Trong xã hội, nghề nào cũng cao quý, nghề nào cũng đòi hỏi người theo nó phải nỗ lực hết mình khi theo đuổi, mới mong gặt hái những thành quả mà mình có thể ngẩng cao đầu. Nhờ vào nghề để kiếm sống lương thiện đủ nuôi bản thân và gia đình, nếu có điều kiện giúp đỡ những người khác thì càng tuyệt và chỉ thế thôi, đã xứng đáng được vinh danh, được tôn trọng ở bất cứ đâu.
Sở dĩ tôi phải rào đón như vậy, bởi trên thực tế, một số nghề luôn nhận được nhiều mối quan tâm hơn của cộng đồng và tôi không muốn bạn đọc coi đó như một sự phân biệt về mặt đẳng cấp nghề nghiệp.
Tôi đang nói đến nghề giáo, với sứ mệnh dạy học, hoàn thiện nhân cách con người, chuẩn bị để họ có hành trang vào đời, và nghề y, nghề chữa bệnh, cứu sống và làm cho con người khỏe mạnh, lành mạnh hơn. Xã hội dành sự vinh danh lớn lao, đồng thời tri ân họ bằng cách gọi họ là thầy: Thầy giáo và thầy thuốc. Cho đến nay, hầu như chưa có thêm nghề nghiệp nghiêm túc nào (tôi không coi nghề thầy bói là nghiêm túc) khác nhận được sự vinh danh này. Điều đó cũng ẩn chứa theo những đòi hỏi nghiêm ngặt về mặt phẩm giá mà những người theo hai thứ nghề này phải có, phải “hơn người”, đôi khi là khổ hơn người, chẳng hạn về mức độ tu dưỡng bản thân, kiềm chế các ý thích cá nhân…
Nhiều việc, dù ai làm thì cũng không hay ho gì, nhưng người bình thường vẫn có thể làm, còn người thầy thì tuyệt đối không được. Chẳng hạn như hành động nhằm tới thỏa mãn sự bực tức, thù hận. Chẳng hạn như tham tiền, tham danh, tham quyền lực. Nhiều hành vi thông thường, đời thường, nếu người bình thường, người làm nghề khác có thể “trót lỡ” mà không bị xét nét, nhưng người thầy thì không được tha thứ. Chẳng hạn nói tục, nói dối, suồng sã trong tác phong sinh hoạt…
Tình cảm thuộc về trái tim, còn lý trí thì là công việc của cái đầu. Nghề làm thầy vừa cần lý trí tỉnh táo, sáng suốt để không lầm lẫn, vừa cần có một tình cảm dào dạt, nhiều lòng trắc ẩn, để tránh xa sự lạnh lùng, đồng thời tạo ra niềm đam mê sống cho người khác, những phẩm chất tưởng như mâu thuẫn nhau. Vì thế, từ xa xưa, hễ muốn làm thầy, thậm chí đã được gọi là thầy, đầu tiên người đó phải tự đánh giá mình xem có kham nổi với cái danh vị ấy không.
Người đó phải tự xét bản thân xem mình có “căn số” để đứng vào vị trí trang nghiêm ấy. Nếu cảm thấy không đủ sức, thì tốt nhất là lựa chọn công việc khác. Còn khi đã quyết theo đuổi nghề làm thầy, thì cũng là tự gắn mình vào những lời thề thành văn (như lời thề Hippocrates trong ngành y) và những lời thề không thành văn - Thề với chính lương tâm mình, thề nhân danh phẩm giá con người...
Khó lắm, khó lắm, khó vô cùng… là nghề làm thầy. Bởi dù làm gì, thì trước tiên mỗi chúng ta đều là một con người luôn yếu đuối trước vô vàn cám dỗ vật chất, cám dỗ danh vọng, cám dỗ quyền lực... Vì thế, ngoài nỗ lực cá nhân, thì nền tảng đạo đức xã hội, trách nhiệm của cộng đồng trước tương lai của chính mình, luôn là chiếc hoa tiêu, là cái vạch chuẩn để các thầy nhận ra giới hạn hành động của mình có được phép hay không mà dừng lại đúng lúc. Đạo đức xã hội là cái phanh hãm hành vi vượt chuẩn của mọi công dân, ngăn ngừa, hạn chế, không để họ lao xuống vực thẳm.
Hai sự kiện xảy ra gần đây đều liên quan đến những người làm thầy: Chuyện cô giáo Tuất bị học sinh đấu tố ở trường Tiểu học Sài Sơn B huyện Quốc Oai và việc Bệnh viện tâm thần Trung ương I trở thành nơi sử dụng ma túy của con nghiện. Rồi đây chắc chắn các cơ quan chức năng sẽ làm rõ mỗi hành động ấy đúng sai ra sao về mặt luật pháp. Nhưng nó trước hết nhắc tất cả chúng ta về sự trục trặc quá lâu và ngày càng nghiêm trọng của cái phanh hãm./.