Văn đàn của chúng ta luôn sôi động bởi những cuộc tiếp đón và chia tay với nhiều cây bút trẻ. Thông thường họ đến như một niềm hy vọng, được không ít người tranh nhau vị trí phát hiện đầu tiên tung hô bằng những lời khen rầm rộ. Rồi cái niềm hy vọng ấy chẳng kéo dài được bao lâu thì đã phải chia tay trong sự thất vọng, nhiều khi cũng lại quá đáng, của chính những người vừa hăm hở đón họ.
Thế là vô hình chung các nhà văn trẻ của chúng ta, khi bắt đầu có dấu hiệu nổi lên trên văn đàn, lập tức bị đặt giữa hai làn “đạn”. Hễ có một bên lăng xê, thì thể nào cũng có bên khác cố dùng mọi cách chứng minh người lăng xê là kẻ nhìn nhầm, trông gà hoá cuốc. Tai bay vạ gió khiến kẻ dại dột thò mặt ra trình làng trở thành nạn nhân bất đắc dĩ. Anh ta, hay cô ta, lập tức thành một cái bung xung cho các bậc công thần nện nhau, thoả nỗi ấm ức bấy lâu không tìm được cớ để xả ra, nhiều khi chả liên quan gì đến văn chương, nghệ thuật. Thậm chí nhân vật nhà văn trẻ nào đó, sau khi làm cái cớ cho cuộc tương tàn, sau khi nếm no nê những chiếc bánh vẽ đủ cho anh ta, hay cô ta, bội thực một thứ danh vọng hão huyền, hoàn toàn bị lãng quên trong cuộc đấu.
Đến đây xảy ra hai trường hợp.
Thứ nhất, nhà văn trẻ nào đó không rồ dại bởi lời khen, những ảo tưởng về hư danh thì cũng thối chí, đến mức có thể bị thui chột bởi những lời miệt thị cứ như đổ từ trên trời xuống.
Thứ hai, trường hợp này thường là hãn hữu, anh bạn, cô bạn nhà văn trẻ kia, nhận ra cái việc mình sáng tác với cái việc đánh đấm kia chả liên quan gì với nhau.
Trường hợp thứ hai báo hiệu một nhà văn thực thụ trước sau cũng khiến các bậc trưởng lão phải ngả mũ kính cẩn nhường chỗ cho kẻ hậu sinh khả uý. Tuy nhiên, như đã nói, trường hợp này hiếm lắm. Hàng chục năm, nhiều chục năm mới có nổi một vài người. Phần lớn rơi vào trường hợp thứ nhất. “Số nhiều trong văn chương thường là số bỏ đi” - Như có người nói, hoàn toàn không phải là một cách miệt thị, mà chỉ cho thấy cái nghề này nghiệt ngã vô cùng. Nghiệt ngã đến mức đi thì như trảy hội, vẻ mặt ai nấy hơn hớn, nhưng đến và ở lại chỉ lác đác vài người.
Nhưng vài người này luôn đáng để những bậc đàn anh - Hẵng chỉ xét riêng về tuổi tác thôi - Có lương tri nói với họ tất cả những gì được coi là kinh nghiệm tâm huyết cho một sự nghiệp. Họ cần không biết sợ điều đáng sợ nhất là phải một mình cô độc trên con đường chưa biết phía trước là gì. Họ nên tránh xa tất cả những cám dỗ được nguỵ trang khéo léo dưới vô số cái vỏ khiến người ta tưởng nhầm là danh tiếng. Họ nên tránh càng xa càng tốt những nơi mà mọi ý tưởng đều được phun phè phè ra đầu lưỡi. Họ phải biết thương xót, chứ không phải tức giận những người từ trên ghế nhà trường đã chỉ được dạy cách bắt chước và trích dẫn - Những người sẽ không bao giờ bỏ qua cho thái độ không biết nghe lời của họ - Thứ mà nhờ nó họ đáng được tôn trọng. Họ cần cảm thông với những người không có khả năng cảm thụ những gì ngoài khung thẩm mỹ quen thuộc.
Bởi vì cảm thụ cái đẹp luôn là năng lực thuộc về số ít, trời có cho mới có. Khi một tác phẩm nào đó của họ ra đời, họ phải chuẩn bị tốt để trụ vững trên đôi chân của mình trước những lời ban khen theo lối xoa đầu cũng đầy tính vụ lợi hoặc những lời nguyền rủa rất có thể không từ sự ác ý mà từ sự tự vệ. Điều cốt yếu nhất là họ phải tin vào con đường mình lựa chọn. Một khi có được khả năng đó rồi thì việc còn lại chỉ là họ có thể đi được bao xa. Mà điều này thì chỉ họ mới quyết định được. Nói khác đi họ phải thoát ra khỏi con đường nhiều người đang đi, đang tấp nập gặt hái, hỉ hả đánh quả hay hớn hở chia phần... để đi vào con đường riêng của họ không hứa hẹn điều gì ngoài chông gai và thất bại./.