Aa

Đô thị đặc biệt của Việt Nam đã chọn được 46 khu đất hơn gần 7.500ha để phát triển mô hình TOD

Thứ Sáu, 23/05/2025 - 15:23

Sau nhiều đợt rà soát và trao đổi với các sở, ngành cùng chính quyền địa phương, TP. HCM đã xác định 46 vị trí đất tiềm năng để triển khai mô hình TOD.

Theo Báo Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) vừa công bố danh sách các vị trí đất dự kiến quy hoạch phát triển theo mô hình đô thị định hướng giao thông công cộng (Transit Oriented Development - TOD).

Theo đó, các khu đất này phân bố dọc theo các tuyến metro, đường vành đai và cao tốc, nhằm thúc đẩy phát triển đô thị bền vững gắn với hạ tầng giao thông hiện đại.

Cụ thể, sau nhiều đợt rà soát và trao đổi với các sở, ngành cùng chính quyền địa phương, TP. HCM đã xác định 46 vị trí đất tiềm năng để triển khai mô hình TOD.

Ảnh minh họa về một mô hình TOD

Ảnh minh họa về một mô hình TOD

Trong đó, khu vực dọc các tuyến metro có 29 khu đất với tổng diện tích 795,8ha.

Cụ thể, tuyến metro số 1 có 21 khu đất (393,3ha); tuyến metro số 2 có 3 khu đất (72,6ha); tuyến metro số 3 có 1 khu đất (314ha) và tuyến metro số 4 có 4 khu đất (15,8ha).

Ngoài ra, dọc theo các tuyến đường vành đai và cao tốc có 17 khu đất khác, với tổng diện tích lên tới 6.601ha.

Cụ thể, tuyến Vành đai 3 có 14 khu đất (3.779ha); tuyến cao tốc TP. HCM - Mộc Bài có 1 khu đất (337ha) và tuyến Vành đai 4 có 2 khu đất (2.485ha).

Danh sách các vị trí này sẽ là cơ sở để TP. HCM xây dựng chiến lược phát triển đô thị gắn kết chặt chẽ với hệ thống giao thông công cộng, qua đó tối ưu hóa sử dụng đất và nâng cao chất lượng sống đô thị.

Trước đó, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội và TP. HCM.

Theo Nghị quyết, trong quá trình chuẩn bị và triển khai đầu tư các dự án thuộc danh mục kèm theo, Thủ tướng Chính phủ sẽ căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách để bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.

Theo đó, TP. Hà Nội được bố trí tối đa 215.350 tỷ đồng, TP. HCM được bố trí tối đa 209.500 tỷ đồng. Khoản vốn này thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 và 2031 - 2035. Việc phân bổ vốn sẽ sử dụng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương hằng năm (nếu có) và các nguồn vốn hợp pháp khác. Nếu sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, thì không phải tuân theo thứ tự ưu tiên theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Được biết, mô hình TOD là phương thức phát triển đô thị dựa trên các đầu mối giao thông công cộng, cho phép tăng hệ số sử dụng đất, mật độ dân cư, từ đó thu hút cư dân và hoạt động thương mại gắn liền với hệ thống giao thông hiện đại.

Theo quy định, một đô thị đặc biệt phải có quy mô dân số từ 5 triệu người trở lên, trong đó khu vực nội thành phải đạt từ 3 triệu người trở lên. Hiện tại, Hà Nội và TP. HCM là hai thành phố được xếp loại đô thị đặc biệt. Thủ đô Hà Nội có diện tích hơn 3.358km2 với dân số hơn 8,2 triệu người, trong khi TP. HCM rộng 2.095km2 với dân số gần 10 triệu người.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top