sai lệch về hiện tượng đầu cơ và khiến hiện tượng đầu cơ trở nên xấu xí, trong khi bản chất hiện tượng này không thực sự như cách nghĩ của mọi người.

Ông Nam cho biết, trên thị trường chứng khoán, một người mua sáng, bán chiều thì gọi là nhà đầu tư, trong khi nếu mua đi bán lại trên thị trường bất động sản lại bị gọi là đầu cơ.

“Nếu gọi đầu tư bất động sản là nhà đầu cơ, thì nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng không khác gì nhà đầu cơ. Tuy nhiên, điều quan trọng là vì sao nhà đầu cơ lại bị nhìn nhận một cách kém tích cực?”, ông Nam nêu quan điểm.

Bất động sản không thể thiếu các nhà đầu tư thứ cấp nhưng cần cảnh giác với hiện tượng lũng đoạn thị trường. Ảnh: Việt Dương.

Bất động sản không thể thiếu các nhà đầu tư thứ cấp nhưng cần cảnh giác với hiện tượng lũng đoạn thị trường. Ảnh: Việt Dương.

Theo ông Nam, nếu coi nhà đầu cơ là hiện tượng tiêu cực (dù chưa phân biệt một cách rạch ròi), thì nó chỉ xuất hiện khi hàng hoá trên thị trường không đủ và có một nhóm đối tượng người mua găm hàng nhằm đẩy giá.

“Tôi chỉ ghi nhận cơn sốt nhà đất đầu năm 2008 đầu cơ hoạt động mạnh, khi hàng hoá khan, đầu cơ đẩy hàng gom với giá hời và khách hàng ngay lập tức mua bằng bất cứ giá nào. Còn hiện nay, nguồn hàng của thị trường bất động sản Việt Nam đang rất dồi dào, không thiếu, cung đang lớn hơn cầu, nên có lẽ chưa thể nói xảy ra hiện tượng đầu cơ”, ông Nam nói.

Tương tự, theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, trong các sự kiện bán hàng của một số dự án gần đây, có nhiều khách hàng mua cùng lúc 10 - 20 căn hộ, thậm chí có người mua nguyên cả sàn căn hộ để bán lại. Tuy nhiên, những người này thực tế không hẳn là nhà đầu cơ, găm hàng, đẩy giá, bởi số lượng căn hộ họ mua rất ít so với lượng hàng dự án cung ra thị trường. Chẳng qua, họ đánh giá dự án có tiềm năng, nên đầu tư để sau này bán lại kiếm tiền chênh, hoặc để cho thuê lại trong tương lai. Những nhà đầu tư này là động lực tốt, kích thích cầu của thị trường tăng lên.

Xem chi tiết tại đây.

11 Nghị định, 40 thông tư được ban hành nhưng Luật Đất đai 2013 chưa tạo được "sức bật" cho thị trường

Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, Chính phủ đã ban hành 11 Nghị định, các Bộ ngành đã ban hành hơn 40 Thông tư, Thông tư liên tịch quy định chi tiết thi hành Luật. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn giới thiệu các nội dung mới của Luật Đất đai 2013 và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật đến các tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, qua tổng hợp báo cáo đánh giá 03 năm thi hành Luật Đất đai của các tỉnh, thành phố cho thấy hiện nay nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sử được khai thác và phát huy đầy đủ để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhiều nơi dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa vào sử dụng hoặc chậm đưa vào sử dụng, còn để lãng phí, hiệu quả sử dụng thấp. Việc giao đất, cho thuê đất, kể cả tại những vị trí có lợi thế, khả năng sinh lợi chủ yếu theo phương thức chỉ định, có trường hợp định giá đất để tính thu nghĩa vụ chưa phù hợp, gây thất thu cho ngân sách. Cơ chế tạo quỹ đất để đấu giá chưa được quan tâm thực hiện. Khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai còn cao…

Theo Thứ trưởng, các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hệ thống pháp luật chưa thật hoàn thiện, vẫn còn sự chồng chéo, không thống nhất trong quy định của pháp luật có liên quan; việc tổ chức thi hành pháp luật nhiều nơi chưa đúng, chưa đầy đủ; bộ máy tổ chức làm công tác quản lý nhà nước nhiều nơi chưa tương xứng với yêu cầu tổ chức triển khai thi hành pháp luật trên thực tế.

Xem chi tiết tại đây.

Cổ phiếu bất động sản: Kênh đầu tư "hot" năm 2018?

Quá trình phát triển từ vùng trũng giai đoạn 2008 - 2012 đi lên chính là thời điểm mà nền kinh tế và thị trường Việt Nam tích lũy thêm, để từ đấy đi vào một giai đoạn tăng trưởng mới, một chu kỳ mới. Để có thể giữ cho chu kỳ tăng trưởng mới này bền vững, thị trường cần có sự hỗ trợ và tỉnh táo từ tất cả các bên bao gồm nhà chức trách, các tổ chức tạo lập cùng tất cả các công ty, các nhà đầu tư.

Các nhà đầu tư nên xem xét cổ phiếu bất động sản của những doanh nghiệp có quỹ đất sạch.

Các nhà đầu tư nên xem xét cổ phiếu bất động sản của những doanh nghiệp có quỹ đất sạch.

Từ những bài học kinh nghiệm và việc phân tích diễn biến thị trường, việc đánh giá tổng thể chu kỳ kinh tế, chọn lựa một chiến lược đầu tư trung dài hạn là rất cần thiết để các nhà đầu tư trong và ngoài nước có được những giải pháp hữu hiệu, nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh doanh và góp phần lành mạnh hóa thị trường chứng khoán lẫn bất động sản Việt Nam. Ngoài ra, các nhà đầu tư nên xem xét cổ phiếu bất động sản, nhất là những cổ phiếu của những doanh nghiệp có quỹ đất sạch, bởi đây là một trong những điều kiện quyết định, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và sự ổn định của thị trường.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể sở hữu được một hình dung tương đối cho Việt Nam trong những năm tới, cụ thể là giai đoạn 5 đến 10 năm tiếp theo. Cùng với đó là bức tranh thị trường bất động sản và chứng khoán ngày càng trưởng thành, vững mạnh với sự tham gia của càng nhiều thành phần nhà đầu tư với những suy nghĩ, ý tưởng và góc nhìn đa dạng.

Sau giai đoạn tích lũy vừa qua, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự phát triển của một thị trường chứng khoán Việt Nam – trong một tâm thế bền vững cùng chu kỳ mới kéo dài.

Xem chi tiết tại đây.

Đặc khu kinh tế: Động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế

Gần 99% cử tri Vân Đồn được lấy ý kiến đồng ý với Đề án Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, với con số tuyệt đối gần 30.000 người. Thông tin này được đăng tải trên Cổng thông tin UBDN Quảng Ninh chưa lâu. Cử tri Phú Quốc cũng nhất quán quan điểm ủng hộ đề án đặc khu.

Không khó lý giải sự ủng hộ gần như tuyệt đối này của người dân trong vùng đề án, nhất là khi chính họ đang hàng ngày nhìn thấy sự đổi khác, với đường xá, công trình xây dựng sân bay, nhà ga… Chỉ tính riêng Vân Đồn, trong 9 tháng đầu năm 2017, Vân Đồn đã đón 930.000 lượt khách, vượt qua con số 900.000 lượt khách của năm 2016. Con số khách du lịch 9 tháng của Phú Quốc cũng vượt chỉ tiêu cả năm.

Nhưng, trên hết, họ tin vào viễn cảnh phồn vinh khi Vân Đồn, Phú Quốc trở thành đặc khu.

Một góc Phú Quốc.

Một góc Phú Quốc.

Trong các đề án thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người vào năm 2020 tại Vân Đồn là 5.000 USD, Bắc Vân Phong là 4.000 USD, Phú Quốc dự kiến là 5.300 USD. Đến năm 2030, mức thu nhập tại các khu vực này tương ứng là 12.500,  9.500 USD và 13.000 USD.

So với thu nhập bình quân đầu người của Vân Đồn năm 2016, 1.750 USD/người, các con số trên là giấc mơ chưa từng có.  Nhưng, sẽ không chỉ người dân Vân Đồn, Bắc Vân Phong hay Phú Quốc được hưởng lợi khi các vùng đất này trở thành đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt với những lợi thế vô cùng lớn từ cơ chế, chính sách và mô hình tổ chức bộ máy…

Xem chi tiết tại đây.

“Chết đứng” sau những cơn sốt đất vì chạy theo quy hoạch

Trở lại khoảng 7 năm về trước, khi tin đồn khu hành chính quốc gia sẽ được di dời về Ba Vì, giá đất tại đây đã lên cơn sốt. Nhiều đại gia, nhà đầu tư ồ ạt rót tiền triển khai dự án bất động sản và mua đất tại Ba Vì để đón sóng quy hoạch. Tuy nhiên, năm 2011, khi quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được công bố với trung tâm hành chính - chính trị quốc gia vẫn đặt tại Ba Đình, giá đất Ba Vì đã giảm mạnh. Nhiều người ôm đất ở Yên Bài, Tản Lĩnh (Ba Vì) không thể thoát hàng.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Chiến, Chủ tịch UBND xã Yên Bài cho rằng, tình hình mua bán đất trên địa bàn xã ảm đạm từ sau công bố quy hoạch Thủ đô. Hiện tại, không có người mua, đa số vẫn là người địa phương sử dụng. Những trường hợp mua trước đây giờ chấp nhận lỗ một nửa rao bán lại nhưng cũng chẳng có ai mua, nhất là khi có quy hoạch khu trồng chè lại càng ít người quan tâm.

Sau cơn sốt đất, Mê Linh ngổn ngang dự án bỏ hoang. Ảnh: Kim Đức.

Sau cơn sốt đất, Mê Linh ngổn ngang dự án bỏ hoang. Ảnh: Kim Đức.

Cũng theo dọc trục đường Láng - Hoà Lạc (Đại lộ Thăng Long), nhiều người ôm đất đang khổ sở vì mua đất chạy theo quy hoạch tại xã Đông Xuân (Quốc Oai), Tiến Xuân (Thạch Thất)...

Còn tại huyện Mê Linh, một thời là tâm điểm của cơn sốt phía Bắc Thủ đô chạy theo thông tin sáp nhập về Hà Nội và quy hoạch các con đường lớn được triển khai, nay cũng chỉ còn lại các khu đô thị ma.

Xem chi tiết tại đây.

Hà Nội: Chuyển hồ sơ 13 công trình vi phạm PCCC cho công an điều tra

Thực hiện kết luận phiên chất vấn tại kỳ họp thứ tư (đầu tháng 7/2017), UBND TP. Hà Nội vừa có báo cáo HĐND TP, trong đó có việc xử lý 79 chung cư vi phạm PCCC.

Theo đó, đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra định kỳ với các chung cư vi phạm 15 ngày một lần. Riêng với công trình do Công ty tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên làm chủ đầu tư thì kiểm tra 7 ngày một lần. 

“Cảnh sát PCCC thành phố đã cung cấp hồ sơ 13 công trình vi phạm cho Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội”, báo cáo nêu rõ.

Chủ đầu tư dự án chung cư New Horizon City, số 87 đường Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) đã bàn giao nhà cho cư dân vào ở khi chưa nghiệm thu PCCC. Ảnh: Trần Kháng

Chủ đầu tư dự án chung cư New Horizon City, số 87 đường Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) đã bàn giao nhà cho cư dân vào ở khi chưa nghiệm thu PCCC. Ảnh: Trần Kháng.

Đến cuối tháng 11, đã có 21/79 chung cư vi phạm  khắc phục xong. Còn 58 công trình chưa được nghiệm thu về PCCC, trong đó có 13 công trình của Công ty xây dựng số 1 Điện Biên. 

Với một số chủ đầu tư chây ỳ, cơ quan Cảnh sát PCCC tiếp tục củng cố hồ sơ chuyển cơ quan cảnh sát điều tra xem xét, xử lý.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top