Aa

Dự án phân lô, bán nền không phép bủa vây vùng ven TP.HCM

Chủ Nhật, 07/07/2019 - 14:01

Dự án phân lô, bán nền không phép bủa vây vùng ven TP.HCM; Tranh chấp chung cư: “Lùi một bước” để sống vui... là những tin tức nổi bật 24h qua.

Dự án phân lô, bán nền không phép bủa vây vùng ven TP.HCM

Gần đây, nhiều người đang bị thu hút sự chú ý vào những thông tin quảng cáo về “Dự án Triều An” của Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư Angel Lina (có trụ sở tại số 22B Phùng Khắc Khoan, phường Đa Kao, Quận 1). Dự án này nằm khuất sâu trong khu vực cây cối um tùm, nền đất thô được rải đá dăm tại cuối hẻm 26/19 đường Lâm Hoành ở phường An Lạc, quận Bình Tân.

Trên mạng internet, nhiều trang thông tin đang rao giá trên 1 tỷ đồng mỗi lô đất có diện tích từ 50m2 đến 88m2 ở dự án này và giao dịch dưới hình thức góp vốn. Không ít người đã nhanh chóng xuống tiền mua đất. Tuy nhiên, thực tế khu đất này đang được quy hoạch, chuẩn bị triển khai dự án công viên kết hợp hồ điều tiết chứ không có dự án nào được cấp phép như quảng cáo.

Các dự án phân lô, bán nền không phép ở một số quận vùng ven TPHCM “đánh bẫy” khách hàng đang tăng về số lượng và công khai quảng cáo.

Các dự án phân lô, bán nền không phép ở một số quận vùng ven TPHCM “đánh bẫy” khách hàng đang tăng về số lượng và công khai quảng cáo.

Là một khách hàng đã “sập bẫy” mua đất tại dự án Triều An theo lời quảng cáo, khi biết đây là dự án “ma”, ông Cao Văn Khải, người dân Quận 3 nói: “Hiện nay khu vực đất quy hoạch có một số đối tượng tự san lấp mặt bằng, sau đó đăng trên mạng để rao bán. Người dân như tôi nhiều khi không hiểu biết, ham rẻ mà mua thì dẫn đến tiền mất, tật mang rất tội nghiệp”.

Trong một thông báo mới đây, UBND quận Bình Tân nêu thực trạng rằng, thời gian qua, một số đối tượng đã giới thiệu, quảng cáo, rao bán các dự án đất nền trên các trang mạng, phát tờ rơi, các dịch vụ môi giới bất động sản, “cò đất”… qua hình thức lập vi bằng, hợp đồng góp vốn đối với các dự án phân lô không đúng quy định pháp luật. Các đối tượng này hứa hẹn, nếu đặt tiền “cọc” từ 50 triệu đến 400 triệu đồng, trong 6 đến 12 tháng sẽ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở.

Chỉ riêng tại quận Bình Tân đã có 9 khu đất được quảng cáo là dự án đất nền, nhà ở nhưng thực chất không có pháp lý và đang có dấu hiệu phân lô trái phép bán cho người dân. Những khu đất này thuộc các phường: An Lạc, Tân Tạo, Tân Tạo A, Bình Hưng Hòa A, Bình Hưng Hòa B, Bình Trị Đông A.

Xem chi tiết tại đây.

Tranh chấp chung cư: “Lùi một bước” để sống vui

Luật sư Trần Bình, Công ty Luật Trần và liên danh (Hà Nội) cho biết, hiện Luật Nhà ở 2014 cũng như các văn bản liên quan đều đã quy định các nội dung cơ bản về giải quyết tranh chấp tại các chung cư. Trên thực tế, có thể nảy sinh một số tranh chấp mang tính tình huống nên có thể gặp một số vướng mắc. Tuy nhiên, theo ông Bình, tất cả các bên, thay vì sử dụng những biện pháp tiêu cực để ứng phó với nhau, thì nên dùng công cụ pháp lý để bảo vệ quan điểm, lợi ích của mình.

"Với mỗi vấn đề mâu thuẫn cần phải xem xét kỹ lưỡng dưới góc độ pháp lý, hợp đồng và cam kết giữa các bên. Nếu mọi việc để xử lý theo cảm tính thì tôi cho rằng, cuộc chiến này sẽ dai dẳng và khó có hồi kết, bởi trong khi chủ đầu tư có cái lý về mặt lợi ích kinh tế, thì cư dân khi đứng ở tâm thế là 'thượng đế' nên cũng luôn mong muốn được đáp ứng mọi yêu cầu", ông Bình nhận định.

Không chỉ xây dựng những dự án, nhiều chủ đầu tư chú trọng xây dựng môi trường sống an lành cho cư dân. Ảnh: Lê Toàn

Không chỉ xây dựng những dự án, nhiều chủ đầu tư chú trọng xây dựng môi trường sống an lành cho cư dân. Ảnh: Lê Toàn

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, về mặt pháp lý hiện nay, nói là chưa đầy đủ cũng đúng, nhưng nói là đầy đủ cũng đúng. Luật Nhà ở 2014 lẫn Nghị định 99/2015, thông tư hướng dẫn đã quy định tương đối cơ bản các nội dung về giải quyết tranh chấp tại các chung cư. Tuy nhiên, nhiều vụ tranh chấp hiện nay vẫn chưa giải quyết được. Lý do là bởi, đây không phải là vấn đề pháp lý, mà là vấn đề xử lý tình huống giữa các bên.

Do đó, để giải quyết tình trạng căng băng rôn ở các khu chung cư, các văn bản pháp luật về chung cư có thể phải quy định chi tiết hơn. Ngoài ra, công tác tuyên truyền về văn hoá chung cư cũng cần phải làm ngay.

Xem chi tiết tại đây.

Khó khăn của thị trường bất động sản có thể kéo dài đến hết năm nay

“Có vẻ chúng ta đang đối mặt với một giai đoạn khó khăn và tôi nghĩ có thể kéo dài đến hết năm nay”, nguyên thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Trần Nam thông tin tại sự kiện mới đây.

Theo ông Nam, nền kinh tế nước ta phát triển nhưng còn nhiều thách thức, thị trường bất động sản vì thế cũng bị ảnh hưởng.

Từ năm ngoái, những cảnh báo đối với thị trường bất động sản đã được đưa ra khi mà dòng tiền vào bất động sản giảm đáng kể. Cuối năm 2018 đến nay, theo ông Nam cấp độ tăng trưởng tín dụng vào thị trường là âm; dư nợ tuyệt đối của bất động sản đã giảm.

Chưa kể, mới đây dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của Ngân hàng nhà nước là sử dụng vốn vay ngắn hạn cho vay trung hạn, kiểm soát chặt chẽ khoản vay tiêu dùng vào bất động sản có giá trị 3 tỉ đồng trở lên. Điều này có nghĩa là dòng tiền vào bất động sản bị kiểm soát ngày càng chặt chẽ từ tín dụng ngân hàng.

Bên cạnh đó, khó khăn của thị trường bất động sản còn xuất phát từ việc kiểm tra, rà soát các quy định của luật pháp về đất đai, về quy hoạch diễn ra ở hầu hết các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và chưa có kết luận. Lan rộng ra các tỉnh thành khác như Phú Quốc, Cần Thơ, An Giang… khiến thị trường bất động sản các khu vực này cũng chậm so với trước.

Xem chi tiết tại đây.

Những phân khúc sôi động nhất trong quý II/2019

Tính đến tháng 6, thị trường đất nền tiếp tục ghi nhận những biến động đáng chú ý ở một số điểm nóng quen thuộc. Báo cáo của Batdongsan.com.vn cho hay, tại TP.HCM đất thổ cư quận 9 đã tăng 6 - 7 triệu đồng/m2 so với đầu năm. Cụ thể, đất thổ cư pháp lý đầy đủ trên tuyến Nguyễn Xiển, Phước Thiện, Nguyễn Văn Tăng được giao dịch ở tầm giá 47 - 60 triệu đồng/m2. Khu vực phường Hiệp Phước đoạn Lê Văn Việt, quốc lộ 50, giao dịch thật rơi vào khoảng giá từ 65 - 70 triệu đồng/m2.

Tại khu vực miền Trung, Bắc Vân Phong (huyện Vạn Ninh) trở thành tâm điểm khi UBND tỉnh Khánh Hòa ra văn bản gỡ lệnh tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất trên địa bàn. Theo đó, thị trường có sự góp mặt của giới đầu tư đến từ Hà Nội, TP.HCM. Các giao dịch xuất phát từ đội, nhóm đầu tư chủ yếu tập trung ở đất đấu giá, tái định cư - những lô đất quy hoạch, pháp lý rõ ràng, tọa lạc ở những vị trí đẹp của Vạn Ninh. Số lượng giao dịch không nhiều, giá giao dịch cũng không hề tăng như đồn thổi mà có xu hướng trở về giá trị thực như thời điểm khi chưa có "bão đất". 

Hiện đất tái định cư khu vực Hải Triều được chào bán từ 14 - 14,5 triệu đồng/m2, tái định cư Đại Lãnh giá từ 7 - 10 triệu đồng/m2… Nhiều lô đất lớn ở Vạn Ninh, trong đó có 1 phần đã được lên thổ cư, giá chào bán từ 3 - 4 triệu đồng/m2; đất tại Vạn Hưng giá chào bán từ 2 - 3 triệu đồng/m2…

Thị trường phía Bắc ghi nhận sự tăng giá của đất nền Quảng Ninh, những lô đất ở ngã 3 mặt cảng Tuần Châu, giá giao dịch đạt từ 52 - 53 triệu đồng/m2. Những lô đất vị trí đắc địa cạnh quốc lộ 18A, gần bến xe Bãi Cháy thuộc phường Hà Khẩu, giá đã tăng lên 27 - 30 triệu đồng/m2. Những lô có vị trí đẹp tại phường Giếng Đáy, giá cũng tăng từ 21 - 22 triệu đồng/m2 lên 24 - 26 triệu đồng/m2… Ngoài ra, một số địa phương như Hải Phòng, Bắc Giang… đất nền cũng rục rịch tăng giá.

Xem chi tiết tại đây.

Nhiều trường học sử dụng đất sai mục đích được phê duyệt

Mới đây nhất, báo phapluatnet.vn phản ánh trường Đại học Bách Khoa Hà Nội dù được giao đất để thực hiện vào mục đích giáo dục, nhưng nhiều diện tích đất lại được dùng làm ki ốt cho thuê.

Cụ thể, từ khi đường Trần Đại Nghĩa hoàn thành vào năm 2007, phần diện tích đầu hè của hai khối nhà ký túc xá B6, B7 đất của Đại học Bách khoa Hà Nội được Ban giám hiệu xây dựng thành những ki ốt để cho thuê mở quán cà phê, quán nhậu.

Hàng loạt quán cà phê, quán ăn nằm trên đường Trần Đại Nghĩa, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đối diện cổng Đại học Bách Khoa Hà Nội. Phần diện tích đất này được UBND Thành phố Hà Nội quy hoạch cho cho trường để phục vụ mục đích giáo dục.

Một số chủ cửa hàng tại đây cho biết, để thuê được cửa hàng kinh doanh buôn bán tại khu vực này không hề đơn giản, phải có người quen làm trong trường (Đại học Bách Khoa) mới thuê được và giá thuê không hề rẻ, khoảng 30 - 40 triệu đồng/tháng với cửa hàng rộng khoảng 30m2. Thậm chí đối với những diện tích lớn hơn sẽ có giá cho thuê lên tới cả trăm triệu đồng/tháng.

Hay trước đó, năm 2018 theo phản ánh trên báo chí, một trường hợp đất trường học được sử dụng sai mục đích khác là tại trường Everest (Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Mặc dù được quy hoạch là dự án trường tiểu học và THCS, tuy nhiên Trường Everest lại cho thuê để sinh viên cao đẳng học tập, sinh hoạt, giảng dạy và làm ký túc xá.

Cụ thể, Trường Everest được phê duyệt xây dựng trường tiểu học và THCS nhưng lại cho Trường Cao đẳng Công Thương thuê lại diện tích để giảng dạy sinh viên và khu ký túc xá.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top