Aa

ĐBQH Lê Hữu Trí: “Doanh nghiệp đối diện với điểm nghẽn pháp luật và đùn đẩy trách nhiệm của cán bộ thực thi công vụ”

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Năm, 02/11/2023 - 12:49

ĐBQH Lê Hữu Trí đề nghị Chính phủ cần tiếp tục có giải pháp tích cực tháo gỡ các nút thắt, nhằm khơi thông mọi nguồn lực về dòng vốn trong nền kinh tế, quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn với doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Đại biểu Lê Hữu Trí – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng trân trọng trong bối cảnh thế giới đầy khó khăn và thách thức, bức tranh chung nền kinh tế - xã hội nước ta mà biểu hiện rõ nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, đời sống của đại bộ phận nhân dân cả khu vực thành thị và nông thôn còn gặp nhiều khó khăn; một số lĩnh vực còn nhiều vấn đề để nhân dân bức xúc, lo lắng cần được quan tâm đúng mức.

Trên cơ sở nhận định những vấn đề còn tồn tại, Đại biểu Lê Hữu Trí kiến nghị 5 vấn đề:

Thứ nhất, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn về thị trường, dòng tiền, thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, chi phí sản xuất tăng cao, số doanh nghiệp giải thể, phá sản ngày càng tăng và báo động. Mặc dù thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt, ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, các chính sách đó đến với người dân và doanh nghiệp như thế nào, hấp thụ được bao nhiêu, tháo gỡ được những gì mới là vấn đề quan trọng. 

Trên thực tế, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động từ nhiều yếu tố cả bên ngoài lẫn bên trong nền kinh tế, nhất là những rào cản từ các điểm nghẽn của pháp luật, từ nhận thức về pháp luật và cách ứng xử đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền dẫn đến sự trì trệ là lực cản lớn nhất hiện nay cho sự phát triển cần sớm được khắc phục. 

Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục tập trung có các giải pháp tích cực tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn nhằm khơi thông mọi nguồn lực về dòng vốn trong nền kinh tế, quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với doanh nghiệp, nhất là vấn đề pháp lý, thị trường đầu ra, tiếp cận vốn; triển khai có hiệu quả các biện pháp kích cầu thương mại và du lịch trong nước. 

Thứ hai, cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ thực chất môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Tiếp tục xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm ổn định về sự phát triển lành mạnh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường xuất nhập khẩu. Đồng thời, có các chính sách có tính đột phá, tích cực thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn, nhằm phát huy vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong động lực phát triển của các nguồn lực, các lĩnh vực mà khu vực Nhà nước không làm hoặc không làm được. Công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn là điểm yếu của nền kinh tế, chưa đáp ứng yêu cầu để thu hút các ngành công nghệ tiên tiến và thúc đẩy liên kết có hiệu quả. Vì vậy, cần quan tâm các chính sách đột phá, tận dụng các cơ hội để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đa dạng hóa thị trường đối tác.

Về lâu dài, cần có các chính sách, giải pháp có tính chiến lược nhằm tăng tính độc lập, tự chủ, tăng cường và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, các ngành, các lĩnh vực và doanh nghiệp Việt Nam.

Trong lĩnh vực đầu tư công, cần xem xét ưu tiên tập trung nguồn lực tài chính quốc gia và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư, nhất là hợp tác công tư của nền kinh tế, nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chiến lược quan trọng quốc gia, hạ tầng giao thông liên vùng, hạ tầng đô thị, hạ tầng năng lượng xanh, hạ tầng số gắn với triển khai nhanh và hiệu quả quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh tạo tác động lan tỏa, tạo động lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế.

Hàng trăm dự án bất động sản trên khắp cả nước đang phải tạm dừng triển khai vì vướng mắc pháp lý. Ảnh minh họa: Reatimes

Vấn đề thứ ba, theo đại biểu Lê Hữu Trí, thời gian qua, nhiều dự án vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài giải ngân chậm, kéo dài thời gian thực hiện. Hàng năm, số chuyển nguồn ngân sách nhà nước lớn, thậm chí phát sinh thêm chi phí, gây lãng phí nguồn lực và giảm hiệu quả sử dụng vốn vay. Trong khi ngân sách phải đi vay để bù đắp bội chi và phải chịu lãi suất trả phí cam kết là một nghịch lý. Hiện nay và trong tương lai, việc huy động nguồn vốn vay ODA vay ưu đãi nước ngoài sẽ ngày càng khó khăn hơn với những điều kiện không thuận lợi về tài chính, lãi suất… Vì vậy, việc huy động, phân bổ và sử dụng vốn ODA cần phải được xem xét kỹ lưỡng, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn, tránh lãng phí và tạo gánh nặng nợ công. 

Thứ tư, đối với vấn đề năng suất lao động quốc gia tuy có cải thiện, nhưng theo đánh giá của đại biểu Lê Hữu Trí thì còn chậm và chưa có đột phá như kỳ vọng đang thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực. Đây là chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng tăng trưởng cũng như sức cạnh tranh của nền kinh tế, phản ánh chất lượng lao động, năng suất lao động, phát triển xã hội bền vững nhưng 3 năm liền chỉ tiêu này không đạt.

Vì vậy, Chính phủ cần đánh giá toàn diện tình hình và sớm có đề án chính sách tổng thể có tính chiến lược. Nâng cao năng suất lao động quốc gia gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng lao động trong các ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ cao, đòi hỏi trình độ cao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thu hút nhân tài.

Thứ năm, vấn đề tổ chức thi hành các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật là vấn đề còn nhiều tồn tại, gây nhiều bức xúc và giảm niềm tin của công dân đối với tính pháp chế của Nhà nước, pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đại biểu Lê Hữu Trí đánh giá, nhiều bản án của tòa án đã có hiệu lực thi hành nhưng chậm hoặc không thi hành, cần sớm có biện pháp xử lý nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân được bảo vệ theo quy định của pháp luật.

Báo cáo tại Quốc hội, ông Lê Thành Long - Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết: Hệ thống pháp luật của chúng ta cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Số lượng các vấn đề vướng mắc, bất cập là có như đã nêu ở trong báo cáo. Ví dụ như mâu thuẫn, chồng chéo ở tầm luật như Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2020 về xử lý thu hồi các dự án bất động sản hoặc ở tầm nghị định, chẳng hạn ngay trong bản thân Nghị định số 60 năm 2021 về tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Đây là những ví dụ tổ công tác cho rằng có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập.

Tuy nhiên cũng có những vấn đề theo chúng tôi nếu nghiên cứu một cách tổng thể các kiến nghị có phần chưa chính xác. Chẳng hạn như những kiến nghị liên quan đến quy định về nhóm dự án được chia thành dự án thành phần theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 và Nghị định 99 năm 2021 về quản lý thanh quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công thì phải tính toán thêm xem có chính xác hay không. Tuy nhiên cũng có những vấn đề báo cáo Quốc hội là nó thuộc về quan điểm và chính sách của chúng ta khi chúng ta xử lý các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể. Ví dụ có những đề xuất là phải sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 68 của Luật Đầu tư công quy định về thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm ở cấp nào do cấp ấy, nhưng ở địa phương thì do Hội đồng nhân dân quyết định và có một đề xuất rằng phải phân cấp nữa xuống cho các cấp dưới… 

Đối với những vấn đề đã phát hiện đề xuất ra, chúng tôi cũng đã ghi rất cụ thể trong kiến nghị đề xuất ở trong báo cáo trình Quốc hội và có các phương án xử lý đối với các dự án luật đã có trong chương trình. Ví dụ đất đai, kinh doanh bất động sản, nhà ở chúng ta sẽ cố gắng gói gém lại và xử lý đợt này. Đối với những cái chưa có trong chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2023 - 2024, đề nghị các bộ, các ngành chủ động đề xuất, đẩy nhanh tiến độ và đề xuất bổ sung đưa vào chương trình. Các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đẩy nhanh tiến độ đối với những việc đã có ở trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đồng thời đề xuất sẽ sửa đổi, bổ sung trong cuối năm 2023, đầu năm 2024.

Việc rà soát theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản, chúng ta phải tiến hành thường xuyên, rà soát và cố gắng hạn chế đến mức tối đa việc sửa đổi hoặc rà soát theo từng đợt như thế này… 

Cuối cùng, chúng tôi tiếp tục đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải tăng cường vai trò Hiến định của mình là giải thích các quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền. Đối với những kiến nghị khác của các đại biểu Quốc hội liên quan đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tăng cường năng lực, chúng tôi cũng đã có dịp báo cáo nhiều lần và xin tiếp tục được tiếp thu để tham mưu cho Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top