Aa

Điều hòa linh hoạt nguồn vốn dành cho các dự án đầu tư công

Thứ Sáu, 22/09/2023 - 06:00

Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương rà soát, xem xét gia hạn thời gian thực hiện, điều hòa các nguồn vốn đầu tư công trung hạn, Chương trình phục hồi dành cho dự án có tiến độ thực hiện tốt.

Chiều 21/9, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp của Tổ công tác số 2 của Chính phủ, làm việc với 29 bộ, ngành, địa phương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công.

Điều hòa các nguồn vốn đầu tư công trung hạn

Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, cập nhật đầy đủ số liệu về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là dự kiến tình hình những tháng cuối năm, trên cơ sở cam kết của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương với quyết tâm chính trị và nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo. 

"Như vậy mới có 'bức tranh' tổng thể, khoa học, chính xác về tình hình giải ngân vốn đầu tư công", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Phó Thủ tướng yêu cầu phân loại những dự án có thể tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công bằng các giải pháp quyết liệt từ nay đến cuối năm. Những dự án chuẩn bị chưa đầy đủ, chưa sát yêu cầu thực tiễn, thiếu khả thi, làm rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị đề xuất, đăng ký vốn.

“Riêng những dự án chưa giải ngân do nguyên nhân khách quan, chưa bảo đảm tính hiệu quả nhưng vẫn cần thiết, xem xét phương án sử dụng một phần vốn đã phân bổ để chuẩn bị dự án mới thật tốt để triển khai trong năm tiếp theo,” Phó Thủ tướng lưu ý.

Về hướng tháo gỡ khó khăn đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương làm việc với đối tác quốc tế để thống nhất cơ chế đền bù, đơn giản hóa thủ tục điều chỉnh dự án, đề xuất kéo dài dự án gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan...

Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ cả nguyên nhân chuẩn bị dự án chưa tốt, thiếu thời gian để thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục đầu tư, từ đó đề xuất phương án duy trì nguồn vốn này cho các dự án đang triển khai.

Đối với khó khăn nguồn nguyên vật liệu xây dựng, Phó Thủ tướng nêu rõ: Trừ những dự án cấp bách, trọng điểm được áp dụng cơ chế riêng về khai thác, sử dụng mỏ vật liệu, các dự án khác phải chuẩn bị đầy đủ thủ tục về đánh giá tác động môi trường (nguy cơ sạt lở, ngập lụt), chất lượng tư vấn, khảo sát nguồn vật liệu phục vụ dự án, “không được tạo ra trường hợp cá biệt.”

Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, xem xét gia hạn thời gian thực hiện, điều hòa các nguồn vốn đầu tư công trung hạn, Chương trình phục hồi dành cho các dự án có tiến độ thực hiện tốt.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

“Cùng cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính nhưng có nơi làm tốt, có nơi gặp khó khăn, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cần chủ động trao đổi kinh nghiệm trong tháo gỡ vướng mắc. Việc điều phối vốn đầu tư công phải được coi là mục tiêu, nhiệm vụ chính trị để giải quyết những nhu cầu cấp thiết trong đời sống kinh tế - xã hội hiện nay,” Phó Thủ tướng nêu.

Khắc phục tình trạng đăng ký vốn nhiều nhưng không thực hiện được

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao cho 29 bộ, ngành, địa phương thuộc Tổ công tác số 2 gần 241.089 tỷ đồng. Số vốn đã phân bổ chi tiết khoảng 234.395 tỷ đồng, đạt 97,22%.

Theo số liệu giải ngân của Bộ Tài chính, tổng số vốn đã giải ngân của 29 cơ quan gần 104.916 tỷ đồng đạt 43,52% (cao hơn mức bình quân cả nước là 39,41%). Trong đó 10 cơ quan giải ngân trên mức bình quân của cả nước; 13 cơ quan giải ngân thấp (10 đến 39,41%); 6 cơ quan giải ngân rất thấp (dưới 10%).

Một số bộ, ngành địa phương kiến nghị điều chỉnh giảm vốn phân bổ như Bộ Giáo dục và Đào tạo (hơn 271 tỷ đồng); Bộ Khoa học và Công nghệ (hơn 53,7 tỷ đồng); Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (hơn 1.293 tỷ đồng); Bộ Tài nguyên và Môi trường (gần 312,5 tỷ đồng); Bộ Thông tin và Truyền thông (gần 403 tỷ đồng); Ban quản lý Các làng văn hóa du lịch Việt Nam (hơn 83 tỷ đồng); Quảng Bình (khoảng 81 tỷ đồng); Phú Yên (gần 241,5 tỷ đồng vốn nước ngoài và hơn 164 tỷ đồng vốn từ nguồn bội chi ngân sách địa phương); Khánh Hòa gần 305 tỷ đồng vốn nước ngoài...

Về một số vướng mắc, các bộ, ngành, địa phương báo cáo đều liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư tại một số địa phương còn chậm, phát sinh nhiều vấn đề vượt thẩm quyền.

Việc triển khai các dự án trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình phục hồi) chậm giao kế hoạch vốn, thời gian giải ngân kế hoạch vốn ngắn. Do đặc thù chi ngân sách nhà nước giao kế hoạch vào thời điểm đầu năm, dự án phải có khối lượng mới có thể giải ngân nên tiến độ giải ngân ở những tháng đầu năm tương đối thấp và sẽ đẩy mạnh vào các tháng cuối năm.

Một số nguyên nhân khác mang tính chất đặc thù, chuyên ngành (dự án quan trọng quốc gia, di tích lịch sử, văn hóa...). Các địa phương chưa chủ động dự phòng quỹ đất cho công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, dẫn tới việc triển khai các dự án (khi được phê duyệt) còn chậm...

Trong khi đó, công tác chuẩn bị dự án còn chậm, chất lượng chưa cao; còn tình trạng dự án được dự kiến bố trí vốn nhưng chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa thể phân bổ hết kế hoạch vốn được giao và có khối lượng để giải ngân; năng lực, trình độ của một số cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi, làm rõ một số vấn đề lớn đang làm chậm trễ tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với các dự án lớn hoặc sử dụng nguồn vốn ODA như giải phóng mặt bằng, tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đánh giá tác động môi trường, nguồn vật liệu cho các dự án trọng điểm, phương án điều hòa nguồn vốn đầu tư trung hạn và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ban hành bộ tiêu chí để hướng dẫn bộ, ngành, địa phương đánh giá mức độ sẵn sàng của các dự án đầu tư công trung hạn để xác định nhu cầu và khả năng giải ngân của dự án, khắc phục tình trạng đăng ký vốn nhiều nhưng không thực hiện được”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung chia sẻ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top