Aa

“Nếu xóa chính sách miễn thị thực, lượng khách sẽ sụt giảm”

Thứ Sáu, 20/04/2018 - 17:02

Ông Kenneth Atkinson – Chủ tịch Grant Thornton Việt Nam - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cảnh báo: “Nếu Việt Nam xóa chính sách miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu, thì lượng khách đến Việt Nam sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng vì các nước khác đều tạo thuận lợi nhiều hơn về thị thực”.

Ông Kenneth Atkinson – Chủ tịch Grant Thornton Việt Nam - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch

Ông Kenneth Atkinson – Chủ tịch Grant Thornton Việt Nam - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch.

- Được biết, Hội đồng tư vấn Du lịch (TAB) lại vừa tiếp tục kiến nghị Chính phủ mở rộng chính sách về visa. Nội dung những kiến nghị này là gì và nguyên nhân nào khiến TAB đưa ra những kiến nghị này, thưa ông?

+ Nguyên nhân chính thúc đẩy TAB gửi các đề xuất cho Chính phủ liên quan đến việc tạo thuận lợi cho Visa - điều mà chúng tôi tin tưởng là một điều kiện quan trọng có thể giúp  tăng lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam.

Các đề xuất chính bao gồm khuyến nghị tăng số lượng các nước được miễn thị thực và đặc biệt cần bổ sung thêm Canada, Australia, New Zealand, Thụy Sĩ, Hà Lan và Bỉ; áp dụng miễn thị thực trong vòng 30 ngày; cho phép khách nhập cảnh trở lại trong vòng 30 ngày và thời gian áp dụng 5 năm thay vì phải gia hạn từng năm.

Chúng tôi cũng đề xuất bổ sung thêm các quốc gia đủ điều kiện vào danh sách được áp dụng Thị thực điện tử.

Lý do đưa ra các đề xuất này một phần là do việc miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu hiện tại chỉ có hiệu lực cho đến cuối tháng 6 và mối quan ngại của chúng tôi là việc miễn thị thực sẽ không được gia hạn. Mặt khác, chúng tôi đã vận động cho việc tạo điều kiện thuận lợi cho thị thực trong nhiều năm qua nhằm cố gắng thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam đuổi kịp một số nước láng giềng, đồng thời thu hút khách du lịch nước ngoài.

Trong khu vực ASEAN, với 24 quốc gia được miễn thị thực, Việt Nam có số lượng miễn thị thực thấp nhất, ngoại trừ Campuchia và Lào. Ngoài ra, khi đến các nước khác, du khách quốc tế thường được miễn thị thực 30 ngày, Việt Nam chủ yếu chỉ miễn thị thực cho khách du lịch trong 15 ngày và hạn chế du khách được miễn thị thực trở lại trong vòng 30 ngày.

- Theo ông, điều gì sẽ xảy ra nếu Việt Nam không tiếp tục miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu?

+ Kể từ khi 5 nước Châu Âu được miễn thị thực, mức tăng trưởng du khách trung bình từ 5 nước này đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Chúng ta đã thấy rõ những lợi ích từ việc miễn thị thực và chúng tôi tin rằng nếu xóa chính sách miễn thị thực thì số lượng khách đến sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng vì các nước khác tạo thuận lợi nhiều hơn về thị thực và du khách đến từ các nước đó muốn đi du lịch nhiều hơn 15 ngày tại các địa điểm họ lựa chọn.

Loại bỏ miễn thị thực sẽ là một bước lùi, sẽ gửi thông điệp xấu đến ngành du lịch nói chung và chắc chắn sẽ có tác động rộng hơn chứ không chỉ là 5 nước châu Âu.

- Thực tế thời gian qua, du lịch Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng khá tốt, ví dụ như năm 2017 đạt kỷ lục gần 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng gần 30%, vậy có cần thiết phải tiếp tục nới lỏng chính sách visa để thu hút khách quốc tế hay không, thưa ông?

+ Trong sự tăng trưởng mạnh mẽ của số lượt khách quốc tế đến Việt Nam thì lượng khách Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm trên 50% và thời gian lưu trú bình quân của hai đối tượng khách này là dưới 10 ngày, với mức chi tiêu bình quân chưa tới 1.000 USD/ người. Trong khi đó, khách du lịch từ châu Âu lưu trú trung bình 15 ngày hoặc dài hơn và chi tiêu trực tiếp bình quân của mỗi du khách nằm trong khoảng 1.300 USD. Khách du lịch đường dài đến từ Bắc Mỹ, Australia, New Zealand cũng vậy, lưu trú lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn.

Do có một số bất cập tiềm tàng trước mắt về mức tăng trưởng của ngành Du lịch xuất phát từ những hạn chế về kết cấu hạ tầng, đặc biệt là công suất của sân bay và các hãng hàng không, cũng như nguồn nhân lực, chúng ta cần cố gắng thay đổi cơ cấu khách du lịch quốc tế đến để hướng tới những thị trường có khả năng chi trả cao hơn như 3 thị trường nói trên, 5 nước châu Âu được miễn thị thực vào năm 2016 và các nước châu Âu còn lại.

Nghị quyết 08-NQ/TW đã xác định rõ là đến năm 2020, ngành Du lịch sẽ phải đạt mục tiêu đón khoảng 18,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế với giá trị xuất khẩu thông qua du lịch là 20 tỷ USD. Có nghĩa rằng chúng ta cần đạt mục tiêu giá trị xuất khẩu mỗi lượt khách là 1.080USD.

- Ngoài việc thu hút lượng khách quốc tế, chính sách visa cởi mở còn đem lại lợi ích gì cho một quốc gia, thưa ông?

+ Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) khẳng định rằng Du lịch và Lữ hành là lực lượng phát triển kinh tế thông qua nhiều kênh đa dạng và hết sức mạnh mẽ. WTTC liên tục tuyên bố rằng việc tạo điều kiện thuận lợi về thị thực sẽ làm tăng thêm từ 8-10% số lượt khách đến và chúng ta đã nhìn thấy điều này trong thực tế khi, chính sách miễn thị thực được áp dụng cho công dân của 5 nước châu Âu và số lượng khách du lịch của các quốc gia này đã tăng lên trung bình gần 20%.

Chúng tôi cho là hoàn toàn đúng khi nói  rằng Việt Nam đã có được những lợi ích nêu trên ở những mức độ nào đó, đặc biệt là kết quả của sự tăng trưởng mạnh mẽ của năm sau so với năm trước mà chúng ta đã thấy trong vòng 2 năm trở lại đây.

- Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top