Aa

Dịch bệnh “bủa vây“, môi giới bất động sản bỏ nghề đi làm shipper, bán hàng

Thứ Bảy, 29/05/2021 - 06:33

Nhân viên môi giới bất động sản phải bỏ nghề đi làm shipper (người giao hàng), bán quán ăn… vì ảnh hưởng của dịch bệnh.

Nhiều nhân viên môi giới bất động sản phải bỏ nghề đi làm công việc khác
Nhiều nhân viên môi giới bất động sản phải bỏ nghề đi làm công việc khác (Ảnh: Đại Việt).

Dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam đã khiến ngành bất động sản gặp nhiều khó khăn. Việc kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề.

Ông Nguyễn Vũ Trung, đại diện một doanh nghiệp bất động sản tại quận 2 (thành phố Thủ Đức, TP.HCM), cho biết, dịch bùng phát khiến công ty ông không thể dẫn khách đến các tỉnh lân cận để xem dự án. Nhiều khách hàng cũng hủy các cuộc hẹn trước đó.

"Bình thường, chúng tôi sẽ tập trung khách hàng ở trước cổng Thảo Cầm Viên, quận 1 để đi xuống Bà Rịa - Vũng Tàu hoặc Long An coi đất. Tuy nhiên, dịch bệnh có diễn biến phức tạp khiến chúng tôi phải tạm dừng các kế hoạch kinh doanh", ông Trung nói.

Theo ông Trung, kể từ đầu năm đến nay, doanh thu của công ty đã giảm khoảng 50% so với năm 2019 (thời điểm chưa bùng phát dịch Covid-19). Doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự, trả lại một phần diện tích văn phòng đi thuê và giảm nhiều chi phí vận hành khác.

Việc cắt giảm nhân sự tại các công ty bất động sản đã khiến nhiều nhân viên môi giới phải đi tìm công việc mới phù hợp hơn.

Hoạt động dẫn khách đi xem dự án của các công ty bất động sản bị ngưng trệ
Hoạt động dẫn khách đi xem dự án của các công ty bất động sản bị ngưng trệ (Ảnh: Đại Việt).

Anh Trần Thanh Bình (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM), chia sẻ, anh vừa nghỉ việc tại một công ty bất động sản do không đạt doanh số trong 3 tháng liên tiếp.

Mức lương cơ bản 4 triệu đồng/tháng và tiền hoa hồng nhỏ giọt khiến anh không đủ trang trải các chi phí sinh hoạt.

"Tôi đi làm shipper, giao hàng cho sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, tôi cũng lấy thêm hàng hóa, đồ ăn ở nhiều điểm kinh doanh online để giao cho khách. Mỗi ngày, tôi cũng kiếm được từ 300.000 - 350.000 đồng", anh Bình nói.

Theo anh Bình, dịch bệnh khiến lượng đơn hàng mua online của người dân tăng cao. Điều này giúp cho thu nhập của anh ổn định hơn so với công việc môi giới bất động sản.

Không chỉ có anh Bình, chị Phạm Thanh Thảo (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) cũng vừa nghỉ làm môi giới tại một công ty bất động sản trên đường Tên Lửa để phụ bán quán ăn cho người thân.

"Làm môi giới bất động sản lương 4,5 triệu đồng/tháng nhưng rất áp lực về doanh số. Nếu không môi giới thành công thì tôi cũng không có tiền hoa hồng. Trong khi dịch bệnh, lượng khách cũng giảm đi rất nhiều", chị Thảo nói.

Theo chị Thảo, chị đang phụ bán quán cơm với người dì ruột. Thu nhập mỗi tháng 7 triệu đồng nhưng chị được bao ăn, ở. Việc này giúp chị đỡ lo toan tiền phòng trọ, tiền ăn mỗi tháng.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, hàng loạt nhân viên môi giới bất động sản tại TP.HCM đang chuyển hướng công việc sang ngành nghề khác, khi mà đại dịch Covid-19 đang có xu hướng lây lan nhanh trong cộng đồng.

Nhân viên môi giới nghỉ việc thường chọn những công việc như giao hàng, chạy xe ôm công nghệ, bán hàng hoặc kinh doanh nhỏ… Họ chọn những công việc này để tránh những bấp bênh về thu nhập trong ngành bất động sản.

Công việc khác mang lại nguồn thu nhập ổn định hơn nghề môi giới bất động sản trong hoàn cảnh hiện nay
Công việc khác mang lại nguồn thu nhập ổn định hơn nghề môi giới bất động sản trong hoàn cảnh hiện nay (Ảnh: Đại Việt).

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNRea) cho biết, dịch Covid-19 khiến cho các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về dòng tiền bởi việc tổ chức mở bán dự án bị hoãn liên tục và nhu cầu thị trường sụt giảm mạnh.

Theo thống kê của VNRea, trong năm 2020, 80% sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động, không phát sinh giao dịch vì Covid-19. Nhiều cá nhân môi giới thất nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp địa ốc chỉ giữ lại khoảng 50% cán bộ, nhân viên để duy trì hoạt động. Tính đến cuối năm 2020, có tới 1.272 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng hơn 117% so với cùng kỳ năm trước.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top