Aa

Đề nghị Chính phủ thanh tra toàn diện công tác phát triển NƠXH, tăng cường quản lý thị trường bất động sản

Thứ Sáu, 11/10/2024 - 14:14

Chương trình phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề cập, trao đổi về nhiều vấn đề "nóng" của thị trường bất động sản hiện nay.

Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thị trường bất động sản liên tục được triển khai

Trình bày báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin, thời gian qua, tổ công tác về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thị trường bất động sản của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hoạt động tích cực.

Trong đó, Tổ công tác đã chủ động làm việc với các địa phương và một số doanh nghiệp bất động sản, nhất là các doanh nghiệp lớn. Qua đó, nắm bắt thông tin, tình hình và rà soát đến từng dự án bất động sản cụ thể, trao đổi, hướng dẫn, giải đáp, giải quyết vướng mắc về pháp lý, quy hoạch... trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.

Cùng với đó, các Tổ công tác của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) đã khẩn trương, tích cực triển khai nhiều công việc, đảm bảo đúng kế hoạch. Điển hình đã tiến hành khảo sát thực tế và làm việc với 12 địa phương; công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố được tổ chức thực hiện chủ động, hiệu quả.

Đề nghị Chính phủ thanh tra toàn diện công tác phát triển NƠXH, tăng cường quản lý thị trường bất động sản- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Nhờ những tháo gỡ, giám sát kịp thời, thị trường bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2024 đã có dấu hiệu chuyển biến theo chiều hướng tích cực hơn. Mức độ quan tâm, tìm kiếm thông tin về bất động sản của khách hàng, nhà đầu tư tăng cao. Lượng giao dịch đối với loại hình căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền có xu hướng tăng, quý sau cao hơn quý trước và cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Nguồn cung bất động sản theo đó cũng có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ đẩy nhanh việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra tại một số tỉnh, thành phố; sớm báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét về việc mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về quy hoạch, thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và triển khai các dự án đầu tư NƠXH, thúc đẩy triển khai Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".

Tăng cường quản lý thị trường bất động sản

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận định, thời gian qua, thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi, nhưng vẫn còn khó khăn.

Trước hết là những bất cập trong vấn đề NƠXH, như thực trạng người có nhu cầu không thể mua do thủ tục phức tạp; tình trạng đầu cơ, chênh giá rất lớn giữa giá bán chủ đầu tư đăng ký với Nhà nước với giá bán thực tế.

Đồng thời, đối tượng mua bán, cho thuê NƠXH không phải là công nhân, người lao động, người có nhu cầu thực đối với loại hình nhà ở này, như thực trạng nhiều người nước ngoài thuê, sống trong các dự án nhà ở xã hội tại Bắc Giang, Bắc Ninh.

"Có ý kiến cho rằng, NƠXH trên thực tế được mua bán, trao đổi, cho thuê chủ yếu bởi những người giàu, thậm chí cả người nước ngoài, không phải công nhân, người lao động, người có nhu cầu thực đối với loại hình nhà ở này", báo cáo thẩm tra nêu.

Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ thanh tra toàn diện công tác phát triển NƠXH những năm qua để có giải pháp hiệu quả; nghiên cứu có biện pháp mạnh đối với vi phạm chính sách pháp luật về NƠXH.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề cập đến hoạt động đấu giá đất, với loạt phiên đấu giá tại các huyện ven Hà Nội gây xôn xao thị trường thời gian qua. Trong đó, một số cuộc đấu giá thu hút hàng nghìn hồ sơ tham dự, gấp hơn chục lần số lô đất được bán ra và trúng đấu giá cũng gấp hàng chục lần giá khởi điểm, rồi "bỏ cọc" sau khi trúng đấu giá. Tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai đẩy giá đất lên cao khiến cho việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ, theo ông Thanh.

Cùng với đó, là vấn đề tồn kho bất động sản đáng lo ngại, khi hàng nghìn căn nhà bị bỏ hoang hàng chục năm qua với tổng giá trị rất lớn. Nhiều khu đô thị mới tỷ lệ số căn hộ được sử dụng thấp. Trong khi người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ.

Ủy ban Kinh tế đánh giá, những bất cập trên đã tác động tiêu cực đến mặt bằng giá và thị trường nhà ở, có thể để lại hậu quả xấu đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, có ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần xác định đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt của xã hội, thay vì là hàng hóa mua đi bán lại kiếm lời, để đưa ra các giải pháp giải quyết phù hợp

Đề nghị Chính phủ thanh tra toàn diện công tác phát triển NƠXH, tăng cường quản lý thị trường bất động sản- Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đồng tình với những vấn đề của thị trường bất động sản hiện nay. Việc giá nhà chung cư, đất nền tại một số địa phương tăng cao đột biến, khiến nhiều người dân, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình, khó có cơ hội tiếp cận, gây ảnh hưởng đến nhu cầu về nhà ở của người dân, người lao động. Do vậy, rất cần tăng cường quản lý nhà nước đối với thị trường bất động sản.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng việc hướng dẫn thi hành các Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản còn chậm trễ. Đến thời điểm này, việc ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể ở cấp địa phương vẫn chưa đồng đều. Do đó, cần đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn này để đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả trong quá trình thực thi pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nhìn nhận, việc chậm ban hành văn bản sẽ dẫn đến thực thi pháp luật không đồng bộ, nên rất cần có sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp chính quyền để đảm bảo các luật mới được thực hiện một cách hiệu quả. Đối với tình trạng thừa cung ở một số nơi và việc xây dựng nhà ở chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, cần có những giải pháp để kiểm soát chặt chẽ số lượng nhà ở đang được xây dựng mới, nhưng cũng chú ý ngăn chặn xu hướng suy giảm của thị trường bất động sản./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top