Aa

“Điểm nghẽn” thiếu đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Tư, 07/06/2023 - 06:02

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh vào chiều ngày 6/6, một số đại biểu Quốc hội nhấn mạnh đến vấn đề quỹ đất cho đồng bào dân tộc thiểu số bao gồm: đất ở, đất canh tác sản xuất...

Đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất của vùng đồng bào dân tộc thiểu số là những vẫn đề nhức nhối nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Đề nghị Bộ trưởng cho biết những thuận lợi, khó khăn và giải pháp trong thời gian tới để giải quyết tình trạng này?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết đây là vấn đề lớn và là nhu cầu thực tế. Qua rà soát, nhu cầu đất ở là trên 24.000 hộ và đất sản xuất là trên 43.000 hộ.

Ủy ban Dân tộc đã trình Thủ tướng quyết định 1719 với chỉ tiêu năm 2025 giải quyết 60% nhu cầu đất ở cho người dân, tập trung vùng đồng bào dân tộc khó khăn nhất, chưa được hỗ trợ bất cứ chính sách nào. Giai đoạn 2026 - 2030 giải quyết 40% còn lại.

Riêng về đất sản xuất, theo thống kê ở một số địa phương còn quỹ đất để lập khu vực sản xuất tập trung cho bà con. Dù vậy, cũng có địa phương không còn quỹ đất để bố trí. Hiện nay, Chính phủ cũng có chính sách giao cho các bộ, ngành, địa phương rà soát lại quỹ đất của nông, lâm trường để dành một phần bố trí cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

"Các bộ, ngành, địa phương đang thực hiện nhưng chậm. Thời gian tới chúng tôi cùng với bộ, ngành sẽ đẩy mạnh rà soát công việc này", Bộ trưởng cho hay.

Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cũng phản ánh về những bất cập trong việc giao đất cho đồng bào sản xuất, trong đó có trường hợp giao đất cho đồng bào nhưng đất sản xuất không đủ điều kiện cơ bản khiến đồng bào không sản xuất được rồi bỏ. Bên cạnh đó, thời gian qua, tình trạng lấn chiếm, bán, sang nhượng đất của người dân sau khi được giao cũng diễn ra phổ biến.

Theo đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ các nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân nào để xảy ra tình trạng này và những giải pháp căn cơ?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. (Ảnh: Quochoi.vn)

Về vấn đề này, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, đây là vấn đề thực tiễn có thể chia làm 2 nhóm: Thứ nhất, những hộ dân chưa được cấp đất lần nào, chưa có đất ở, đất sản xuất. Đây là yếu tố khách quan mà chúng ta đã cố hết sức để giải quyết.

Thứ hai, đã được cấp đất nhưng trong thực tiễn người dân chuyển nhượng mua bán hoặc cho tặng, tranh chấp. Trường hợp này đều xuất hiện ở nhiều địa phương.

Về thẩm quyền của địa phương, các hoạt động chuyển nhượng mua bán, cho, tặng đều tuân theo quy định của pháp luật, trừ những trường hợp cho, tặng tự do không theo quy định của pháp luật.

Theo Bộ trưởng, về pháp luật quản lý đất đai, trật tự xây dựng đô thị, việc chuyển nhượng mua bán của người dân, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… đều giao về trách nhiệm của các địa phương còn Trung ương ban hành các nghị định các chính sách để hỗ trợ. Do đó, các vi phạm liên quan đến pháp luật quản lý đất đai cần sự phối hợp từ Trung ương đến địa phương để tăng cường công tác kiểm tra, đốn đốc xử lý vi phạm nếu có, đây chính là giải pháp tổng hợp nhất.

"Trong giai đoạn tới, khi sửa đổi Luật Đất đai và các pháp luật khác liên quan thì sẽ có các thiết chế và chế tài xử lý vấn đề này một cách tốt hơn", Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho hay.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết thêm, trong Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai vừa qua, Ủy ban Dân tộc cũng tham gia 2 lần góp ý sửa đổi luật, bên cạnh đó cũng có các văn bản gửi Bộ Tài nguyên Môi trường góp ý sửa luật. Cụ thể, góp ý tại Khoản 1 Điều 27 quy định có chính sách đất ở, đất sinh hoạt cho cộng đồng, đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng. Bên cạnh đó là Khoản 2 Điều 27 có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top