Mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng trong thời gian quan chưa thấy hiện tượng dự án bất động sản công bố giảm giá. Theo báo cáo mới đây của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, hiện nay, căn hộ trung cấp (2 phòng) có giá khoảng 2,5 tỷ đồng ( khoảng 35 triệu đồng/m2) cao hơn khoảng 20 lần so với thu nhập trung bình của các hộ gia đình, cá nhân có khả năng dành dụm được khoảng 8 - 12 triệu đồng/tháng. Căn hộ có giá vừa túi tiền khoảng 2 tỷ đồng trở xuống (25 - 30 triệu đồng/m2 ) và căn hộ nhà ở xã hội hầu như vắng bóng trên thị trường TP.HCM trong hai năm qua.
Còn theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, tại Hà Nội, 9 tháng qua, có gần 8.000 sản phẩm căn hộ chung cư mới được chào bán ra thị trường. Trong đó, các căn hộ bình dân tiếp tục chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng có tỷ lệ hấp thụ tương đối tốt.
Giá căn hộ phân khúc trung, cao cấp gần như đi ngang, phân khúc bình dân tăng nhẹ khoảng 3 - 5%, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng chưa có doanh nghiệp nào giảm giá bán. Nhiều dự án có nhu cầu thu hồi vốn đưa ra các giải pháp khuyến mại, hỗ trợ tiền vay, nhưng giá hầu như không biến động nhiều ở cả 3 phân khúc.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, bất động sản là một thị trường và giá do thị trường quyết định. Để giảm giá thì phải tăng cung. Trong đó, để tăng số lượng nhà giá rẻ, nhà ở xã hội thì phải có chính sách, đảm bảo nguồn cung cho đại đa số. Với nhà ở xã hội có giá từ 15 - 20 triệu đồng/m2, đã có đầy đủ cơ chế, chính sách, vấn đề là đẩy nhanh việc xây dựng các dự án.
Với nhà ở thương mại giá rẻ, khung giá 20 - 28 triệu đồng/m2, có diện tích dưới 45m2, Bộ Xây dựng cũng đã có đề xuất về cơ chế chính sách với mục đích tạo ra nguồn cung căn hộ vừa mức thu nhập để người dân có thể mua được.
“Đối với nhà ở thương mại thông thường, giá từ 30 - 45 triệu, do thị trường quyết định. Còn cách giải quyết là nguồn cung và minh bạch thông tin, làm sao thông tin từ nhà đầu tư tiếp cận trực tiếp tới người mua tránh qua đầu cơ và môi giới bất động sản trung gian”, ông Lê Quang Hùng cho biết./.