Aa

Thanh Hóa: Doanh nghiệp đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn khi tiếp cận vốn

Viết Huy
Viết Huy hoanghuy1089@gmail.com
Thứ Năm, 23/03/2023 - 06:08

Đưa ra những giải pháp, kiến nghị và tìm hướng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh và tiếp cận tín dụng là những vấn đề mà hàng loạt doanh nghiệp tại Thanh Hóa quan tâm, đề xuất.

Thanh Hóa hiện có trên 27.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng gần 20.000 doanh nghiệp đang hoạt động và có phát sinh doanh thu. Năm 2022, có 3.712 doanh nghiệp mới được thành lập, đứng thứ 6 cả nước; có: 1.275 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động và có 1.209 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Tổng doanh thu của khu vực doanh nghiệp đạt 486.993 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước ước đạt 13.670 tỷ đồng, chiếm 45,6% tổng thu nội địa.

Tuy nhiên, các quy định về phòng cháy chữa cháy, lãi suất ngân hàng cao, khó tiếp cận nguồn vốn, thị trường bất động sản đóng băng... đang là những vấn đề khiến doanh nghiệp rơi vào khó khăn, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ dừng hoạt động hoặc phá sản.

Mới đây, tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh và tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá phối hợp với Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa tổ chức, nhiều đề xuất của doanh nghiệp được đưa ra nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Thanh Hóa: Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn được doanh nghiệp đề xuất
Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh và tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá phối hợp với Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa tổ chức. (Ảnh: Hoài Thu)

Ông Cao Thiện Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Sầm Sơn cho biết: Việc các ngân hàng nhất là ngân hàng thương mại liên tục thay đổi chính sách đã tạo nên rất nhiều vấn đề bất cập, các điều kiện cho vay quá chặt. Việc giảm lãi suất đã có nhưng vẫn đang ở mức cao nên còn gây nhiều khó khăn trong kinh doanh, sản xuất, với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay sẽ khiến chi phí doanh nghiệp đội lên rất lớn.

Ông Lê Hùng Mạnh, Giám đốc Công ty Liên doanh phân bón Hữu Nghị cho rằng, lãi suất ngân hàng ở mức 9 - 10% ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp nhỏ hầu như đều phải đi vay để đầu tư, vì thế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần sớm có những giải pháp giảm lãi suất.

Việc vay vốn để kinh doanh bất động sản hiện không còn thuận lợi như trước, Nhà nước thắt chặt các khoản vay cho kinh doanh bất động sản khiến cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không có đủ nguồn vốn để xây dựng.

Cùng với đó là vấn đề tiếp cận nguồn vốn. Đối với các dự án bất động sản đã trúng đấu giá đấu thầu, hiện nay phía ngân hàng chưa có cơ chế đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc giải ngân tiền nộp ngân sách bằng tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất trúng giá, đấu thầu, mà vẫn đang yêu cầu thêm tài sản thế chấp khác. Như vậy, ở đây chưa có sự thông suốt mối quan hệ ba bên trong việc vay mua bất động sản của người dùng; doanh nghiệp bất động sản vay tiền thực hiện dự án và ngân hàng tài trợ dự án.

Nhiều doanh nghiệp cũng đề nghị các ngân hàng cần nới rộng các điều kiện cho vay, tỷ lệ thế chấp tài sản vay, Nhà nước nên có cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp mạnh mẽ hơn.

Bên cạnh đó, hàng loạt doanh nghiệp đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác phòng cháy chữa cháy. Cụ thể, ông Trần Quốc Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khu công nghiệp Tây Bắc Ga, TP. Thanh Hóa cho rằng những khó khăn cũng như đề xuất các kiến nghị để UBND tỉnh Thanh Hóa vào cuộc nhằm chỉ đạo, tháo gỡ một số vấn đề cấp bách vấn đề “sống còn” đối với các doanh nghiệp tại khu công nghiệp mà nhất là khu công nghiệp Tây Bắc Ga hiện nay.

Khu công nghiệp Tây Bắc Ga là hợp phần của khu công nghiệp Đình Hương- Tây Bắc Ga doanh thu hàng năm 7.000 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước 200 tỷ đồng, với hơn 200 cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó có 193 cơ sở thuộc đối tượng quản lý về Phòng cháy chữa cháy.

Từ cuối năm 2022, khi lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tổng rà soát, kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy. Khu công nghiệp Tây Bắc Ga có 103 cơ sở không bảo đảm các tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy mới, theo quy định tại Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Cùng với bị xử phạt hành chính số tiền hàng trăm triệu đồng thì các doanh nghiệp hiện đang bị tạm đình chỉ và đình chỉ sản xuất từ cuối năm 2022 để khắc phục. Hiện nay, một số doanh nghiệp đã chấp hành xử phạt hành chính. Nhiều doanh nghiệp cũng đã xây dựng lộ trình, phương án để khắc phục nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn.

Những vướng mắc về công tác phòng cháy chữa cháy khiến các doanh nghiệp tại khu công nghiệp Tây Bắc Ga đang vô cùng bế tắc, chưa tìm được lối thoát để khôi phục sản xuất, kinh doanh. Với việc bị đình chỉ kéo dài, không chỉ khiến hàng trăm doanh nghiệp bị mất doanh thu, lợi nhuận, không thực hiện được nghĩa vụ đóng góp ngân sách với Nhà nước mà còn ảnh hưởng việc làm của hơn 5.000 lao động.

Thanh Hóa: Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn được doanh nghiệp đề xuất
Việc vay vốn để kinh doanh bất động sản hiện không còn thuận lợi như trước, Nhà nước thắt chặt các khoản vay cho kinh doanh bất động sản khiến cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không có đủ nguồn vốn để xây dựng. (Ảnh: Viết Huy)

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa thì cho rằng, sau 2 năm do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và hiện tại là suy thoái kinh tế, lạm phát nên ngành dệt may và da giày đang gặp rất nhiều khó khăn, đơn hàng bị cắt giảm nhiều, có thời điểm đơn hàng phải cắt giảm đến 60%. Số đơn hàng còn lại, đơn giá chỉ đạt 55 - 65%. Riêng ngành dệt may đang hết sức cố gắng để giữ việc làm ổn định, bảo đảm thu nhập cho người lao động.

“Nhưng vấn đề đặc biệt khó khăn nhất mà các đơn vị dệt may và da giầy đang gặp phải đó là do Nhà nước áp dụng các tiêu chuẩn về thẩm duyệt, nghiệm thu công trình phòng cháy chữa cháy thời điểm hiện tại còn rất nhiều bất cập. Trong khi các doanh nghiệp dệt may và da giầy chưa thể đáp ứng ngay được.

Việc không nghiệm thu được các công trình phòng cháy chữa cháy nên rất nhiều doanh nghiệp dệt may và da giầy đã bị cơ quan Công an các huyện, thị xử phạt hành chính về công tác phòng cháy chữa cháy và đình chỉ hoạt động. Dẫn đến các doanh nghiệp không đánh giá được tiêu chuẩn quy định để sản xuất hàng xuất khẩu, không ký được hợp đồng với những khách hàng số lượng hàng lớn có giá trị cao, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh”, ông Lâm cho biết.

Như vậy, các ý kiến phát biểu của hàng loạt doanh nghiệp tại Thanh Hóa hiện nay là những kiến nghị mang tính thực tế rất cần được các cơ quan từ Trung ương đến địa phương tìm cách tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top