Aa

"Điểm mặt" các dự án, nhà, đất công sản ở Đà Nẵng bị điều tra

Thứ Sáu, 22/09/2017 - 14:01

Hà Nội cần công khai quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; Sôi động phân khúc liền kề, biệt thự phía Tây Hà Nội; "Điểm mặt" các dự án, nhà, đất công sản ở Đà Nẵng bị điều tra; Cơ hội lớn cho các nhà đầu tư BĐS đến Đồng Nai; … là những tin tức nổi bật về BĐS 24 giờ qua.

Hà Nội cần công khai quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội

Mới đây, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn đã ký kết luận thanh tra việc thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030 tại TP. Hà Nội. Theo đó, Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra một loạt những tồn tại cần khắc phục trong việc thực hiện chương trình nhà ở, phát triển nhà ở xã hội của Hà Nội.

UBND TP. Hà Nội chưa bố trí quỹ đất và quy hoạch khu vực riêng để lập các dự án xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở. Hà Nội cũng chưa có vốn thông qua quỹ đầu tư cho các dự án phát triển nhà ở, ngoài dự án nhà ở tái định cư.

Mục tiêu diện tích nhà bình quân tại Hà Nội đến năm 2020. Đồ họa: Hiếu Công.

Mục tiêu diện tích nhà bình quân tại Hà Nội đến năm 2020. Đồ họa: Hiếu Công.

Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, UBND TP. Hà Nội còn tồn tại trong việc chưa tổng hợp số liệu đầy đủ công tác phát triển nhà ở dẫn đến thiếu thông tin phục vụ quản lý Nhà nước. Một số chỉ tiêu phát triển nhà ở chưa được thống kê, chưa đánh giá. Một số chỉ tiêu chưa đạt so với quyết định của Thủ tướng.

Việc thống kê, đánh giá hiện trạng mức độ đáp ứng nhu cầu đối với nhà ở dành cho công nhân, sinh viên, người thu nhập thấp, tái định cư, thương mại chưa chính xác, cụ thể và đầy đủ.

Việc công bố thông tin, công khai chương trình, kế hoạch nhà ở đã được phê duyệt chưa đúng quy định. Việc lập và phê duyệt chương trình phát triển nhà ở của TP. Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 chưa đầy đủ nội dung, chưa đáp ứng yêu cầu.

Xem chi tiết tại đây.

"Điểm mặt" các dự án, nhà, đất công sản ở Đà Nẵng bị điều tra

Ngày 21/9, sau khi nhận được công văn của Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an), đề nghị phối hợp điều tra việc mua bán nhà công sản tại Đà Nẵng từ năm 2006 đến nay, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã triển khai cho các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện yêu cầu này.

Ngoài một số nhà, đất công sản được mua bán có dấu hiệu vi phạm pháp luật, không qua đấu giá, gây thất thoát ngân sách... thì phần lớn 9 dự án bị Cơ quan an ninh điều tra đề nghị cung cấp hồ sơ để điều tra lần này đang trong tình trạng xây dựng, rao bán và chuyển nhượng một phần cho các đối tác khác.

Số 20 Bạch Đằng rộng hơn 1.300m2 đã được khoanh kín. Theo giấy tờ, Cty CP Cung ứng tàu biển thuê, nhưng đến nay đã chuyển nhượngp/quyền sử dụng đất cho cá nhân khác và vi phạm hàng loạt luật đất đai, tài chính, gây thất thoát ngân sách.

Số 20 Bạch Đằng rộng hơn 1.300m2 đã được khoanh kín. Theo giấy tờ, Công ty CP Cung ứng tàu biển thuê, nhưng đến nay đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân khác và vi phạm hàng loạt luật đất đai, tài chính, gây thất thoát ngân sách.

Chính vì vậy, dư luận rất quan tâm đến động thái điều tra của công an, đặc biệt là các khách hàng đã bỏ tiền góp vốn tại một số dự án này.

Theo tài liệu, một số dự án trong 9 dự án có dấu hiệu sai phạm gồm: Công viên An Đồn (2010); khu đô thị Habour Ville của Công ty Đầu tư Mega (2008); khu đất tại đường 2.9 Phan Thành Tài (2012); dự án Phú Gia Compound (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, 2007); khu du lịch nhà hàng – bar – cà phê và bến du thuyền phía Tây cầu Rồng (2015); dự án KĐT quốc tế Đa Phước (2008)...

Xem chi tiết tại đây.

Sôi động phân khúc liền kề, biệt thự phía Tây Hà Nội

Phân khúc đất nền phía Tây Hà Nội chính thức sôi động trở lại vào giữa năm 2016. Thời điểm đó, khi thị trường căn hộ xuất hiện dấu hiệu chững lại, nhiều nhà đầu tư đã chuyển hướng sang đầu tư đất nền. Bên cạnh đó, với tâm lý thích “mảnh đất cắm dùi”, phân khúc nhà liền thổ cũng thu hút nhiều người có nhu cầu thực.

Trong đó, khu vực phía Tây Hà Nội, nhất là quận Hà Đông, Nam Từ Liêm và huyện Hoài Đức (dọc trục đường Lê Văn Lương kéo dài sang khu vực Tây Mỗ, Đại Mỗ) được nhiều người nhắm tới.

Lý do khu vực này lọt vào tầm ngắm của giới đầu tư đất nền Thủ đô là nhờ hạ tầng giao thông phát triển mạnh. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt tuyến đường quan trọng như đường trên cao vành đai 3, đường Tố Hữu, đường 70, đường Vạn Phúc, Lê Trọng Tấn, hầm chui Thăng Long - Khuất Duy Tiến, đường Lê Trọng Tấn - Văn Phú…, liên tục được hoàn thành, tạo sự thông suốt cho tam giác phía Tây Hà Nội là Hà Đông - Nam Từ Liêm - Cầu Giấy.

Phía Tây là khu vực có nhiều dự án biệt thự, liền kề nhất Hà Nội. Ảnh: Dũng Minh.

Phía Tây là khu vực có nhiều dự án biệt thự, liền kề nhất Hà Nội. Ảnh: Dũng Minh.

Bên cạnh đó, tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội, Hà Đông - Cát Linh, cùng các công trình hạ tầng khác đang đi vào hoàn thiện, đã tạo nên “cú huých”, giúp thị trường BĐS phía Tây Hà Nội nói chung và phân khúc đất nền, biệt thự nói riêng thu hút đông đảo khách hàng có nhu cầu thực và như nhà đầu tư. Đặc biệt, mới đây, thông tin đại gia bán lẻ Nhật Bản AEON sẽ xây dựng đại siêu thị AEON Mall thứ 2 tại Hà Đông cũng góp phần hâm nóng thị trường BĐS khu vực này.

Với sự phát triển mạnh của hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, khu vực phía Tây Hà Nội đã thu hút doanh nghiệp trong làng BĐS Việt Nam rót tiền vào đầu tư, phát triển dự án đất nền. Bên cạnh các tên tuổi quen thuộc của khu vực này như Nam Cường, Hải Phát, còn xuất hiện thêm các đại gia như Vingroup, Mường Thanh, FLC. Trong đó, năm 2016, Vingroup đã mở màn cho làn sóng sôi động của phân khúc đất nền, biệt thự phía Tây với hàng loạt dự án như Vinhomes Gardenia, Vinhomes Thăng Long và đặc biệt là dự án được coi là “bom tấn” của Vingroup tại phía Tây là Vinhomes Skylake.

Xem chi tiết tại đây.

Cơ hội lớn cho các nhà đầu tư BĐS đến Đồng Nai

Đồng Nai hiện có khoảng 300 dự án đã và đang bồi thường và xu hướng đầu tư BĐS tại Đồng Nai hiện nay được chia làm 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là nhóm tiệm cận và gắn liền khu đô thị hiện có gồm TP. Biên Hòa, thị trấn Trảng Bom, thị trấn Long Thành, thị trấn Long Khánh, huyện Nhơn Trạch.

Nhóm này phát triển ngắn hạn, quỹ đất trung tâm hiện đã hết, mật độ dân số đông, hạ tầng kỹ thuật và xã hội đầy đủ, trong đó Biên Hòa là đô thị loại 1, Long Khánh đô thị loại 3, còn lại là đô thị loại 5. Nhà đầu tư mua đất tại các khu vực này cách đây 5 năm nếu không vay vốn ngân hàng, thì đang thắng lớn.

Nhóm thứ hai là nhóm vùng ven thị trấn, ngoại ô. Hiện nay, có một số nhà đầu tư như Tập đoàn Donacoop hay Đệ Tam đang đầu tư nhóm này. Khi đầu tư vùng ven, vấn đề lớn nhất là hạ tầng kỹ thuật kết nối và hạ tầng kỹ thuật chính. Hiện tỉnh đang kêu gọi các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng các khu vực này theo hình thức BOT, BT.

Một số dự án hạ tầng đang triển khai theo hình thức này như dự án Hương Lộ 2 rộng 60 m2, dài 15 km nối với cao tốc Long Thành - Dầu Giây. Trong đó, đoạn 6,5 km từ Quốc lộ 51 đến dự án của Donacoop giao cho Donacoop làm đầu mối. Hiện UBND tỉnh đang họp bàn phương án triển khai.

Từ đây đến phê duyệt khoảng vài tháng, dự kiến hoàn thành trong 1,5 - 2 năm. Giấy phép đoàn 6,5 km do Donacoop làm chủ đầu tư đã có, còn lại 6,5 km chủ trương đã có, nhưng chưa chọn đơn vị triển khai, trong 6 tháng nữa sẽ chốt vấn đề này.

Nhìn chung, tiềm năng để các dự án BĐS Đồng Nai phát triển là lớn. Ngoài lợi thế giáp ranh TP.HCM, cơ sở hạ tầng kết nối tốt, thì Đồng Nai hiện có khoảng 35 khu công nghiệp tập trung và lấp đầy hầu như 100%. Dân số Đồng Nai hiện nay khoảng 3 triệu người, trong đó tỷ lệ dân nhập cư khoảng 40%. Đây chính là cơ hội cho một số chủ đầu tư vào các dự án nhà ở thu nhập thấp, dự án đất nền giá vừa phải, nhưng cần lưu ý vấn đề phân lô đất nền.

Xem chi tiết tại đây.

Đổi đất lấy hạ tầng: Giá đất tăng theo cấp số nhân

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, khi nguồn lực của đất nước, Chính phủ khó khăn thì huy động được hình thức BT sẽ có thêm nhiều công trình thành công, người dân cũng được hưởng lợi.

Ông Trần Hồng Hà lấy ví dụ ở Đà Nẵng trước đây, có chỗ đất bán không ai mua nhưng khi làm cầu xong thì đất đã được nâng giá lên rất nhiều.

Đối với chủ trương đổi đất lấy hạ tầng là 4 cây cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống mới đây của Hà Nội, ông Trần Hồng Hà khẳng định, nếu xây dựng được 4 cây cầu trên thì sẽ tạo ra được 4 vùng phát triển mới và giá đất sẽ tăng theo cấp số nhân.

“Điều quan trọng là kiểm soát tốt được các khâu trong quá trình thực hiện và cần minh bạch trong việc chọn nhà đầu tư. Đặc biệt là phải xác định thời điểm định giá đất theo quy định để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp đầu tư” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.

Liên quan đến thời điểm định giá đất sao cho đúng, ông Đào Trung Chính - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, quy định pháp luật hiện nay có vấn đề ở chỗ, ngày hôm nay mở gói thầu về công trình hạ tầng thì phải hòm hòm cho nhà đầu tư biết người ta sẽ được bao nhiêu đất, nhưng phải tới khi nào xây dựng hạ tầng xong thì chúng tôi mới định giá đất cụ thể được.

“Đây là cái đang vướng, bởi nhà đầu tư luôn muốn biết sẽ được bao nhiêu đất. Luật Đất đai thì lại quy định khi nào xây dựng xong thì mới quy ra đất, khi đó mới có giá” –ông Chính cho biết.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top