Aa

Đô thị hóa – Những mối lo toan

Thứ Tư, 28/02/2018 - 06:01

Cây sống bởi có hệ mạch nối cái rễ với cái gốc, cái gốc với cái thân, cái thân với cái cành, cái cành với cái lá…

Hệ mạch ấy lại nối cây với đất và với trời. Đối với cuộc sống của cây cối, đất xem ra cần hơn cả: Hạt gieo xuống đất thì cây mới mọc, mầm cấy xuống đất thì mới lớn thành cây. Sau đất, nước cũng nhất thiết với cuộc sống của cây cối – Thiếu nước, cây cối chết; nước thối và độc, chúng cầm cự chẳng bao lâu.

Đô thị giống cái cây – Đô thị không chỉ là đường xá, là nhà cửa. Đô thị cũng không đơn thuần là đất đã đô thị hóa. Nó cũng có cuộc sống sinh học, quy theo luật sinh tồn tự nhiên. Nó thả, nó cắm gốc rễ xuống đất. Và, cũng chính đất – nước – bầu trời, xoay vần và tương tác, duy trì và duy dưỡng đô thị, cái cây vĩnh cửu của loài người. Trí khôn của con người, dù cao siêu đến mấy, cũng phải nhìn xuống đất và nước, cũng phải hướng lên bầu trời.
Cây cối, chết do bị cớm, do già, do cháy và do bị đốn. Đô thị – cây đời, cây xã hội, – chết không do bị cớm và bị đốn, không do tuổi tác, mà chết trong sự tàn lụi, với những hội chứng đã lấp ló đâu đây. Trí khôn con người đã tạo ra và kiến đắp mình mẩy đô thị ngày càng kiện toàn, ngày càng cao về công nghệ. Song, trí khôn nặng về chữ “dụng” đã sao nhãng cái triết lý giản đơn về sự khởi nguồn và sự kết thúc của cây cối.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hãy nhìn và ngẫm: Hồ biến thành ao, sông biến thành cống, biển biến thành bãi thải. Biến thành, song không biến mất. Chẳng có gì, thải rồi và hoại rồi, lại hóa thành sạch và lành. Hôm nay, cùng với nền văn minh tột bậc không dừng bước, chúng ta cũng đang chất đắp lên hành tinh một di sản – bãi thải. Hành tinh đã bị dùng.

Tô Lịch giang, Kim Ngưu giang, Lừ và Nhuệ giang ở Hà Nội, lững lờ đưa dòng nước vô sinh ra sông Cái. Biết bao cái khe, con suối và con sông khác cũng đang tháo, đang trút nước chết xuống con sông ấy – con sông mẹ của những dòng chảy trên đất phương Bắc. Cứ đà này, đến lượt nó, sẽ biến thành cái cống xả lộ thiên vĩ đại. Ai đó, mai này sẽ hát trong sự quên lãng thời gian: “Hồng Hà mênh mông, đưa cát tới chân làng quê, cuối sông…”.

Đô thị thúc đẩy phát triển, tăng tốc văn minh. Song, đô thị hóa, ào ạt và vung tay quá độ, chính là căn nguyên của đại vấn nạn – tai họa, đất, nước và bầu trời bị xâm hại, khó bề chữa trị cho lành.

Đã ai nghĩ tới một việc quái gở như thể nhổ bật cái cây ra khỏi đất rồi đem trồng nó chổng vó lên trời. Hình như trong xã hội, trong cao trào đô thị hóa hôm nay, cái việc ngược đời ấy không chỉ có trong suy tưởng nữa rồi.
Khi chúng ta chiếm đất và cất nhà, đổi dòng hoặc đắp đập, khai mở khu công nghiệp, bành trướng đô thị – hẳn chúng ta đã tính đến 3 yếu tố: Đất – nước – bầu trời, dĩ nhiên là từ tiêu chí “đủ”. Chẳng mấy khi chúng ta tính tới tiêu chí “cạn”, tiêu chí “hoại”.

Khi quy hoạch xây dựng đô thị, chúng ta ỷ vào tài nguyên thiên nhiên. Khi mở mang và vận hành cơ ngơi đô thị, chúng ta chạm phải cục diện môi trường. Ta buộc phải nói tới môi trường và sinh thái khi nhận ra tài nguyên thiên nhiên đã suy xuyển, khi nó đã bị xâm hại và, đương nhiên, khi những nguy cơ – tai họa lì lẫm hoặc đùng đùng kéo tới. Một khi buộc nói đến khái niệm “môi trường”, tự nhiên ta đã bước vào một cuộc đại ứng phó. Đô thị xanh, kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái … xem ra chỉ là những ứng phó.

Đã đến lúc giật mình, tỉnh ra: Đô thị hóa tham vọng, đô thị hóa vung quá tay và sơ lược, đã tiến đến cái ngưỡng, khi tài nguyên đất trời cạn dần, môi trường lâm suy. Tài nguyên đất chịu tổn thất trước tiên và hơn cả, nó chịu mà không biết nói. Không khí ngạt và nhiễm, – cảm thấy ngay. Khí hậu trái tính – Muộn, rồi cũng nhận ra. Mặt đất tự do bị thu hẹp lại, mạch hệ chảy ngầm khô khoảnh hoặc úng thối, con giun con dế trốn chạy – Có ai mà biết. Đất chết dần dưới sự đè nén của đô thị. Xem ra, ta vô cảm với mặt đất và lòng đất.

Đất rộng hoặc đất hẹp, không chỉ là phạm vi quốc gia, mà là phạm vi còn lại sau khi bị chiếm dụng bởi nhựa đường, bê tông, công trình và đô thị. Nói đến đất, nay ta nên nói tới những khái niệm “hữu hạn” và “còn lại”, chứ không thể vô tư mãi với khái niệm “vô tận”. Khái niệm ấy phù hợp khi đa phần mặt đất còn bao phủ bởi rừng và ruộng đồng.

Vậy ta thử nhìn nhận công cuộc đô thị hóa thời nay từ phương diện sử dụng quỹ đất. Dùng thuật ngữ “quỹ”, là ám chỉ cái “vốn”, mà vốn thì hễ là chủ, phải đong phải đếm. Quỹ đất đang bị sử dụng phung phí trong công cuộc đô thị hóa hôm nay. Đó là những hiện tượng chia mảnh, phân tán, bành trướng quy mô. Hiện tượng chia mảnh, chia lô trong xây dựng nhà ở tại các đô thị có thể lý giải phần nào từ truyền thống đô thị hóa sơ khai, nảy sinh từ tư duy cố hữu của thị dân – tiểu chủ, do vốn ít mà phải kết hợp 3 trong 1: Ăn ở – làm hàng – buôn bán. Song, chia mảnh trong phát triển đô thị hiện nay lại dẫn tới những hậu quả không thể khắc phục mai sau. Chẳng hạn ở các thành phố vùng biển miền Trung có cơ may định hình diện mạo đô thị biển và đô thị nghỉ dưỡng – du lịch thì các tuyến bờ biển đã bị chia mảnh. Phú Quốc, hé lộ triển vọng kiến tạo hòn đảo du lịch thiên đàng, lại cũng bị đem chia lô, xé mảnh. Trước nữa, Côn Đảo đã chịu để cho những giải đất ven biển hiếm hoi chia nhỏ, khiến những nhà đầu tư tiềm lực đến sau, bị bó tay.

Phổ biến mô hình đô thị phân tán, chiếm dụng đất theo dạng vết dầu loang. Nhìn bản đồ thực trạng các đô thị to nhỏ hiện nay, ta nhận ra quá nhiều những tuyến đường – phố kéo dài, những ốc đảo xây dựng thiếu kết nối, – đất chiếm dụng loang lổ, hạ tầng sơ sài, đô thị hóa mà thiếu khuôn mặt thành thị. Nguy hại hơn, đô thị hóa kiểu này kéo theo nguy cơ nông thôn hóa bền vững. Trong khi đó, mô hình đô thị nén, vừa kiệm đất, vừa thuận lợi cho việc tạo lập hạ tầng và tiện nghi ăn ở, vừa thúc đẩy nhanh hơn quá trình thành thị hóa dân cư, chưa phổ biến và chưa được biện luận hóa, tương thích với đặc thù đô thị hóa ở ta. Các cấu trúc đô thị nén này khác biệt với những khu chung cư tập trung xây dựng gần đây ở Thủ đô và vài thành phố khác, nơi động cơ “vắt chanh đất” được đề cao, khi sự liên kết đô thị về phương diện hình thái lẫn hạ tầng giao thông chưa được chú trọng..

Gây lo toan, gây bức xúc hơn cả, là việc sử dụng đất vượt quá quy mô chiếm dụng cần thiết. Địa phương nào cũng mở các khu công nghiệp, mà chúng lại phải rộng và phải đặt cạnh các trục đường. Đất ruộng đương nhiên bị chiếm cứ, vĩnh viễn không sinh nở nữa. Tổ tiên ta ngàn năm trước xuống đồi xuống núi, trị thủy đồng bằng, lấn ra biển, lấy đất trồng lúa. Nay, với đà xóa triệt đất sinh sản và cùng với đà biển lấn, con cháu ta khó tránh cuộc thập tự chinh ngược. Các thị xã và thành phố cỡ nhỏ, muốn đổi đời trong trào lưu nâng bậc đô thị, sát nhập các xã thôn bao quanh cho đủ chỉ tiêu về quy mô và dân số. Dân quê thưa, để đếm đủ phải mở thêm đất. Thế là, quỹ kiến trúc và văn hóa thị thành vốn mỏng, lại loãng thêm.

Sử dụng đất vung quá tay bộc lộ rõ hơn cả ở tham vọng mở rộng các đô thị tỉnh lỵ ra toàn tỉnh, đánh đồng khái niệm tỉnh – thành phố. Huế, đô thị – di sản, với hơn 20 vạn dân, mấy chục năm nay phát triển mà chưa xuất lộ rõ những động lực tăng tốc. Mở ra toàn tỉnh, rộng hơn 5 nghìn km2, liệu có thêm động lực mới, hay chỉ lún sâu vào sự chậm chân và sự bất thành. Đà Lạt, thành phố có thương hiệu nghỉ dưỡng ngót trăm năm, có quỹ kiến trúc độc nhất vô nhị, lẽ sao không tự khuếch trương bằng cái vốn độc hiếm ấy, mà lại toan tính mở rộng ra hơn 3000km2, rộng chỉ kém thủ đô một chút, với 700.000 dân dự kiến vào năm 2050. Để có hình thể đô thị, phải mở các đường vành đai và các trục xuyên tâm, Với mật độ dân số đô thị thấp nhất thế giới, ai và xe cộ nào sẽ di chuyển trên những trục lộ chọc thủng rừng núi? Một tỉnh ở miền Đông Nam bộ, các khu công nghiệp lan tràn lãnh thổ, nửa già dân số là người tạm trú, khi trở thành đô thị – tỉnh, sẽ sở hữu hình thái đô thị dạng nào, sự định hình văn hóa đô thị sẽ diễn ra thế nào và bao giờ?

Mở rộng đất đai đô thị bằng quyết định. Thiết lập cơ ngơi vật chất kỹ thuật cho đô thị bằng tiền. Đô thị hóa dân cư không thể chỉ bằng 2 thứ ấy.

Đất trong công cuộc đô thị hóa không chỉ bị xâm hại bằng sự chiếm dụng diện tích bề mặt. Đất còn bị xâm hại bởi những hoạt động xóa tẩy diện mạo, hình hài đặc trưng: San lấp ao hồ, chặn và đổi dòng chảy, san ủi núi đồi, lấn biển… Trên đường dẫn vào một cái vịnh đẹp lừng danh, người ta đem xẻ thịt mấy ngọn núi đất. Cũng tại đây, một hòn đảo đã bị làm lùn đi 20m để lấy đất lấn ra vịnh. Ở một tỉnh miền núi, người ta san ủi vài chục quả đồi, lấy mặt bằng xây thành phố – tỉnh lỵ, triệt tiêu luôn một nhân tố trời cho để kiến tạo khuôn mặt riêng cho chốn thị thành này. Ở Thủ đô, bằng một cuộc xâm lấn bền bỉ, bằng việc đổ rác thải và hợp thức hóa, mặt nước Hồ Tây đã bị thu hẹp trông thấy. Người Hà Nội, đã ai đủ can đảm đem so diện tích hồ còn lại với thời trước 1945 hoặc những năm 60 thế kỷ trước.

Ai đó cách nay vài năm nêu số liệu: Diện tích tổng cộng của các nghĩa địa to nhỏ ở Việt Nam rộng hơn diện tích các đô thị. Song, chưa ai ước lượng diện tích đất đai chiếm dụng bởi các bãi rác, bởi các bãi tha ma chất thải xây dựng. Nhiều trăm ngôi nhà tập thể 4÷5 tầng, xây thời bao cấp ở Thủ đô, hễ dỡ và đem đổ, bao nhiêu đất ruộng sẽ bị triệt sinh.

Đất chẳng những là tài nguyên ta dụng. Đất còn là cái khung cảnh để ta vẽ và ta xếp đặt nơi chốn cho cuộc sống thôn làng và thành thị. Hãy thử đặt lên bàn cân vô hình: Thiên tạo và nhân tạo, yếu tố nào là chủ đạo tạo nên cõi sống lành và cái riêng cho mỗi chốn người đời cư ngụ.

Lâu nay, chúng ta có thói quen tự hào về số lượng đô thị tăng nhanh, về quy mô và tầm cỡ của chúng, về tỷ lệ phần trăm dân số chuyển về đô thị. Song, trong sự hào hứng có phần trực dạ ấy, ta quên mất đi sự tổn thương, mất mát mà Đất mẹ, – khởi nguồn của vạn sự – phải gánh chịu.

Người viết bài này thiên về suy đoán: Không lâu nữa sẽ diễn ra quá trình phi đô thị hóa thời nay, những mô hình đô thị mới sớm định hình trên nền tảng tuân thủ những đòi hỏi tối thượng của sinh tồn. Đó là sự cân bằng và dung hòa giữa Đất – Trời và hành vi con người.

Chúng ta bước vào đô thị hóa muộn, hễ tỉnh táo, con cháu bớt chịu gánh nặng khắc phục.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top