Tại một hội thảo về cơ hội đầu tư bất động sản diễn ra cuối tuần qua tại TP.HCM, các chuyên gia cho rằng, khoảng cách về mức độ hấp dẫn giữa TP.HCM so với các khu vực lân cận thời gian qua đã rút ngắn lại. Trong đó, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, hay xa hơn là Bình Thuận được dự báo sẽ đóng vai trò “đầu tàu” của thị trường địa ốc phía Nam sắp tới. Sức hấp dẫn của các khu vực này trước hết nhìn vào dòng vốn của các đại gia địa ốc đang đổ vào.
Những tên tuổi lớn trong và ngoài nước như Amata (Thái Lan), VinaCapital (Singapore), DFLC, Novaland, Hưng Thịnh, Nam Long... đều đã hiện diện ở các khu vực này.
Quan sát thực tế cho thấy, đa số dự án của các chủ đầu tư này đều gắn với các yếu tố đón đầu hạ tầng và sông nước. Đơn cử, Tập đoàn Novaland vừa chi hàng ngàn tỷ đồng để mua lại quỹ đất có quy mô hàng trăm héc-ta tại xã Long Hưng, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai từ Công ty Dona Coop để triển khai thành dự án kiểu mẫu Aqua City. Điểm mạnh của dự án này là được bao bọc bởi dòng sông Sài Gòn, có tuyến đường kết nối với cao tốc để vào TP.HCM, thuận lợi để Novaland phát triển thành dự án vừa phục vụ nhu cầu để ở, kết hợp với yếu tố nghỉ dưỡng.
Liền kề với dự án Aqua City, Tập đoàn Nam Long cũng vừa tiết lộ mua lại 70% cổ phần từ Keppel Land với giá trị 2.300 tỷ đồng, để qua đó triển khai đầu tư 170ha của dự án Dong Nai Waterfront City tại TP. Biên Hòa, Đồng Nai. Tương tự, cũng tại Đồng Nai, Tập đoàn Amata đã dành hơn 2,6 tỷ USD phát triển dự án Amata City Biên Hòa có quy mô lên đến 700ha…Tất cả các dự án này đều đã triển khai, dự kiến sẽ bung hàng trong năm 2020.
Dấu ấn về cuộc đổ bộ vốn vào thị trường Đồng Nai đáng chú ý gần đây nữa là các thương vụ đấu giá quỹ đất khu vực Long Thành, nhằm đón đầu dự án sân bay Long Thành của các đại gia địa ốc. Đơn cử, vụ đấu giá khu “đất vàng” 92ha gần khu vực dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đã thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Với giá khởi điểm 1.645 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh Bất động sản Hà An (phường An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đã trúng đấu giá với số tiền gần 3.060 tỷ đồng. Điều đáng chú ý, sân sau của Hà An không ai khác chính là Tập đoàn Đất Xanh, doanh nghiệp nắm đến 99,99% vốn điều lệ của Hà An.
Hay trước đó là vụ đấu giá khá gay cấn đề tranh giành lô “đất vàng” 49ha tại xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với giá khởi điểm 612,5 tỷ đồng. Kết quả, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi (thành viên của Kim Oanh Group) đã trúng đấu giá với mức giá gần 1.270 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi so với giá khởi điểm…
Không chỉ tại Đồng Nai, các địa phương khác như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận thời gian qua cũng chứng kiến hàng loạt thương vụ “săn” quỹ đất. Điển hình như “ông lớn” Novaland mua lại dự án của Tập đoàn Trung Thủy để phát triển dự án Nova World Hồ Tràm tại Bà Rịa - Vũng Tàu; mua dự án hơn 1.000 ha tại Bình Thuận để phát triển thành đại đô thị Nova World Phan Thiết.
Ngoài ra, đáng chú ý gần đây là sự xuất hiện của một doanh nghiệp trong ngành giải khát, Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Khá nhiều vụ đấu giá quỹ đất gần đây đều có sự tham gia của tập đoàn này. Mới đây, ông Trần Quí Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã tham gia đấu giá và trúng đấu giá quyền sử dụng 18.165m2 đất ngay trung tâm TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với giá trúng 394 tỷ đồng.
Được biết, ngoài khu đất này, thời gian qua, Tân Hiệp Phát đã âm thầm thu gom rất nhiều lô đất khác tại Bà Rịa - Vũng Tàu với quỹ đất sở hữu lên đến hàng trăm héc-ta. Hay hàng loạt đại gia địa ốc khác như Hưng Lộc Phát, Danh Khôi… cũng đã và đang âm thầm có những cuộc thu gom quỹ đất tại các địa phương phụ cận này.
Theo phân tích của các chuyên gia, nhìn vào dòng vốn của các doanh nghiệp địa ốc, có thể đoán định được, trong năm 2020 và những năm kế tiếp, khu vực các vùng phụ cận trên sẽ có sự bùng nổ lớn về nguồn cung. Hạ tầng giao thông sẽ trở thành “sợi chỉ đỏ” kết nối liên vùng, cùng với sự tham gia của các chủ đầu tư chuyên nghiệp, sẽ tạo nên một bức tranh sáng màu hơn cho thị trường địa ốc vùng phụ cận.