Aa

ĐBQH kiến nghị giải thích từ ngữ rõ ràng hơn tại dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

Thứ Sáu, 25/10/2024 - 14:04

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được Quốc hội thảo luận tại Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 25/10. Nhiều từ ngữ được các đại biểu đề nghị làm rõ, để việc áp dụng được rõ ràng, thông suốt hơn.

Cần làm rõ "cụm công nghiệp" có phải một trong những khu chức năng hay không?

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) nêu ra vấn đề này tại phiên thảo luận. Theo đó, Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung giải thích khái niệm khu chức năng tại khoản 5, Điều 2 dự thảo Luật. Hiện khoản này chưa đề cập tới "cụm công nghiệp", trong khi loại hình đang hình thành và phát triển tại nhiều địa phương. Vì vậy, dự thảo cần làm rõ "cụm công nghiệp" có phải một trong những khu chức năng hay không để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tránh vướng mắc khi áp dụng luật trong thực tiễn.

ĐBQH kiến nghị giải thích từ ngữ rõ ràng hơn tại dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn- Ảnh 1.

Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) cũng kiến nghị cần giải thích từ ngữ tại Điều 2 rõ ràng hơn để đảm bảo sự đồng bộ giữa các luật. Cụ thể, bổ sung cụm từ "công trình thủy lợi" vào khoản 15 Điều 2 của dự thảo Luật: "Hạ tầng kỹ thuật là khung hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật chính của đô thị, nông thôn và khu chức năng, được xác định trong nội dung quy hoạch chung và quy hoạch phân khu gồm các trục giao thông, tuyến truyền tải năng lượng, tuyến truyền dẫn nước, hệ thống tưới tiêu, thoát nước, công trình thủy lợi và các công trình hạ tầng kỹ thuật phân theo tuyến".

Cùng góp ý về vấn đề này, Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) cũng đề nghị bổ sung hạ tầng kỹ thuật thủy lợi, bởi hệ thống thủy lợi không chỉ phục vụ tiêu thoát nước cho nông nghiệp, mà còn phục vụ tiêu thoát nước cho đô thị, khu công nghiệp…

Còn Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ) đề nghị bổ sung, sửa đổi điểm 9, Điều 2 về giải thích từ ngữ: Cảnh quan là không gian được xem xét nhiều hướng khác nhau như không gian xung quanh công trình kiến trúc, quảng trường, đường phố, hè, đường đi bộ, công viên, thảm thực vật, vườn cây, vườn hoa, đồi, núi, gò đất, đảo, cù lao, triền đất tự nhiên, đất bãi bồi, dải đất ven bờ sông, dải đất ven bờ biển, mặt hồ, mặt sông, kênh, rạch và không gian sử dụng chung khác.

Làm rõ hơn khái niệm "đô thị mới"

Theo Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc), khoản 2 Điều 2 của dự thảo Luật có nêu, đô thị mới là đô thị dự kiến hình thành trong tương lai theo định hướng được xác định tại quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị và nông thôn hoặc quy hoạch vùng hoặc quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương, được đầu tư xây dựng từng bước đồng bộ theo các tiêu chí phân loại đô thị, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính theo quy định của pháp luật. Nhưng vẫn cần quy định thêm về quy mô dân số tối thiểu phải đáp ứng yêu cầu, tiêu chí của đô thị loại V, phù hợp với từng vùng miền.

Theo Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội), nội dung của dự thảo Luật lần này đã tích hợp, giảm số lượng các loại quy hoạch, đơn giản hóa thủ tục lập phê duyệt, điều chỉnh các loại quy hoạch cũng như đẩy mạnh phân quyền cho các địa phương trong công tác lập và quản lý các loại quy hoạch. 

Đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung vào Điều 2 về giải thích từ ngữ định nghĩa rõ ràng về "khu vực nội thành, nội thị, ngoại thành, ngoại thị". Trong đó, đại biểu cho rằng "khu vực nội thành, nội thị" không đơn thuần là khu vực nằm bên trong ranh giới của đô thị, mà cần được định nghĩa là khu vực trung tâm, lõi của đô thị, có sự tập trung cao về dân cư, dịch vụ, hoạt động kinh tế và hạ tầng đô thị, là không gian có tính liên kết cao.

ĐBQH kiến nghị giải thích từ ngữ rõ ràng hơn tại dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Theo Đại biểu Nguyễn Phương Thủy, việc xác định khu vực nội thành, nội thị có tính liên kết cao sẽ giúp cho việc quy hoạch được thực hiện một cách toàn diện, thống nhất, thúc đẩy sự phát triển của hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị, có sự liên thông đồng bộ, kết nối cao, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ và tăng cường diện tích cho người dân đô thị. Đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển. Qua đó, thúc đẩy kinh tế đô thị tăng trưởng, tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập và nhiều tác động tích cực khác lên đời sống cư dân đô thị.

Liên quan đến khái niệm đô thị và nông thôn, Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) nhận xét, khoản 1 và khoản 3 Điều 2 Dự thảo Luật giải thích hai khái niệm này dựa trên mật độ dân số, lĩnh vực kinh tế là nông nghiệp hay phi nông nghiệp, tính chất trung tâm, vai trò thúc đẩy… 

Tuy nhiên, việc giải thích khái niệm như trên sẽ gây vướng mắc. Do trong thực tế, thành phố có nội thành, ngoại thành; thị xã có nội thị, ngoại thị; nông thôn cấp huyện cũng có đô thị. Cùng với đó, nhiều vùng nông thôn có mật độ dân số cao, tỷ lệ làm nông nghiệp cũng đã giảm dần, ở nhiều vùng nông thôn, cơ sở hạ tầng cũng như khả năng phát triển kinh tế rất tốt. Vì vậy, Đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, giải thích khái niệm đô thị, nông thôn để nhận diện rõ nét, tường minh hơn.

Làm rõ quy hoạch, tránh chồng chéo, không thống nhất trong hệ thống pháp luật

Đề nghị rà soát, bổ sung một số cụm từ tại một số quy định liên quan đến quy hoạch, Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái) cho biết, cần thiết bổ sung thêm cụm từ "quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh vào sau cụm từ "quy hoạch tỉnh", thành "cụ thể hóa phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội...", tại khoản 1, Điều 6 Dự thảo Luật.

Đặc biệt, tại khoản 5, Điều 7 của Dự thảo Luật, đại biểu đề nghị không quy định nội dung kế hoạch sử dụng đất, để đảm bảo phạm vi điều chỉnh của dự án Luật chỉ áp dụng với quy hoạch đô thị và nông thôn.

Theo đó, mối quan hệ với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia được quy định tại Luật Quy hoạch. Còn nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định tại Luật Đất đai để tránh chồng chéo, không thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Đề cập đến việc chuyển hóa các nội dung đơn giản, phù hợp với người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa hơn, Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cho rằng, việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về quy hoạch (Điều 36) là hết sức cần thiết, nhằm thể hiện tính dân chủ, công khai, minh bạch và hoàn thiện tốt nhất cho việc quy hoạch.

ĐBQH kiến nghị giải thích từ ngữ rõ ràng hơn tại dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn- Ảnh 3.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Tuy nhiên, quy hoạch đô thị và nông thôn mang tính chuyên ngành, nhiều thuật ngữ, bản vẽ… Trong khi, trình độ dân trí chưa có sự tương đồng, thì không phải người dân nào cũng có thể hiểu rõ. Chưa kể, việc tiếp cận quy hoạch của người dân vùng sâu, vùng xa còn hạn chế.

Do vậy, để có được quy hoạch tốt, đảm bảo sự đồng thuận của người dân, tránh việc hình thức trong lấy ý kiến, Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị, ngoài việc quy định việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về quy hoạch đô thị và nông thôn như dự thảo, cần xem xét bổ sung cơ quan, tổ chức lập quy hoạch có trách nhiệm phân loại các nội dung cụ thể cần lấy ý kiến; chuyển hóa các nội dung đơn giản hơn, xác định các vấn đề chính về hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội, nhà ở… gắn với địa bàn dân cư, để người dân có ý kiến.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến tham gia để hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội xem xét, thông qua./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top