Đại biểu Nguyễn Hải Nam nêu thực trạng này trong phiên thảo luận tổ sáng 25/5 về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2022 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 2023.
Ông Nam dẫn chứng các đánh giá từ chuyên gia, cơ quan hữu quan, trong năm 2022 và đầu năm 2023 tình hình kinh tế - xã hội khá khó khăn, trong đó có đầu tàu kinh tế lớn là TP.HCM liên tục là địa phương dẫn đầu cả nước nhưng tăng trưởng GDP quý I vừa qua chỉ đạt 0,7%, trong khi tổng GDP cả nước chỉ đạt 3,32%.
Chính phủ đang hết sức nỗ lực trong điều hành, triển khai nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, Ngân hàng Nhà nước cũng đã cố gắng hạ mức lãi suất như thời gian qua. Tuy nhiên, khi tiếp xúc cử tri, đại biểu vẫn nhận thấy doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn.
Thực tế tồn tại nhiều vướng mắc về thủ tục vay vốn, các ngân hàng thương mại yêu cầu nhiều khoản phí, quy định nhỏ khác, như gợi ý mua thêm bảo hiểm.
“Có thể hôm trước nhân viên ngân hàng đã nhất trí giải ngân, nhưng hôm sau lại gợi ý doanh nghiệp mua thêm bảo hiểm, nếu doanh nghiệp không đồng ý thì gây khó khăn, không thể vay vốn”, ông Nam nói.
Liên quan tới vấn đề này, cuối tháng 3/2023, tại buổi họp báo định kỳ, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn triển khai thanh tra chuyên ngành và phát hiện một số sai phạm nhất định.
Ông Doãn Thanh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), năm 2022 đã thanh tra chuyên đề về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm. Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm nhất định, sau khi hoàn thành kết luận thanh tra, kiểm tra, sẽ công bố rộng rãi theo quy định.
Ông Doãn Thanh Tuấn cho biết, sau hơn 1 tháng Bộ Tài chính công bố đường dây nóng, Bộ đã tiếp nhận được 178 cuộc điện thoại và 218 email của công dân về vấn đề này. Việc xử lý thông tin kiến nghị phản ánh đang được thực hiện theo quy định chung của nhà nước, đã cử cán bộ trực tiếp tiếp nhận thông tin, phân loại thông tin phản ánh, đồng thời xác minh thông tin ban đầu.
Về vấn đề này, NHNN cũng đã yêu cầu các TCTD nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật tại Luật Các TCTD, Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản có liên quan; cung cấp các thông tin về sản phẩm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm… đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm và giải thích đầy đủ, rõ ràng về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm. Các TCTD không được tự ý kê khai thông tin cho bên mua bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm; nghiêm cấm hành vi “ép” khách hàng mua bảo hiểm.
Cũng theo Đại biểu Nguyễn Hải Nam, các vấn đề tồn tại liên quan nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp khó khăn, rủi ro cao, đã có tình trạng gây mất vốn của người dân dẫn đến gây bất ổn cho dòng vốn và kinh tế xã hội. Bên cạnh đó còn có tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, chưa đạt khối lượng Quốc hội phê duyệt cũng như tiến độ.
Về vấn đề đầu tư công, ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách trình bày báo cáo thẩm tra tại Quốc hội sáng 23/5 đã chỉ ra nhiều tồn tại trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đáng chú ý có vấn đề quản lý, sử dụng vốn đầu tư công:
Thứ nhất, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn Ngân sách Nhà nước (NSNN) chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương không phân bổ hết kế hoạch vốn được giao. Việc phân bổ, giao vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chưa bảo đảm tiến độ quy định tại Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 của Quốc hội. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của một số Bộ, ngành, địa phương chưa đạt mục tiêu; 31/51 Bộ và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 75% kế hoạch; tỷ lệ giải ngân dự án có vốn nước ngoài chỉ đạt 42,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Còn nhiều lãng phí do việc công bố chỉ số giá xây dựng tại các địa phương chậm, chưa sát với thị trường, là nguyên nhân dẫn đến các chủ đầu tư, nhà thầu không chủ động được trong quá trình triển khai dự án, công trình. Nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nhưng không thể triển khai do vướng mắc về quy hoạch, địa điểm, đất đai, giải phóng mặt bằng; điều chỉnh đơn giá, dự toán dẫn đến làm thay đổi hoặc phải điều chỉnh lại dự án.
Thứ hai, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội ban hành nhiều chính sách, giải pháp với thời gian thực hiện chủ yếu trong năm 2022 và 2023 nhằm mục tiêu nâng cao năng lực phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, Chính phủ và các Bộ, ngành chậm ban hành văn bản quy định chi tiết; dự báo, tính toán nhu cầu của một số chính sách chưa sát thực tế; triển khai một số chính sách chậm, kết quả không đạt như dự kiến. Đến ngày 31/12/2022, kết quả giải ngân các chính sách hỗ trợ mới đạt hơn 78,3 nghìn tỷ đồng (bằng 26% tổng số vốn). Cụ thể:
Chính sách hỗ trợ lãi suất (2%/năm) đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua hệ thống ngân hàng thương mại có kết quả triển khai rất thấp, đến cuối tháng 3/2023, số tiền hỗ trợ lãi suất chỉ đạt 327 tỷ đồng, tương đương 0,82% tổng nguồn lực.
Chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ đạt dư nợ 16.400 tỷ đồng, bằng 42,7% tổng quy mô chính sách, 4/5 chương trình, chính sách dự kiến không sử dụng hết 16.865 tỷ đồng/38.400 tỷ đồng nguồn vốn của chương trình.
Việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ, giao kế hoạch vốn của Chương trình cho một số nhiệm vụ, dự án đầu tư chậm; một số dự án không hoàn thành thủ tục đầu tư đúng thời hạn nên không được tiếp tục phân bổ nguồn vốn.
Đến cuối tháng 8/2022, Chính phủ mới trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (đợt 1) danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; điều chỉnh, bổ sung vốn ngân sách trung ương kế hoạch năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương và đến Kỳ họp thứ 5 mới trình Quốc hội đợt 3.
Thứ ba, việc triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) rất chậm và còn nhiều hạn chế, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình, gây lãng phí nguồn lực Nhà nước:
Đến tháng 10/2022, CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mới cơ bản hoàn thành việc ban hành văn bản hướng dẫn của Trung ương và đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục phân bổ vốn, giao dự toán, phê duyệt kế hoạch chi tiết, thẩm định dự toán để tổ chức thực hiện. Tỷ lệ giải ngân thấp, ước đạt 7,88% trên tổng kính phí là 1.041,195 tỷ đồng;
Sau hơn 1 năm Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về chủ trương đầu tư CTMTQG nông thôn mới có hiệu lực thi hành, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện. Chậm quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương; chậm phân bổ, giao kế hoạch và giải ngân vốn ngân sách trung ương; trong đó nguồn kinh phí sự nghiệp vẫn chưa được giao dự toán chi tiết.
Thứ tư, triển khai, giải ngân vốn đầu tư các dự án quan trọng quốc gia chậm, nhiều tồn tại, khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, làm lãng phí nguồn lực.
Đến ngày 31/01/2023, lũy kế giải ngân các dự án thành phần đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 chỉ đạt 46.871,8 tỷ đồng, bằng 70,7% tổng kế hoạch; giai đoạn 2021 - 2025 chỉ đạt 9.409,2 tỷ đồng, bằng 7,86% kế hoạch vốn.
Tiến độ triển khai và giải ngân các dự án thành phần thuộc Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành không bảo đảm quy định tại Nghị quyết số 53/2017/QH14 của Quốc hội, đến thời điểm 31/12/2022, mới giải ngân 16.697,647 tỷ đồng (đạt 73% kế hoạch).
Sáng 25/5, phát biểu tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói: "Ngày xưa thì bảo đầu tư công chậm do nằm ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhưng giờ đã phân cấp phân quyền rồi. Trước chất vấn Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đầu tư công là đúng, nhưng giờ thì không phải. Mong đại biểu Quốc hội giám sát ngay địa phương mình, địa phương nào chậm, bộ nào chậm".