Aa

ĐBQH: Vướng mắc thể chế đang "trói chân" doanh nghiệp

Thứ Hai, 04/11/2024 - 21:55

Tại Phiên thảo luận toàn thể tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, ĐBQH tiếp tục đề cập đến vướng mắc thể chế, đang "trói chân" cả doanh nghiệp tư nhân lẫn doanh nghiệp nhà nước.

Nghịch lý nguồn lực đầu tư công lớn nhưng chưa dẫn dắt được đầu tư tư nhân

Phát biểu tại Phiên thảo luận, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho biết, 2 tháng còn lại của năm 2024 và năm 2025 là thời gian vô cùng quan trọng, là thời gian về đích của cả nhiệm kỳ. Do đó, đại biểu rất tán thành với báo cáo của Chính phủ, cũng như những đề xuất của các đại biểu Quốc hội, đóng góp cho việc phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian về đích tiếp theo.

"Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất nỗ lực và quyết tâm, thể hiện được qua những kết quả hết sức khích lệ. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng, thời gian tới sẽ đạt được những chỉ tiêu đề ra, nếu đi đúng hướng và có những giải pháp đồng bộ", ông An nói.

ĐBQH: Vướng mắc thể chế đang "trói chân" doanh nghiệp- Ảnh 1.

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nêu ra nghịch lý nguồn lực đầu tư công lớn nhưng chưa dẫn dắt được đầu tư tư. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Trong đó, quan trọng nhất là vấn đề khơi thông điểm nghẽn về nguồn lực. Theo đại biểu Trịnh Xuân An, chúng ta đang dành một nguồn lực rất lớn của xã hội, của nhà nước để đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển xã hội. Trong đó, đã dành một nguồn lực đầu tư công rất lớn, khoảng 800.000 tỷ đồng để đầu tư về giao thông. Hay tới đây sẽ dành khoảng 60 tỷ USD cho đường sắt cao tốc.

"Chúng ta hay nói đến nguyên tắc đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, nhưng vấn đề là tỷ lệ phát triển tăng đầu tư tư đang ngày càng suy giảm", ông Trịnh Xuân An nói và nêu dẫn chứng: Hiện nay, tăng đầu tư tư mới đạt 7%, chỉ bằng một nửa so với giai đoạn trước.

"Nghịch lý là tại sao đầu tư công chúng ta đưa ra lớn mà không dẫn dắt được đầu tư tư?", đại biểu đặt vấn đề và đề nghị làm rõ được điểm nghẽn này để thúc đẩy hơn nữa đầu tư tư vào nền kinh tế.

Trong đó, cần phải lấy doanh nghiệp làm trụ cột, phải đầu tư cho hệ thống doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh những thông tin về doanh nghiệp gia nhập hay rút lui khỏi thị trường, thông tin doanh nghiệp hoạt động thực chất như thế nào, đóng góp thuế ra sao mới là vấn đề quan trọng, theo ông An.

Quyết liệt tháo gỡ điểm nghẽn thủ tục, cơ chế

"Hiện nay chúng ta có rất nhiều chương trình, đề án nhưng lại "nghẽn" ở chính thủ tục. Doanh nghiệp tư nhân có thể không cần tiền nhưng rất cần cơ chế", ông An nói về lý do khó thúc đẩy đầu tư tư nhân.

Đồng thời, đề nghị bộ, ngành quan tâm tháo gỡ về cơ chế. Ví dụ, để tăng tỷ trọng đầu tư tư đối với toàn xã hội, nên mạnh dạn giao cho các doanh nghiệp tư làm các công trình trọng điểm quốc gia lớn.

Vướng mắc trong quy trình thủ tục không chỉ "trói chân" doanh nghiệp tư nhân. Theo ông An, những doanh nghiệp nhà nước, kể cả những doanh nghiệp được xem là "sếu đầu đàn", dẫn dắt cũng đang vướng mắc rất nhiều trong câu chuyện thủ tục.

Nhắc đến chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB), đại biểu Trịnh Xuân An tán thành với phương án Chính phủ trình, và rất đồng tình với việc tăng vốn để đảm bảo chỉ số an toàn và sức mạnh cho ngân hàng nhà nước này. Tuy nhiên, vấn đề là, đằng sau việc tăng vốn cho VCB, chúng ta sẽ ứng xử như thế nào với hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước?

"Hệ thống ngân hàng nhà nước đang có sự tụt hậu về cả về tỷ lệ vốn, chỉ số an toàn vốn so với ngân hàng thương mại tư nhân. Tại sao ngân hàng tư nhân làm tốt mà những ngân hàng thương mại nhà nước lớn lại khó khăn trong việc tăng vốn? Lý do là họ gặp khó khăn trong quy trình thủ tục", ông Trịnh Xuân An chỉ ra.

Mở rộng ra, cả doanh nghiệp nhà nước cũng đang rất vướng mắc về quy trình, thủ tục. Vì vậy, đại biểu mong muốn, thời gian tới, các doanh nghiệp nhà nước sẽ được "cởi trói", có động lực, tiềm lực đóng góp cho kỷ nguyên vươn mình của đất nước.

Một nguồn lực khác chưa được khơi thông, nằm ở các dự án chậm trễ, hoang hóa. Đại biểu Trịnh Xuân An cho biết, Nghị quyết 78 của Quốc hội năm 2022 đã nêu danh mục 51 dự án đầu tư có vấn đề 13 dự án trọng điểm để chậm trễ; 19 dự án để hoang hóa; 880 dự án chậm đưa đất đai vào sử dụng.

"Vậy thì, trước khi hình thành văn hóa chống lãng phí trong người dân, trong doanh nghiệp, cần phải xử lý những dự án trong danh mục đã được Quốc hội chỉ ra. Điều này vừa có tác dụng cảnh tỉnh, vừa làm gương, vừa xử lý được vấn đề lãng phí nguồn lực tồn tại lâu nay. Chính phủ cần có chỉ đạo rõ ràng, rốt ráo việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội đối với những dự án này", ông An kiến nghị.

Đại biểu Đào Hồng Vận (Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên) cũng quan tâm đến vấn đề lãng phí của xã hội, đặc biệt là lãng phí ở lĩnh vực tư, nếu chúng ta không làm tốt việc cải cách thủ tục hành chính.

"Hiện tại rất nhiều dự án nhà đầu tư đang triển khai, nhưng không thực hiện được, không đưa vào khai thác được. Việc này là tồn tại gây lãng phí rất lớn đối với nguồn lực của xã hội", ông Vận nêu thực trạng và đề nghị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng phân cấp, phân quyền, làm rõ trách nhiệm và gắn liền với việc kiểm soát quyền lực và trách nhiệm công vụ.

ĐBQH: Vướng mắc thể chế đang "trói chân" doanh nghiệp- Ảnh 2.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Điểm nghẽn cơ chế, thủ tục cũng được đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) đề cập đến tại phiên thảo luận.

Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc, năm 2024 là năm nước rút, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết về kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.

Vì vậy, phải thẳng thắn nhìn nhận, vấn đề hạn chế trong thể chế, cơ chế đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, kinh tế của người dân. Đại biểu kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trong công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật. Kịp thời ban hành cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; giải pháp khắc phục điểm nghẽn ở thể chế đã được chỉ ra. Thường xuyên đánh giá chất lượng, hiệu quả các chính sách ban hành để kịp thời điều chỉnh.

Đặc biệt có cơ chế kiểm điểm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp với thực tế cuộc sống, cản trở phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm cho địa phương tổ chức thực hiện với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, địa phương hưởng"./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top