Hạn chế cả về số lượng và tính liên kết
Theo ông Đỗ Quốc Khánh, Trưởng phòng Hạ tầng, Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, tại Việt Nam, không gian ngầm đô thị phát triển chưa tương xứng cả về số lượng lẫn chất lượng, nhất là ở các đô thị lớn.
“Công tác quy hoạch không gian ngầm chưa được chú ý trong các đồ án quy hoạch đô thị, mức độ mới chỉ dừng ở đường dây, đường ống ngầm, chứ chưa chú trọng gắn kết, khai thác không gian ngầm với không gian, công trình trên mặt đất”, ông Khánh nhấn mạnh.
Những năm gần đây, Việt Nam có tốc độ đô thị hóa nhanh, đặc biệt tại 2 đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, đến nay, duy nhất Hà Nội là đô thị có quy hoạch không gian ngầm (được phê duyệt vào tháng 3/2022).
Chính vì là đô thị đi đầu nên theo các nhà chuyên môn, công tác nghiên cứu, thẩm định rất vất vả. Ông Lưu Quang Huy, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, thực trạng quản lý không gian ngầm, công trình ngầm trong giai đoạn vừa qua thiếu sự cập nhật, thống kê, nhất là tồn tại đa dạng công trình ngầm như công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, công trình năng lượng, thông tin ngầm, công trình an ninh quốc phòng…
Lời giải cho bài toán hạ tầng đô thị
Không gian ngầm đô thị đang được xem là lời giải cho vấn đề nhức nhối ở các đô thị lớn hiện nay là ách tắc giao thông, thiếu chỗ để xe và dịch vụ công cộng. Thông tin từ Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho hay, cả nước hiện có 888 đô thị, nhưng tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra, trong đó việc thiếu bãi đỗ xe diễn ra ngày càng trầm trọng. Tại Hà Nội, các bãi đỗ xe hiện hữu chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu, con số này còn thấp hơn ở TP.HCM, với chỉ 7%.
Đáng chú ý, tốc độ đô thị hóa nhanh cũng đang gây áp lực lớn về quỹ đất xây dựng đô thị, đặc biệt với các khu vực trung tâm, lõi đô thị. VACC cho biết, hầu hết quần thể tầng hầm nhà cao tầng tại các đô thị lớn mới chỉ được dùng để xe cộ, mà ít sử dụng cho mục đích công cộng.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, khai thác hiệu quả không gian ngầm là xu hướng tất yếu của đô thị hiện đại, là một trong những thành phần không thể thiếu của đô thị thông minh. Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản kỹ thuật liên quan đến công trình ngầm. Tuy nhiên, các quy định hiện hành còn chưa đầy đủ, đồng bộ, cũng chưa đáp ứng đủ các yêu cầu phát triển các công trình ngầm. Trong giai đoạn 2024-2026, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện luật sửa đổi liên quan đến loại hình công trình này.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC cũng cho hay, tốc độ đô thị hóa nhanh đang đòi hỏi việc phát triển thêm không gian ngầm ngày càng bức thiết. Việt Nam - nước có mật độ dân số cao, nhưng lĩnh vực này lại chưa được khai thác triệt để. Với các doanh nghiệp xây dựng, bước đầu có đơn vị làm chủ được thị trường, đảm đương được nhiều công trình khó, nhưng số lượng chưa nhiều, lý do có thể đến từ số lượng công trình ngầm còn hạn chế.
Về giải pháp, theo ông Hiệp, việc đầu tiên cần làm là xây dựng một chiến lược phát triển không gian ngầm đô thị hoàn chỉnh, đồng bộ với các chiến lược phát triển hạ tầng khác của đất nước. Cùng với đó, các địa phương cần có cho riêng mình quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, trong đó ưu tiên hệ thống giao thông ngầm (đường sắt; hầm cho đường ô tô, người đi bộ; bãi đỗ xe ngầm).
Về hành lang pháp lý, ông Hiệp cho rằng, trước mắt, cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về không gian ngầm đô thị, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan. Lấy Hà Nội và TP.HCM làm thí điểm rà soát quy hoạch mạng lưới giao thông có gắn với các công trình ngầm để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng, giải quyết ách tắc.
“Công trình ngầm là nhu cầu tất yếu trong quá trình phát triển đô thị. Thị trường công việc liên quan đến không gian ngầm đô thị cũng rất lớn cho các doanh nghiệp. Phát triển công trình ngầm sẽ giải quyết nhiều vấn đề bức bách hiện nay như ách tắc giao thông, thiếu chỗ để xe…”, ông Hiệp nhấn mạnh./.