Aa

Đến năm 2030 Thanh Hóa có 47 đô thị

Thứ Bảy, 01/04/2023 - 05:55

Theo Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045, Thanh Hóa có 47 đô thị các loại, đây là một trong những yếu tố quan trọng đưa địa phương này trở thành cực tăng trưởng mới của cả nước.

Chiều 31/3, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việc công bố Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có ý nghĩa rất quan trọng để các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân tỉnh Thanh Hóa biết được các nội dung cơ bản, cốt lõi của quy hoạch, từ đó thống nhất cao về nhận thức và hành động, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của quy hoạch, tạo động lực mới, khí thế mới thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đến năm 2030 Thanh Hóa có 47 đô thị
Toàn cảnh hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. (Ảnh: Viết Huy).

Trước đó, ngày 27/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045. Mục tiêu tổng quát là phấn đấu đưa Thanh Hóa trở thành trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn; dịch vụ logistics; du lịch; giáo dục đào tạo; y tế chuyên sâu; văn hóa và thể thao.

Đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, trở thành cực tăng trưởng mới, có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước.

Tỉnh Thanh Hóa là tỉnh thứ 4 trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quy hoạch được kế thừa quan điểm, định hướng phát triển của tỉnh tại Nghị quyết số 58 ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đây là mục tiêu phát triển có tính phấn đấu rất cao, đòi hỏi sự đoàn kết, ý chí khát vọng vươn lên của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.

Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 có nhiều nội dung quan trọng cho sự phát triển của tỉnh. Trong đó, quy hoạch về phương án phát triển đô thị là một trong những yếu tố quan trọng đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới của cả nước.

Cụ thể, theo quy hoạch, đến năm 2025 toàn tỉnh Thanh Hóa có 47 đô thị các loại; trong đó, có 1 thành phố là đô thị loại I, 2 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV, 43 đô thị loại V. Đến năm 2030, có 47 đô thị; trong đó có 1 thành phố là đô thị loại I, 2 đô thị loại III, 4 đô thị loại IV; thành lập mới 3 thị xã gồm Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương; 40 đô thị loại V. Phương án tổ chức lãnh thổ nông thôn được gắn với quá trình đô thị hóa của tỉnh và đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Đặc biệt, Thanh Hóa sẽ tập trung phát triển khu kinh tế Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm đô thị - công nghiệp và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước. Giai đoạn sau năm 2030 phát triển cửa khẩu quốc tế Na Mèo thành khu kinh tế cửa khẩu Na Mèo. Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện 8 khu công nghiệp theo quy hoạch được duyệt với tổng diện tích 1.424,2ha; phát triển mới 9 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.281,5ha.

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu sau năm 2030, phát triển mới thêm 2 khu công nghiệp với diện tích 872ha. Đến năm 2030, toàn tỉnh có 115 cụm công nghiệp với tổng diện tích 5.267,25ha. Giai đoạn sau năm 2030 gồm 126 cụm công nghiệp với tổng diện tích 5.893,65ha. Từ đó, sẽ tập trung phát triển Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp chế biến, chế tạo.

Đồng thời, về thu hút các dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, Thanh Hóa sẽ ưu tiên thu hút các dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao, các ngành kinh tế tri thức; thu hút các dự án có tính chất thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ các ngành kinh tế; thu hút các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đối ngoại, cảng biển, hạ tầng khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại lớn.

Ngoài ra, tỉnh cũng ưu tiên các dự án có tính lan tỏa sâu rộng giữa các vùng, miền, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, nâng cao thu nhập và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh; các dự án hạ tầng kết nối các khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn với những khu vực có vai trò động lực của tỉnh, dự án có tính chất dẫn dắt, tạo điều kiện để thu hút các dự án công nghiệp phụ trợ, công nghiệp năng lượng, các dự án tạo thành chuỗi liên kết trong sản xuất.

Mặt khác, tỉnh cũng phân bố không gian phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, truyền thống canh tác, chăn nuôi, đồng thời đề ra phương án bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; khai thác, sử dụng tài nguyên; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tỉnh cũng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trọng tâm là phát triển các mô hình trồng trọt và chăn nuôi quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, có sự liên kết chặt chẽ với chuỗi giá trị chế biến thực phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Đến năm 2030 Thanh Hóa có 47 đô thị
Đặc biệt, tại buổi công bố, được sự uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao quyết định phê duyệt Quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ cho lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Viết Huy).

Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhấn mạnh, đây là sự kiện rất có ý nghĩa, khẳng định khát vọng, tầm nhìn và mở rộng không gian, chỉ ra các động lực phát triển để Thanh Hóa khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, vững vàng trên hành trình trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.

Bên cạnh đó, ông Đỗ Trọng Hưng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của quy hoạch tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả trong thực hiện quy hoạch.

Các cấp, các ngành, các địa phương cần phối hợp tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng. Các chủ đầu tư sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính đột phá và sức lan tỏa lớn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top