Được sự chỉ đạo và bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, chiều ngày 3/8, Reatimes và VIRES tổ chức Hội thảo: "Phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam thời kỳ mới".
Hội thảo có sự tham dự của đại diện UBND tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, 30 chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản và 50 cơ quan báo chí, truyền hình.
Tại Hội thảo, dưới sự điều phối của TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, các đại biểu, chuyên gia đã trình bày tham luận về: Thực trạng, tiềm năng và định hướng phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam; phát triển đô thị ven biển xanh và bền vững: Giải pháp từ quy hoạch; phát triển kinh tế đô thị biển và hạ tầng đô thị biển Việt Nam; xây dựng trung tâm tài chính đô thị biển; phát triển thị trường bất động sản gắn với đô thị biển Việt Nam; đô thị biển: Tầm nhìn định hướng cho tương lai…
Cùng với đó là phiên tọa đàm với các vấn đề: Quy hoạch đô thị biển Việt Nam: Tầm nhìn và cơ hội; Phát triển thị trường bất động sản tại các đô thị biển Việt Nam thời kỳ mới.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam hy vọng được ghi nhận những giải pháp phù hợp, giúp làm rõ hơn một số vấn đề mang tính cốt lõi, chiến lược trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đô thị biển tại Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng, bao gồm: Mô hình nào cho hệ thống đô thị ven sông, ven biển; sử dụng hiệu quả tài nguyên; bài học, một số cảnh báo và giải pháp lớn nhằm ứng phó với các nguy cơ môi trường trong quá trình đô thị hóa, đặc biệt đối với khu vực nhạy cảm sông - biển, vừa thích nghi với khí hậu, vừa phải tạo nét đặc sắc riêng đối với đô thị vùng sông, vùng biển… để các đô thị thực sự là nơi đáng sống, tạo được nguồn thu lớn, khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển các đô thị biển đảo đặc sắc, là trụ cột và động lực để phát triển kinh tế biển.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, đến nay, Việt Nam vẫn đang vắng bóng những đô thị biển đúng nghĩa, có thể phát huy, khai thác tối đa những giá trị, lợi thế mà sông nước, biển cả mang lại. Thay vào đó, đô thị hướng biển ở nước ta đang đối mặt với rất nhiều thách thức cản trở quá trình phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng.
“Tất cả đang đòi hỏi cần những nghiên cứu nghiêm túc tầm quốc gia và quốc tế để có những tầm nhìn chiến lược và chính sách phát triển phù hợp. Vấn đề then chốt là xác lập tầm nhìn và quy hoạch, định vị không gian đô thị sông biển để phát triển tương xứng với tiềm lực tăng trưởng kinh tế và giá trị độc tôn của từng đô thị, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản - thiên nhiên và tăng tính kết nối giữa các địa phương, thu hút các nguồn lực của doanh nghiệp để kiến tạo nên những công trình đẳng cấp, giàu giá trị văn hóa, khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch và phát triển kinh tế xanh trong thời kỳ mới.
Đặc biệt, việc khai thác tiềm năng, giá trị của thị trường bất động sản tại các đô thị biển đang được các doanh nghiệp quan tâm, nhất là những xu hướng đầu tư bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, hạ tầng, khu công nghiệp ven biển hay đô thị nhà ở ven biển”, nhà báo Phạm Nguyễn Toan nhấn mạnh.
Xu hướng tiến biển và tầm nhìn đô thị biển
Trình bày tham luận tại Hội thảo, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho hay, Việt Nam có trên 50% dân số sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển và khoảng 50% các đô thị lớn của Việt Nam tập trung ở khu vực ven biển và trên đảo. Vùng ven biển là vùng có cơ hội phát triển kinh tế rất lớn do không gian biển rộng lớn và giàu tài nguyên. Nhiều ngành kinh tế biển như hàng hải, du lịch, giao thương quốc tế, ngư nghiệp, khai thác tài nguyên, sản xuất năng lượng tái tạo từ biển đã và đang mang lại nguồn thu cho nền kinh tế quốc dân và địa phương. Sự kết nối giữa kinh tế biển và chuỗi đô thị biển sẽ thúc đẩy sự hình thành các cực kinh tế mũi nhọn của mỗi quốc gia trong xu hướng “tiến biển” để phát triển lãnh thổ và bảo đảm an ninh quốc phòng.
“Miền Trung và một phần vùng ĐBSCL bắt đầu lộ diện những dải đô thị ven biển như Thanh Hoá, Vinh, Huế - Đà Nẵng - Hội An, Tam Kỳ - Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Tuy Hoà/Phú Yên, Nha Trang - Cam Ranh, Ninh Thuận, Phan Thiết, Rạch Giá - Hà Tiên. Các dải đô thị ven biển miền Trung có tiềm năng tự nhiên thuận lợi cho du lịch cao cấp và cảng nước sâu. Nhiều đô thị biển miền Trung đã tạo dựng được thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới như Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang”, KTS. Trần Ngọc Chính nói thêm.
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cũng đánh giá, xây dựng và phát triển hệ thống đô thị biển là một phương án định cư, một cách tích tụ dân số nhanh nhất và cũng dễ quy hoạch, quản lý nhất, cũng là góp phần giải bài toán quá tải đô thị trong tương lai.
Đặc biệt, phát triển các đô thị biển để kết nối không gian biển với bờ, bờ với đảo và đảo với biển, đánh thức tiềm năng không gian kinh tế biển, tăng cường và mở rộng hội nhập kinh tế, cũng như hình thành các “đối trọng” trên biển cần thiết trong bối cảnh mới ở Biển Đông và khu vực như nói trên.
"Do đó, rõ ràng, cần phải 'mạo hiểm' tiến ra biển lớn bằng việc sớm hoàn thiện hệ thống đô thị biển, đô thị ven biển và đô thị đảo bền vững, để góp phần khẳng định thế đứng của một “Quốc gia biển”, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi nhìn nhận.
GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, kinh nghiệm từ các nước phát triển và các nước mới nổi, vùng ven biển là vùng có mật độ kinh tế rất cao do tiếp cận trực tiếp tài nguyên biển, đồng thời kết nối dễ dàng với các trung tâm kinh tế quốc tế thông qua hàng hải, tức là vùng ven biển luôn có vị trí địa kinh tế rất thuận lợi.
“Vùng ven biển là vùng được tập trung phát triển trước, từ đó làm cơ sở để phát triển tiếp các vùng không có biển. Điều này có nghĩa là đô thị biển đóng vai trò trung tâm của phát triển kinh tế biển”, ông Võ khẳng định.
Còn nhiều thách thức
PGS.TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay, trong bối cảnh đổi mới và hội nhập, tư duy hướng biển đang dần thay đổi, nhưng vẫn còn một số vấn đề. Theo đó, hiện có khoảng 20 khu kinh tế ven biển đang phát triển nhưng chưa thể trở thành nền tảng phát triển đô thị biển chiến lược.
“Việc phát triển khu kinh tế ven biển hiện nay chưa được ưu tiên xứng tầm, còn những xung đột lớn trong cách thức phát triển đô thị biển. Do đó, cần phải nhìn lại và đánh giá các khu kinh tế ven biển gắn với đô thị biển một cách rõ ràng hơn”, ông Thiên nêu quan điểm.
Về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi cho rằng, Chiến lược biển 2020 và ngay cả Chiến lược biển 2030 của Việt Nam ra đời với những cụm từ (khẩu hiệu) quen thuộc, như “biển đảo”, “tiến ra Biển Đông”… nhưng thực sự chưa nhìn thấy rõ ràng vị trí của các “đô thị biển”. Sự rõ ràng nhất có thể thấy là phát triển và khai thác các bãi biển đẹp để làm du lịch, bằng những dự án nghỉ dưỡng suốt dọc chiều dài đất nước và theo một nguyên tắc chung là chỗ nào dễ, ít tốn công sức thì làm.
TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết thêm, khái niệm về đô thị biển chưa được định nghĩa trong các văn bản quy phạm pháp luật. Trải qua hơn 30 năm khái niệm về đô thị đặc thù mới dừng lại ở việc quy định tiêu chí đối với đô thị ở miền núi, vùng cao, có đường biên giới quốc gia (loại III, IV, V) và đô thị ở hải đảo (Điều 9 Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH về Phân loại đô thị) chưa có định nghĩa, tiêu chí cho đô thị biển và nhiều đô thị chuyên ngành khác, mặc dù trong nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước đã nhắc tới việc xây dựng và phát triển đô thị biển. Điều này dẫn đến các lúng túng trong việc triển khai từ khâu quy hoạch đô thị biển, xác định chức năng cho đô thị biển, vị trí vai trò cho từng đô thị, chuỗi đô thị ven biển, quy định quy mô, hình thái phát triển của đô thị biển. Đây là một trong các nguyên nhân chính dẫn tới việc phát triển đô thị biển thiếu kiểm soát, lãng phí nguồn lực, thiếu tính bền vững.
Bên cạnh đó, việc thiếu quy hoạch tổng thể quốc gia cho phát triển đô thị biển nên các vùng đô thị hóa ven biển vẫn còn phát triển dưới tiềm năng, thiếu liên kết, còn nặng tư duy cục bộ.
KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cũng đánh giá, hiện nay, việc lập quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu vực ven biển và thực hiện theo quy chế chưa nghiêm túc. Thực tế đã có nhiều dự án chậm hoặc không triển khai được do vướng mắc trong thủ tục cấp phép xây dựng, giao đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Điều này đang gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu đến cảnh quan kiến trúc quy hoạch đô thị và đời sống của người dân ở địa phương, đặc biệt là các đô thị du lịch ven biển.
Bên cạnh đó, ông Chính cho rằng, một thực tế hiện nay đã xảy ra trong nhiều dự án du lịch, đó là đề xuất mật độ dân cư tương đối cao tại những khu vực ven biển hoặc có nhiều diện tích cây xanh được chuyển đổi thành những toà nhà cao tầng tại nhiều vị trí không hợp lý. Sự bùng nổ các loại hình bất động sản mới như căn hộ du lịch (condotel), biệt thự nghỉ dưỡng/biệt thự du lịch (resort villa), song chưa tính toán cụ thể về dân số của loại hình lưu trú này đã gây áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực này.
“Có thể thấy quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, đất đai dự án ven biển hiện đã không còn là chuyện riêng của địa phương. Để khắc phục tình trạng này rất cần có sự chung tay của các Bộ, ngành và sự chỉ đạo chặt chẽ từ Chính phủ”, ông Chính khẳng định.
Hướng ra biển, dựa vào biển, lấy biển làm động lực phát triển
Để thúc đẩy phát triển kinh tế biển và thực sự trở thành cường quốc biển, KTS. Trần Ngọc Chính cho rằng, Việt Nam cần tập trung ưu tiên phát triển các cực kinh tế biển với hệ thống các chuỗi đô thị biển làm “pháo đài” tiền tiêu trong phòng thủ và là “bàn đạp” hạt nhân tiến ra biển, đặt trong tư duy chiến lược liên kết vùng. Trước mắt, cần sớm hoàn thành quy hoạch không gian biển, trong đó ưu tiên xem xét kết nối các đô thị ven biển hiện có và các đô thị mới để hình thành các chuỗi đô biển trong một chỉnh thể không gian kết nối ven biển - biển - đảo.
“Đô thị ven biển ở nước ta có các đặc trưng riêng, mang nhiều màu sắc và tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, để phát triển một cách bền vững và có bản sắc, các đô thị ven biển cần có một chiến lược, định hướng phát triển cụ thể; cách làm, quản lý phải chặt chẽ, đồng bộ. Không vì phát triển bằng mọi giá mà hy sinh các giá trị bản sắc sinh thái, môi trường của đô thị ven biển. Một hướng đi bền vững, sử dụng tối ưu các nguồn lực trong phát triển đô thị biển là vấn đề cần nghiên cứu giải quyết ngay lúc này”, KTS. Trần Ngọc Chính khẳng định.
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi cũng nhìn nhận, thế kỷ XXI được coi là thế kỷ của biển và đại dương, nên cần phải sớm có những giải pháp thiết thực để Việt Nam sớm trở thành một quốc gia biển chứ không đứng mãi ở ven bờ.
“Hệ thống đô thị biển phải được nhìn nhận như một không gian quan trọng trong không gian biển quốc gia, và phải chiếm vị trí xứng đáng trong “Quy hoạch không gian biển quốc gia” thực hiện Luật Quy hoạch (2017) trong thời gian tới. “Đô thị biển” phải trở thành một lĩnh vực kinh tế biển quan trọng như các ngành/lĩnh vực kinh tế biển truyền thống khác (Hàng hải, du lịch biển, nghề cá,dầu khí...)”, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi đề xuất và cho rằng, phát triển đúng hướng, hệ thống đô thị biển sẽ giúp cho kinh tế biển nước ta phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xanh và bền vững với văn hóa biển độc đáo.
TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nêu ý kiến, cần sớm đưa khái niệm về đô thị biển vào trong quy định của pháp luật như là định nghĩa về đô thị đặc thù để từ đó hình thành mô hình phát triển đô thị biển bền vững trên cơ sở phân tích đánh giá các điều kiện tự nhiên, xã hội, quá trình phát triển của các đô thị ven biển hiện nay (kể cả mặt tốt và mặt chưa tốt) trong nước và quốc tế. Xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn cho đô thị biển trong phân loại đô thị tạo thuận lợi cho việc xác định vị trí, vai trò chức năng của đô thị biển, nhất là các đô thị biển được xác định trở thành đô thị động lực.
Còn KTS. Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners cho rằng, phát triển đô thị biển cần dựa trên thế mạnh về tài nguyên, xã hội trong tương quan liên kết vùng.
“Khi nói đến đô thị biển, chúng ta có xu hướng chú trọng vào biển mà xem nhẹ đồi, núi. Tuy nhiên, khi nói đến phát triển bền vững, cần kết hợp phát triển đô thị biển với các khu vực khác, cả sông, núi. Phải phát triển theo hướng từ Bắc đến Nam, từ Đông sang Tây, theo cả chiều dọc và chiều ngang. Bởi, ở khu vực đồi, núi khi phát triển các khu đô thị sinh thái có vai trò bổ trợ rất lớn cho đô thị biển. Tất nhiên để có sự liên kết này đòi hỏi hạ tầng giao thông phải được chú trọng, phải đồng bộ và có tính kết nối”, ông Sơn nhận định.
Phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh lại, phát triển đô thị biển không chỉ hiểu là đô thị thông thường mà thực sự là cực đô thị tăng trưởng kinh tế (trên cả 3 mảng: Không gian biển, đảo, ven biển), nhưng phải phát triển đô thị kinh tế biển xanh - bền vững, không làm ảnh hưởng tới môi trường. Đây là tầm nhìn định hướng cho hiện tại và tương lai.
Do đó, để hình thành chuỗi đô thị biển bền vững, TS. Nguyễn Văn Khôi khẳng định, cần thiết thực hiện: Hoàn chỉnh tiếp tuyến đường ven biển dọc Trung bộ, kết nối các loại hình vận tải như BRT, đường sắt cao tốc…; kết nối các dự án đầu tư, các đô thị để hoàn chỉnh, nhất là các đô thị ven tuyến đường biển; cần nghiên cứu cơ chế, chính sách đồng bộ trên cơ sở tầm nhìn định hướng nêu trên, tạo sự phát triển kinh tế - xã hội cho chuỗi đô thị ven biển.
Dựa trên tư duy nghiên cứu và tiếp thu ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, với quan điểm: Tầm nhìn quy hoạch là nền tảng, phát triển thị trường bất động sản là động lực để xây dựng đô thị biển bền vững; thực hiện chiến lược xây dựng đô thị biển bền vững là phương cách để Việt Nam tiến ra biển, để khẳng định mạnh mẽ vị thế của một quốc gia biển; sau Hội thảo, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Ban Tổ chức sẽ xây dựng văn bản kiến nghị về những vấn đề mà Hội thảo nêu ra để gửi tới Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan nhằm đưa ra góc nhìn về kinh tế, chính sách, pháp lý góp phần phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam./.