Quy hoạch TP. HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho thấy, huyện Hóc Môn cùng 4 huyện khác sẽ được định hướng phát triển thành đô thị vệ tinh kiểu mới, "chia lửa" gánh nặng về dân số cũng như giao thông cho khu vực nội thành.
Theo đó, sau năm 2030, TP. HCM sẽ triển khai mô hình thành phố đa trung tâm, trong đó Hóc Môn cùng với Củ Chi sẽ là đô thị phía Bắc trực thuộc TP. HCM.
![Đô thị đặc biệt của Việt Nam dồn lực đưa một huyện cửa ngõ thành đô thị vệ tinh kiểu mới- Ảnh 1. Đô thị đặc biệt của Việt Nam dồn lực đưa một huyện cửa ngõ thành đô thị vệ tinh kiểu mới- Ảnh 1.](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/10/huyen-hoc-mon-sap-cat-canh-len-tp3-1739173394952491807045.jpg)
Một góc huyện Hóc Môn, TP. HCM. Ảnh: Internet
Theo quy hoạch, huyện Hóc Môn sẽ trở thành trung tâm đào tạo, thương mại và dịch vụ logistics, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái và hữu cơ.
Tiến đến năm 2030, mục tiêu Hóc Môn sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chất lượng cuộc sống được nâng cao và đạt tiêu chí đô thị loại III, trở thành bàn đạp để "cất cánh" trở thành một phần trong đô thị phía Bắc của TP. HCM.
![Đô thị đặc biệt của Việt Nam dồn lực đưa một huyện cửa ngõ thành đô thị vệ tinh kiểu mới- Ảnh 2. Đô thị đặc biệt của Việt Nam dồn lực đưa một huyện cửa ngõ thành đô thị vệ tinh kiểu mới- Ảnh 2.](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/10/huyen-hoc-mon-sap-cat-canh-len-tp2-17391734534291932373579.jpg)
TP. HCM sẽ triển khai mô hình thành phố đa trung tâm sau năm 2030. Ảnh: Internet
Theo đó, không gian đô thị sẽ hình thành các khu trung tâm mới tại khu vực ngã giao giữa Quốc lộ 22 với đường Vành đai 3, khu vực sông Vàm Thuật và sông Sài Gòn.
Hiện nay, quỹ đất nông nghiệp tại Hóc Môn sẽ được khai thác nhằm phục vụ cho việc phát triển đô thị, kết hợp với công viên văn hóa cũng như các dự án dịch vụ.
Phía Tây của huyện Hóc Môn sẽ ưu tiên phát triển ngành logistics, đào tạo, sản xuất kinh doanh theo mô hình xanh nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.
Để tiến tới hiện thực hóa mục tiêu phát triển đô thị, hiện nay, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm đã, đang và sẽ được triển khai trên địa bàn.
Dự kiến, ngày 30/6/2026, tuyến Vành đai 3 TP. HCM đi qua huyện Hóc Môn với chiều dài hơn 11km sẽ hoàn thành.
Hay tuyến Quốc lộ 22 từ nút giao An Sương (Quận 12) đến Vành đai 3 (huyện Hóc Môn) dài 8,7km cũng sẽ được mở rộng lên 60m với 10 làn xe...
Tuyến đường ven sông Sài Gòn dài 78,2km cũng sẽ được quy hoạch.
Trong tương lai, huyện Hóc Môn dự kiến sẽ có 4 tuyến metro đi qua, giúp tăng cường kết nối các khu vực khác của TP. HCM như: Metro số 2, Metro số 4, Metro số 8 và Metro số 11.
Huyện Hóc Môn cũng sẽ tiến hành nâng cấp hệ thống giao thông nội bộ, kết nối các khu hành chính, khu dân cư và trung tâm thương mại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển và phát triển kinh tế.
Hóc Môn là một huyện nằm ở cửa ngõ phía Tây Bắc của TP. HCM, tiếp giáp các quận, huyện gồm: Phía Bắc: giáp thành phố Thuận An (tỉnh Bình Dương) qua con sông Sài Gòn.
Theo Nghị quyết số 1210/2016, đô thị đặc biệt được xác định có vị trí, chức năng và vai trò quan trọng, bao gồm Thủ đô hoặc trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, quốc tế về các lĩnh vực như kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ. Ngoài ra, đô thị đặc biệt còn là đầu mối giao thông và giao lưu quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Theo quy định, một đô thị đặc biệt phải có quy mô dân số từ 5 triệu người trở lên, trong đó khu vực nội thành phải đạt từ 3 triệu người trở lên. Hiện tại, Hà Nội và TP. HCM là hai thành phố được xếp loại đô thị đặc biệt. Thủ đô Hà Nội có diện tích hơn 3.358km2 với dân số hơn 8,2 triệu người, trong khi TP. HCM rộng 2.095km2 với dân số gần 10 triệu người.