Aa

Đề nghị bỏ tục đốt vàng mã: Tin vui nơi cửa Phật

Thứ Năm, 22/02/2018 - 22:54

Có thể nói, công văn số 31 của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa ký ban hành là thông tin được nhiều Phật tử quan tâm bàn luận nhất nhân dịp đầu Xuân Mậu Tuất, khi mọi người còn đang chìm đắm trong không khí lễ hội, du xuân, đi lễ cầu may.

Có thể bạn quan tâm

Nội dung đáng chú ý nhất của Công văn là: Đề nghị Ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn chư tôn tăng ni trụ trì các tự viện (bao gồm: chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm phật đường) nhất là các tự viện là di tích lịch sử - văn hoá tổ chức lễ hội mang tính văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, văn hoá Phật giáo. "Đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam".

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Theo tôi, đây là Công văn mang tính cấp thiết, kịp thời, có giá trị “thời sự” rất cao, vì với nhiều người dân Việt Nam, “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Và chốn “ăn chơi” ấy thường là những cửa đình, đền, chùa, lễ hội, nơi gắn liền với các cơ sở thờ tự. Chưa kể, chỉ ít ngày nữa, là ngày Rằm tháng Giêng vốn được người dân quan niệm “Cúng cả năm không bằng cúng Rằm tháng Giêng”.

Do đó, tháng Giêng có thể coi là thời điểm mà người dân sử dụng, tiêu tốn nhiều nhất vàng mã vào các hoạt động tâm linh, tại các nơi thờ tự, từ gia tiên đến các đình, chùa, đền… Việc công văn ban hành vào ngay những ngày đầu năm, khi những chốn thờ tự bắt đầu mở cửa, khai hội đã khiến đông đảo dư luận cảm thấy phấn khởi, đồng tình. Vì với họ, việc đốt vàng, mã tại chốn cửa Phật từ lâu được coi như một “hủ tục” cần được chấn chỉnh, đưa vào nền nếp hoặc dần loại bỏ. Nhiều người cho rằng, cúng vàng mã vừa gây tốn kém, lãng phí, lại làm ảnh hưởng đến môi trường, gây mất an toàn cháy nổ. Việc nhiều gia đình kinh tế còn khó khăn, nhưng do mê tín dị đoan, hoặc tâm lý muốn “hoành tráng” cho tổ tiên nên phải “cắn răng” sắm những đồ vàng mã được làm cầu kỳ, theo đủ các mốt, giá trị hàng chục, thậm chí cả trăm triệu là tâm lý cần phải điều chỉnh lại.

Theo quan điểm của nhà Phật, chốn cửa Phật là nơi thanh tịnh, uy nghiêm, không nhận vàng mã. Nhưng do tập tục để lại từ lâu và nhận thức của đông đảo người dân nên hiện nay, hầu hết các chùa đều vẫn cho phép các Phật tử, du khách dâng vàng mã và xây riêng nơi để hóa. Vì vậy, việc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành công văn này được coi là bước “đột phá” để chấn chỉnh lại hoạt động tín ngưỡng chốn cửa Phật, trả lại nét đẹp vốn có nơi thâm nghiêm, thanh bạch này. Đồng thời, cũng tạo ra cho các Phật tử, du khách cái nhìn đúng đắn, tâm thế mới khi hành lễ, tránh việc gây lãng phí, ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, cũng có không ít các ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng đây là quyền tự do tín ngưỡng cá nhân, nếu pháp luật không cấm thì nhà chùa cũng không cấm được người dân đốt vàng, mã. Có ý kiến khác cho rằng đây là nét văn hóa cổ truyền từ bao đời nay, bây giờ đời sống người dân được nâng lên, tại sao lại bỏ đi? Thậm chí, có ý kiến còn yêu cầu Trung ương hội nếu cấm việc đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự của nhà Phật thì cũng nên cấm luôn các chốn này nhận tiền mặt của du khách!?!

Thực ra, các ý kiến trái chiều kể trên cũng ít nhiều có cơ sở và không dễ gì để ngay lập tức thuyết phục được họ. Có điều, cần phải hiểu thêm rằng, công văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ yêu cầu các cơ sở thuộc cấp hướng dẫn người dân không đốt vàng, mã tại nơi thờ tự do Giáo hội Phật giáo quản lý, chứ không phải cấm cúng, đốt vàng mã trong mọi hoạt động tín ngưỡng. Còn việc cúng tiền mặt, theo tôi hiểu, đó là do thói quen tiện tay “thả tiền mặt” của người dân với hi vọng cúng một đồng sẽ được phù hộ gấp nhiều lần, mà nhà chùa không có nhiều người hướng dẫn nên mới thành lộn xộn.

Đúng quy định, hầu hết các chùa chỉ có hòm công đức và mọi người đến nếu có lòng thành thì đặt vào đó, chứ nhà chùa không hề gợi ý, ép buộc. Tiền đó để tôn tạo, duy trì hoạt động của nhà chùa, hoặc để chùa đi làm từ thiện, chứ không hẳn là hoạt động kinh doanh. Người ta quen gọi đó là tiền “giọt dầu nén nhang”, nghĩa là người đi lễ Phật công đức chút tiền “trần” vào đó để nhà chùa sử dụng mua đèn, nhang duy trì hành lễ hàng ngày, nhất là vào các dịp lễ trọng.

Việc đốt vàng mã ở gia tiên, theo tôi, cũng cần được tuyên truyền, hướng dẫn và thực hiện ở mức làm sao vừa giữ được nét đẹp, truyền thống đạo lý nhớ ơn tổ tiên một cách thành kính, vừa bảo đảm tiết kiệm, an toàn. Đừng để xảy ra những trường hợp có gia đình phải “chạy ăn từng bữa” nhưng vẫn đua đòi, muốn “hoành tráng”, đi vay mượn để dâng những đồ lễ thật to, thật giá trị.

Trước cửa Phật hay ban thờ tổ tiên, tôi nghĩ, cái Tâm của mình vẫn là quan trọng nhất. Nếu thành tâm, chỉ cần chắp tay cầu khấn và cố nghĩ điều thiện, làm những việc thiện, là đủ. Đã quan niệm “trần sao âm vậy” thì cũng nên tin rằng, tổ tiên, Phật thánh nào chăng nữa cũng đều rất từ bi, đều muốn những điều tốt lành nhất đến với con, cháu. Nếu không có tâm sáng, nếu không sống hướng thiện, thì dù có cúng nhiều vàng, mã đến đâu, chắc chắn sẽ chẳng được thần linh nào phù hộ, ban cho những điều tốt đẹp. “Tự tu” bản thân mình, mới là điều quan trọng nhất, mới được nhiều người tôn trọng và mang đến cho điều tốt lành nhất, chứ không phải những đồ lễ lỉnh kỉnh, hoành tráng kia!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top