Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn tạo sức hút lớn
Có thể thấy, việc rót tiền vào bất động sản nghỉ dưỡng đang là sự lựa chọn của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 còn kéo dài chưa biết đến thời điểm nào mới hết.
Đa số các khách hàng tham gia vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong giai đoạn này là những nhà đầu tư có năng lực tài chính, muốn gom hàng để đón sóng mới khi thị trường phục hồi trở lại. Bởi vì, về lâu dài bất động sản nghỉ dưỡng vẫn được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, khả năng tăng giá tốt, khai thác lợi nhuận dài hạn.
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, các nhà đầu tư khi trải qua hơn một năm ảnh hưởng của Covid-19 đã lường trước phần nào các thách thức phía trước. Nhìn ở chặng đường dài, khi du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn thì chắc chắn bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có cơ hội phát triển tốt. Với những nhà đầu tư xác định đây là cuộc chơi dài hơi, họ sẽ có sự chuẩn bị tốt về vốn và tham gia vào thị trường.
Với sự lựa chọn của các nhà đầu tư, bất động sản nghỉ dưỡng khoáng nóng đang là kênh ưu tiên hàng đầu. Theo một số liệu thống kê của CBRE, 16% số lượng các nhà đầu tư cho biết, họ sẽ rót nhiều vốn hơn vào lĩnh vực bất động sản chăm sóc sức khỏe kể cả khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát.
Một số nhà đầu tư cũng chia sẻ, đa phần các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng ở ven biển, đặc biệt là khu vực miền Bắc và miền Trung hạn chế về số lượng tháng khai thác. Trong khi đó, bất động sản nghỉ dưỡng khoáng nóng có công suất hoạt động quanh năm kể cả mùa đông. Thêm vào đó, thời điểm này dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhu cầu người dân tìm một “căn nhà thứ 2” ở ven đô Hà Nội đang là xu thế. Chính những yếu tố kể trên đã tạo lực hút mạnh mẽ cho nhà đầu tư quan tâm và dòng tiền dần dịch chuyển sang bất động sản nghỉ dưỡng khoáng nóng.
“Xu hướng du lịch sức khỏe đang là điểm sáng, suối khoáng nóng trở thành một giấc mơ nghỉ dưỡng của nhiều người. Một khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng lên, các doanh nghiệp sẽ chạy theo xu hướng và đẩy bất động sản nghỉ dưỡng khoáng nóng trở thành điểm “nóng” để đầu tư”, anh Nguyễn Bá Thế, Giám đốc một sàn giao dịch ở Hà Nội chia sẻ.
Phú Thọ giàu tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nhu cầu nghỉ dưỡng ven đô ngày càng tăng cao như hiện nay, bất động sản nghỉ dưỡng Phú Thọ có nhiều tiềm năng phát triển. Đặc biệt, tỉnh này có chủ trương phát triển đô thị đồng bộ, đồng thời tận dụng được nguồn tài nguyên khoáng nóng vô giá và phát huy những lợi thế của hệ thống sông, hồ, đầm, với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ.
Theo khảo sát, hiện nay trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có nhiều khu nghỉ dưỡng đã và đang được đầu tư xây dựng, đưa vào kinh doanh, vận hành. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh muốn tham gia vào hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tại địa bàn tỉnh Phú Thọ. Có thể kể đến các tập đoàn lớn như Tập đoàn FLC tài trợ nghiên cứu Khu đô thị thị sinh thái và thể thao Việt Trì (TP. Việt Trì) có diện tích 235ha, với tổng vốn đầu tư hơn 4.190 tỷ đồng. Công ty CP Tập đoàn TH tài trợ lập quy hoạch Khu đô thị nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa, sinh thái tại xã Hiền Lương (huyện Hạ Hòa) có diện tích 361,5ha, với tổng mức đầu tư 1.070 tỷ đồng.
Trong đó, địa phương đang có diễn biến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng "nóng" nhất có lẽ là huyện Thanh Thủy, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội. Tính đến ngày 30/5/2021, riêng huyện Thanh Thủy có 73 dự án được chấp thuận đầu tư, với tổng nguồn vốn trên 5.300 tỷ đồng. Đáng chú ý, huyện Thanh Thủy có nguồn nước khoáng nóng đạt chất lượng sánh ngang với các mỏ khoáng nóng trên thế giới. Những năm qua, Phú Thọ đang từng bước khai thác lợi thế này để phát triển mô hình bất động sản nghỉ dưỡng khoáng nóng kết hợp vui chơi giải trí hàng đầu cả nước.
Có nhiều dự án nghỉ dưỡng khi chào bán các sản phẩm căn hộ, biệt thự được các nhà đầu tư săn đón và tạo sức hút lớn như: Dự án Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Vườn Vua, quy mô gần 85ha, vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, đang triển khai giai đoạn 2 xây dựng khu biệt thự nghỉ dưỡng, nhà hàng và các hạng mục phụ trợ.
Một dự án khác là Trung tâm dịch vụ hội nghị quốc tế, khách sạn, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy có quy mô gần 10ha, dự kiến tháng 4/2023 sẽ đi vào hoạt động. Tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy gồm tòa khách sạn cao cấp 35 tầng, tiêu chuẩn 5 sao và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cây xanh, bể bơi... Bên cạnh đó, hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng trọng điểm khác trên địa bàn được các doanh nghiệp đầu tư như: Dự án Trung tâm dưỡng lão Vietsing Thanh Thủy; dự án Khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng La Phù...
“Dòng sản phẩm nghỉ dưỡng kết hợp với chăm sóc, phục hồi sức khỏe đang là một xu thế mới của bất động sản nghỉ dưỡng. Đây có thể được xem là dòng sản phẩm chiếm vị trí chủ đạo của thị trường bất động sản du lịch trong tương lai và hút dòng tiền của giới đầu tư”, chị Thu Thảo, một nhà đầu tư chia sẻ.
Ông Lưu Ngọc Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển Thương mại Trường An (Truong An Real) đưa ra nhận định, các dự án bất động sản hiện nay tại Phú Thọ cung ứng ra thị trường khá đa dạng như đất nền, biệt thự, sản phẩm nghỉ dưỡng... Nhiều huyện của Phú Thọ đang sở hữu tiềm năng khác nhau, trong đó, huyện ở Thanh Thủy có nền tảng, tiềm năng về việc phát triển mảng bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch và tạo được sức hút lớn.
"Thị trường bất động sản Phú Thọ cũng được đánh giá rất tiềm năng, phát triển ổn định. Các dự án nhà ở đều được tỉnh phê duyệt cẩn trọng với sự lựa chọn kỹ lượng chủ đầu tư tham gia. Du lịch đang được coi là một mũi nhọn phát triển kinh tế của Phú Thọ. Đây sẽ là động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế", ông Long cho biết.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các nhà đầu tư cần có cái nhìn tổng quan để đánh giá về các yếu tố như: Vị trí, tiềm năng kinh tế, xã hội của vùng, uy tín chủ đầu tư, quy hoạch, giấy tờ pháp lý hay các dịch vụ, tiện ích nội khu, ngoại khu… từ đó có sự lựa chọn sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng an toàn và hợp lý nhất.